Phóng to |
Nga (tóc dài) và đồng nghiệp trong chương trình y học tái tạo, Đại học Zurich, Thụy Sĩ |
Nguyễn Vũ Hồng Nga sinh năm 1979 ở Hà Nội. Năm 1991, em cùng mẹ sang Đức thăm bố, rồi hai mẹ con ở lại luôn bên ấy. Bây giờ Nga sống và làm việc tại Đại học Tổng hợp Zurich (Thụy Sĩ), là tiến sĩ ngành khoa học truyền thông và xuất bản, sau khi đã trải qua một chặng đường dài: Dresden, Berlin, Munich (Đức), Mỹ, Anh, Thụy Sĩ. Đấy là một trí thức trẻ Việt Nam thành đạt, con người của xã hội toàn cầu. Học đàn từ bé, Nga bây giờ chơi dương cầm vẫn rất hay. Vấn đề không phải chỉ là bằng cấp, mà thật ra chính là công ăn việc làm, là cuộc sống.
Phóng to |
Nguyễn Vũ Hồng Nga - một gương mặt tiêu biểu của người Việt trí thức ở nước ngoài |
Khi rời Việt Nam, Nga vừa học xong lớp 7. Em là học sinh Trường Trưng Vương. Ngày ấy, đại sứ Ấn Độ đến thăm trường, các thầy cô giáo phân công Nga đọc bài phát biểu bằng tiếng Anh. Mọi sự trôi chảy. Nga có khiếu phát âm, có lẽ cũng liên quan đến âm nhạc.
Sang Đức, hai mẹ con phải lang thang cực khổ trong thời gian đầu. Nhưng khổ đến mấy vẫn xin đi học cho bằng được. Và học tiếng Đức, mọi nơi, mọi chỗ. Chỉ sau khi học ngoại ngữ chính thức ba tháng ở trường, Nga đã đi học văn hóa. Lúc đầu là lớp 5, sau đó nhảy vọt lên lớp 7. Cái khiếu ngoại ngữ ngày học Trường Trưng Vương đã phát huy tác dụng. Cuộc rượt đuổi và vượt lên của Nga về tiếng Đức đã làm thầy cô giáo hết sức ngạc nhiên.
Với học sinh, tốt nghiệp phổ thông là sự kiện trọng đại. Với cả thành phố Berlin, trong tư cách một bang độc lập của Cộng hòa Liên bang Đức, đó cũng là một vấn đề lớn. Vì vậy, cả tờ Berliner Zeitung số ra ngày 7-6-2000 và tờ Berliner Morgenpost (Bưu Điện Buổi Sáng Berlin) đều đăng tin về sự kiện này, trong đó Hong Nga Nguyen Vu là một nhân vật khá đặc biệt.
Điểm số ở Đức tính từ 1 (tốt nhất) đến 5 (kém nhất). Cả Berlin năm 2000 có 13.109 học sinh tốt nghiệp trung học. Các em trải qua ba kỳ thi viết và một kỳ thi vấn đáp. Kết quả có 21 học sinh đỗ với điểm 1,0, điểm mơ ước, điểm tài năng. Trong 21 em đó có Nga. Báo đăng ảnh tám học sinh nổi bật, trong đó cũng có Nga. Trong lễ tuyên dương trước toàn trường, ông hiệu trưởng đã tuyên bố rất cảm động: “Từ khi tôi làm hiệu trưởng trường này, đã hơn 10 năm nay, bây giờ mới có một học sinh tốt nghiệp với điểm tối đa”. Nga đứng đó, bé nhỏ, trắng trẻo, tóc dài và rất đen.
Nước Đức có một tổ chức gọi là “Viện hàn lâm dành cho học sinh Đức” (Deutsche Schueler Akademie). Đây là môi trường đào tạo tài năng, hằng năm đều có tổ chức gặp gỡ thảo luận, để các em sớm có điều kiện tham gia hoạt động đào tạo ở mức độ đại học. Ngày ấy Đức có khoảng 500 trường phổ thông, mỗi trường có nhiều nhất là một học sinh được mời, không ít trường chẳng có ai đủ tiêu chuẩn. Tháng 7-1999, vừa học xong lớp 12, Nga đi dự một khóa trình như vậy. Chủ đề Nga tham dự năm đó là “Báo chí và sự nghiệp hòa bình”.
Do học rất giỏi, Nga được chọn ngành, chọn trường và nhận học bổng.
Dưới những mái trường
Nga chọn Trường Tổng hợp tự do Berlin (FU). Trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của The Times (Anh) năm 2009, trong số 200 trường tốt nhất FU đứng hạng 94. Nếu kể riêng nước Đức, FU đứng thứ 3. Cũng theo Times, năm 2008 trong số 100 trường dạy khoa học xã hội hàng đầu thế giới, FU đứng hạng 24.
Nguyễn Vũ Hồng Nga học lĩnh vực chuyên ngành khoa học xã hội và khoa học chính trị của FU. Ngành em theo học: khoa học truyền thông - một ngành rất “hot” hiện nay. Ở FU, tiêu chuẩn tuyển vào ngành học này rất ngặt nghèo: điểm tốt nghiệp phổ thông phải từ 1,2 trở lên (vào năm Nga nhập học). Trong thời gian học đại học, Nga được cấp học bổng sang Mỹ một năm. Cách học đại học trong ngành này có sự chủ động rất cao. Nga cho biết chỉ có khoảng 1/5 số các môn là bắt buộc, còn 4/5 số môn còn lại được tự chọn. Vì vậy, khi sang Mỹ, không có ảnh hưởng gì đến quá trình đào tạo chung, vì Nga chỉ học các môn tự chọn.
Nguyễn Vũ Hồng Nga có tố chất tốt và thể hiện sớm từ khi còn nhỏ. Những ngày đầu tiên trên đất Đức là những ngày khó quên, nếu không muốn nói là vất vả và cả cay đắng nữa. Ý nghĩ duy nhất lúc đó chỉ là tìm mọi cách để học, học và học. Học như một niềm vui, học như một hi vọng và học như một cách thể hiện quyết tâm, thể hiện khát vọng. Bây giờ nghĩ lại những lúc đó cũng không còn bi lụy gì, và xem rằng những thử thách đó chính là một trong những căn nguyên của thành công. |
Đấy là lý do Nga sang Thụy Sĩ. Cái đích Nga lựa chọn: Trường Tổng hợp Zurich, một trong những trường đại học nghiên cứu tốt nhất châu Âu. Các giáo sư thuộc trường đã đoạt được 12 giải Nobel, trong đó có Albert Einstein.
Tháng 9-2007 Nga tới Thụy Sĩ, vừa giảng dạy, vừa làm luận án tiến sĩ tại khoa triết, một khoa có lịch sử lâu đời và hiện là một trong những cơ sở khoa học hàng đầu về nghiên cứu truyền thông. Trong luận án của mình, Nga nghiên cứu so sánh nội dung tin và cách đưa tin của 21 đài truyền hình phổ biến nhất ở châu Âu. Cũng như những lần đi học trước, Nga hoàn thành và bảo vệ luận án rất nhanh (hai năm ba tháng) với kết quả xuất sắc. Chỉ hơi tiếc một chút: ngày nhận luận án, do tro than núi lửa bay lên thành đám mây bao phủ phần lớn châu Âu nên bố mẹ Nga không thể sang dự được.
“Cái số cháu nó thế. Luôn chiến đấu một mình”, mẹ Nga nói. Đó là đầu năm 2010.
Thành công ở mọi nơi
Những ngày đầu đi làm Nga thử sức ở Munich, một trung tâm nổi tiếng của Đức về khoa học kỹ thuật, thương mại và cả bóng đá. Munich có Đại học Maximilian, có Viện bảo tàng Kỹ thuật, có Siemens và BMW, lại có cả Bayern Munich... Nga đã trải qua hai việc làm cụ thể: một là tư vấn doanh nghiệp, hai là thăm dò dư luận công chúng (dự án “Tin tức nước ngoài trên TV”). Ở Munich, công việc lý thú, lương cũng cao, nhưng Nga lại không muốn ở yên một chỗ.
Sau khi có bằng tiến sĩ, Nga thi tuyển vào ngạch công chức (cũng thử một lần xem sao) và lập tức trúng tuyển, làm trợ lý chuyên môn tại Vụ Khoa học và giáo dục, Bộ Nội vụ Thụy Sĩ. Công việc nhiều mới mẻ, đãi ngộ rất cao, nhưng Nga quay về Trường Tổng hợp Zurich, sang làm việc tại khoa y.
Hiện nay TS Nguyễn Vũ Hồng Nga là quản trị dự án một chương trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực y học tái tạo, với các chủ đề nghiên cứu về công nghệ mô, chuyển ghép tế bào và mô hình hóa bệnh tật. Lĩnh vực chuyên biệt của Nga là cơ tim và van tim, với một dự án lớn thuộc Hội đồng châu Âu, có sự tham gia của bảy nước nhằm tìm ra những hướng chiến lược mới để điều trị các bệnh về van tim một cách hiệu quả hơn. Công việc đã đem lại cho Nga rất nhiều niềm vui vì giúp đỡ và cứu sống được nhiều em nhỏ.
Câu chuyện còn phía trước
Nga chưa làm một cái gì thật khác thường, cho dù có nhiều thành tích nổi bật. Nhưng ở lứa tuổi này, sống được như vậy cũng là niềm an ủi và tự hào của bố mẹ rồi. Kết quả học tập suốt gần 20 năm luôn ở hàng đầu, thuộc dạng ưu tú, mà ở những quốc gia tiên tiến nhất châu Âu cũng được xem là quý giá, hiếm hoi, được xã hội ngưỡng mộ và chăm bẵm. Những ngôi trường Nga theo học đều là những trường hàng đầu, có truyền thống và danh tiếng trên toàn thế giới.
Môn Nga theo học, ngành Nga theo đuổi là những lĩnh vực khoa học hiện đại, những thứ mà cuộc sống hối hả ngày hôm nay đang rất cần. Không chỉ là cái giỏi về điểm số, trên giấy tờ, mà là cái giỏi dễ dàng tạo ra công việc, đảm bảo cuộc sống, và đem lại vinh dự nữa. Nga đã nhiều lần đi thi tìm việc, lần nào cũng vui vì tự cảm thấy mình đủ sức đáp ứng những nhu cầu khắc nghiệt nhất về chuyên môn, và cuối cùng đều trúng tuyển một cách dễ dàng. Ở những nước khác nhau, trong những lĩnh vực cũng hết sức khác nhau.
Hỏi Nga rằng niềm hạnh phúc lớn nhất là gì, cô đáp: những phút đoàn tụ gia đình là những phút vui vẻ, hạnh phúc. Hằng năm, Nga lo chỗ nghỉ cho bố mẹ và em, khi ở Thụy Sĩ, lúc ở Tây Ban Nha, Na Uy hay Ý. Biết bố mê bóng đá, Nga chọn chỗ nghỉ ở ngay vùng đội Đức đóng quân hồi Euro 2008, để rồi cùng bố mẹ đến chính khách sạn nơi đội Đức từng ở, chụp cho được tấm hình có ghi dấu chân khắc trên đá của từng cầu thủ Đức. Em trai mê nhạc, Nga tỉ mỉ chọn cho em từng cây đàn, khuyên em những kinh nghiệm mà mình đã trải qua. Thỉnh thoảng Nga vẫn ghé về Việt Nam thăm ông bà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận