Phóng to |
Tàu In Sung 1 - Ảnh: Chris Howell |
Phóng to |
Sơ đồ vị trí tàu đánh cá In Sung 1 của Hàn Quốc chìm - Đồ họa: Như Khanh - Ảnh: AFP |
Tàu cá chở 42 người bị đắm, có 11 thủy thủ người Việt
“Bộ Ngoại giao đã đề nghị phía Hàn Quốc và New Zealand sớm thông báo nguyên nhân, khẳng định danh tính của những người bị nạn và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong việc bảo hộ công dân, hỗ trợ những người bị nạn” - bà Nguyễn Phương Nga nêu rõ. Bà cũng nói Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) đã đề nghị các công ty có liên quan đến các thuyền viên bị nạn phải cử người đi nắm bắt tình hình vụ việc, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các đối tác khẩn trương có các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích của các thuyền viên Việt Nam.
Danh sách 11 thủy thủ lâm nạn Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, những người được cứu sống gồm: Trần Đình Khánh (Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Trần Ngọc Sơn (Nghi Quang, Nghi Lộc, Nghệ An), Lê Quang Rực (Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Nam (Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Hoàng Văn Bắc (Quảng Văn, Quảng Trạch, Quảng Bình), Nguyễn Mậu Hiền, Nguyen Van An. Những người mất tích gồm: Nguyễn Văn Sơn (Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Thành (Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Nguyen Song Hao (chưa rõ tên chính xác vì giấy tờ ghi không có dấu) và Nguyễn Tương (Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - người được cho là tử nạn. |
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, con tàu bị nạn mang tên In Sung 1 có 42 người gồm 8 người Hàn Quốc, 8 người Trung Quốc, 11 người Indonesia, 11 người Việt Nam, 3 người Philippines và 1 người Nga. Những người được khẳng định đã thiệt mạng gồm hai người Indonesia, hai người Hàn Quốc và một người Việt Nam.
Trong số người mất tích có năm thủy thủ Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hàn Quốc cũng cho biết bốn công dân nước này bị mất tích, bốn người khác đã được cứu thoát. Đài phát thanh New Zealand thông báo những người sống sót và thi thể nạn nhân được tìm thấy đã được đưa lên một con tàu đánh cá có số hiệu 707 Hongjin.
Các con tàu gần nơi diễn ra tai nạn và lực lượng cứu hộ New Zealand đã kịp thời cứu được 20 thủy thủ, chỉ ít lâu sau khi con tàu nặng 614 tấn bị chìm ở khu vực cách New Zealand khoảng 2.250km về phía nam.
Vì điều kiện tự nhiên quá lạnh giá, khi các thủy thủ rơi xuống biển mà không mặc loại áo đặc biệt, họ chỉ có cơ hội sống sót nếu được cứu trong vòng mười phút đầu. May mắn là khi tàu gặp nạn, có nhiều tàu đánh cá cũng đang hoạt động ở gần đó nên họ đã tham gia cứu hộ kịp thời.
Tuy nhiên, quy mô của vụ cứu nạn đang bị thu hẹp dần do ít có khả năng tìm kiếm được những người còn sống khác. Đến nay, hai tàu đánh cá của New Zealand đã dừng tìm kiếm nhưng ba tàu của Hàn Quốc vẫn tiếp tục sứ mệnh. Trước đó, lực lượng cứu hộ đã yêu cầu trực thăng từ đất liền New Zealand hoặc trạm nghiên cứu Nam cực của Mỹ tham gia tìm kiếm người gặp nạn, nhưng người phát ngôn của Cơ quan Hàng hải New Zealand Ross Henderson nói kế hoạch đó không thực hiện được do không có máy bay nào có thể đến nơi xa xôi như vậy trong thời gian mười phút.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao tàu chìm trong điều kiện gió nhẹ, sóng nhẹ chỉ cao khoảng 1m, nhiệt độ khoảng 2OC. Chủ tàu tại Busan (Hàn Quốc) cho rằng có khả năng tàu va vào băng. Cơ quan Hàng hải New Zealand cũng chưa kết luận nguyên nhân tai nạn, đồng thời chưa rõ vì sao họ không nhận được thông điệp cầu cứu trước khi con tàu chìm. Nhà chức trách New Zealand cho biết họ chỉ được thông báo về vụ tai nạn gần bảy giờ sau đó.
Xác định được danh sách 11 thủy thủ Việt Nam
Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ tại Hàn Quốc cho biết đã xác định được danh sách 11 thủy thủ Việt Nam làm việc trên con tàu Hàn Quốc lâm nạn.
Tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết 11 thủy thủ trên con tàu lâm nạn do năm công ty phái cử đi, gồm: Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực Lod, Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ Inmasco, Công ty cổ phần xuất khẩu lao động thương mại và dịch vụ TTLC, Công ty Traenco và một công ty khác.
Trong đó, chúng tôi đã liên hệ và được Công ty Lod khẳng định trong danh sách 11 thủy thủ, công ty này có năm người gồm Trần Đình Khánh, Nguyễn Văn Sơn, Trần Ngọc Sơn, Lê Quang Rực và Nguyễn Tương. Còn Công ty Inmasco có hai người là Nguyễn Văn Nam và Hoàng Văn Bắc. Công ty cổ phần xuất khẩu lao động thương mại và dịch vụ TTLC có hai người là Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Mậu Hiền. Riêng hai thuyền viên còn lại thì một của Traenco và một của công ty khác.
Theo ông Lê Nhật Tân - phó tổng giám đốc Công ty Lod, công ty này cung cấp thuyền viên cho đội tàu In Sung hơn mười năm nay. Họ làm việc đánh bắt hải sản xa bờ, mức lương dao động từ hơn 200-700 USD, tùy công việc và tùy từng người. Với lao động do Công ty Lod phái cử thì công ty này mua bảo hiểm cho người lao động ở Việt Nam.
Vì vậy, nếu lao động gặp nạn sẽ được các công ty bảo hiểm Việt Nam chi trả theo luật. Công ty Inmasco cho biết họ cung cấp thuyền viên cho đội tàu In Sung cũng hơn mười năm. Lao động làm việc có mức thu nhập 210-1.000 USD tùy công việc và thâm niên của từng người. Công ty này cũng mua bảo hiểm cho người lao động tại Việt Nam. Các công ty khác cũng làm tương tự đối với thuyền viên của họ.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đối với 11 thủy thủ lâm nạn cục sẽ tùy vào từng trường hợp để hỗ trợ. Trong đó, các thuyền viên còn sống sẽ sớm làm thủ tục đưa về Việt Nam, thuyền viên không may tử nạn có thể hỏa táng để đưa tro cốt về Việt Nam, nếu gia đình có ý định đưa thi hài về sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa. Ngoài ra, sẽ dùng quỹ hỗ trợ thuyền viên để hỗ trợ các thủy thủ lâm nạn. Các trường hợp mất tích sẽ liên hệ với các bên liên quan tiếp tục nỗ lực tìm kiếm.
_______________________
Phóng to |
Bà Đới (trái), mẹ của anh Trần Đình Khánh, lo lắng khi nghe tin tàu của Hàn Quốc có con trai bà đang làm thuyền viên bị chìm - Ảnh: Văn Định |
Quê nhà lo lắng chờ đợi tin tức
Đến tối 13-12, người dân xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn chưa hay tin tàu đánh cá In Sung 1 của Hàn Quốc bị chìm ở Nam Cực khiến 11 thuyền viên người Việt Nam gặp nạn.
Khi nghe chúng tôi thông tin trên tàu bị chìm có một số người dân xã Kỳ Phú, ông Nguyễn Song Hào - phó chủ tịch UBND xã Kỳ Phú - rất lo lắng, giọng chùng hẳn xuống. Ông cho biết người dân Kỳ Phú rất nghèo khó, quanh năm bám biển bám đồng không thoát khỏi cái nghèo. Khi có phong trào xuất khẩu lao động, người dân phải vay mượn, cầm cố tài sản để được đi làm ở Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... với mong ước đổi đời. “Chưa thấy người dân thay đổi chi mấy mà nghe thông tin này chắc người nhà của họ đau lắm” - ông Hào nói.
Sau gần 30 phút gọi điện thoại về các xóm, ông Hào xác nhận trong hai người đi trên tàu In Sung 1 chỉ có anh Trần Đình Khánh ở xóm Phú Long. “Ở xã chúng tôi không có ai đi Hàn là Nguyễn Tương mà chỉ có Hoàng Minh Tương ở xóm Phú Minh”.
Gần 22g chúng tôi mới tìm đến gia đình anh Trần Đình Khánh. Bố mẹ, vợ con anh cùng một số người dân trong xóm đang quây quần bên chiếc tivi. Ông Trần Văn Thanh (72 tuổi), bố của anh Khánh, tâm sự vì gia cảnh khó khăn nên ba con của ông sau khi lập gia đình đều vay mượn tiền đi lao động nước ngoài.
Anh Khánh lấy vợ, sinh được ba con đều còn nhỏ. Thấy cảnh hai vợ chồng làm ruộng thiếu trước hụt sau, anh đã làm đơn xin đi xuất khẩu sang Đài Loan. Đi được sáu tháng, nhận tin anh trai mất nên anh Khánh phá hợp đồng về nước chịu tang. Đến năm 2007, anh lại nộp hồ sơ đi Hàn Quốc. “Thằng Khánh làm thuê bên Hàn đã ba năm nhưng lương hẻo lắm. Chúng tôi nói nó nên về quê nhưng hắn cố mà làm” - bà Trương Thị Đới (64 tuổi), mẹ anh Khánh, tâm sự.
Cũng tối qua, PV Tuổi Trẻ gặp vợ và anh trai của thủy thủ Trần Ngọc Sơn (quê xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Chị Phạm Thị Linh - vợ anh Sơn và anh Trần Ngọc Trì - anh trai anh Sơn - cho biết đã đến nhà ông Trần Hải Dương - chủ tịch UBND xã Nghi Quang - để tìm hiểu thông tin tình hình các thủy thủ trên tàu In Sung 1.
Ông Trần Hải Dương lo lắng: “Sáng nay tôi xem trên mạng thấy có thông tin trong số 42 thủy thủ gặp nạn có 11 thủy thủ Việt Nam nên cũng lo. Xã tui có hơn 500 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì có hơn 100 người làm đi biển ở Hàn Quốc. Đến nay có 8 người chết khi đi xuất khẩu lao động, chủ yếu chết ở Đài Loan, Malaysia... chứ chưa có Hàn Quốc”.
Chị Phạm Thị Linh nói trong nước mắt: “Tôi và hai con nhỏ rất hoang mang khi nghe tin tàu In Sung 1 bị nạn. Chúng tôi phải vay mượn gần 100 triệu đồng để anh Sơn “chạy” khẩu lao động. Hai tháng trước anh Sơn có điện thoại về nói chuyện với ba mẹ con tôi và cho biết tình hình sức khỏe bình thường. Chúng tôi liên lạc với công ty môi giới thì họ nói cũng chưa nắm được tình hình cụ thể về anh Sơn và cho biết đang chờ thông tin”.
Thông tin tàu cá In Sung 1 bị nạn đã lan nhanh, rất nhiều người ở xã Nghi Quang hết sức lo lắng, cùng kéo nhau đến nhà ông Dương để xem thông tin qua mạng.
Tại nhà thuyền viên Hoàng Văn Bắc (ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), chị Hoàng Thị Lan rất ngỡ ngàng khi được chúng tôi thông tin sơ bộ có tàu đánh cá của Hàn Quốc bị chìm tại Nam cực, trong đó có một người trùng họ tên với chồng chị.
Chị Lan cứ ôm đứa con trai út 5 tuổi vào lòng, khuôn mặt đầy vẻ lo lắng, thảng thốt. Chị cho biết: “Anh Bắc đi xuất khẩu lao động trên tàu cá của Hàn Quốc từ tháng 5 năm nay. Đã hai tháng nay ba mẹ con (con trai đầu 11 tuổi) không nhận được tin tức gì của anh Bắc”. Chị cũng cho biết khi anh Bắc làm thủ tục đi, gia đình phải vay tại ngân hàng 50 triệu đồng, trong đó đóng phí đi Hàn Quốc hơn 30 triệu đồng, còn lại chi phí hết cho việc học ngoại ngữ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận