Phóng to |
Nhà máy sản xuất đầu tiên của Honda năm 1948 - Ảnh tư liệu |
Kỳ 1: Honda và chiếc bánh Mỹ
Những nguyên lý trái ngược
Thậm chí ở nhà ông cũng có lối ăn ở cư xử khác lạ với hầu hết người Nhật Bản. Ông gắn tivi lên trần nhà trong phòng ngủ của mình để xem chương trình tin tức buổi sáng mà không cần phải ngồi dậy. Trước khi có thiết bị điều khiển từ xa ra đời, Honda chắp nối các linh kiện mua từ một cửa hàng bán đồ ngũ kim ở địa phương thành một chiếc điều khiển từ xa cho riêng mình để tắt bật tivi. Masaru Ibuka của Sony viết về người bạn lâu năm của mình: “Cuộc đời của Honda dạy cho chúng ta thấy khả năng biến những giấc mơ của một người thành hiện thực”.
Câu chuyện về thành công của Honda cũng làm suy yếu thêm lập luận của những chuyên gia Nhật Bản, những người đã quy phép mầu của Nhật chủ yếu cho vai trò chỉ đạo của các nhà kỹ trị. Mối quan hệ giữa Honda với giới kỹ trị Nhật Bản rõ ràng là thù địch. Bộ Giao thông Nhật Bản cấm các nhà sản xuất xe hơi sử dụng hai màu đỏ và trắng để sơn xe hơi cho khách hàng của họ, với lý do dành riêng những màu sắc này cho các loại xe chuyên dùng trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như xe chữa cháy.
Honda yêu thích tất cả mọi thứ có màu đỏ. Ông thường mặc sơmi đỏ thay vì sơmi trắng với complet sẫm màu vốn đã thành chuẩn mực trong giới doanh nhân Nhật Bản. Vậy nên Honda nổi xung, chống đối lại quy định này. Trong một bài báo, ông viết: “Tôi chẳng thấy có bất kỳ quốc gia công nghiệp nào trên thế giới mà ở đó nhà nước lại độc quyền sử dụng màu sắc”. Thông qua một số hoạt động vận động hành lang cứng rắn, Honda đã khiến quy định đó phải thay đổi và chiếc xe hơi thể thao đầu tiên của ông trình làng vào năm 1962 được sơn màu đỏ chói nhất mà các kỹ sư của ông có thể tìm được.
Trong một cộng đồng doanh nghiệp bị ám ảnh bởi bằng cấp và dòng dõi xã hội danh tiếng, Honda đã phá vỡ lối suy nghĩa rập khuôn đó bằng cách không bao giờ hoàn thành việc học đại học. Ông chủ ý tuyển dụng những kỹ sư có điểm số học tập xoàng xĩnh hay những người có nền tảng học vấn đại học hạng hai mà Toyota sẽ từ chối để nhận vào làm ngay lập tức. Honda từng có lần nói: “Cầm một chiếc vé tới một rạp chiếu phim, anh sẽ vào được bên trong rạp, nhưng ngay cả khi cầm một tấm bằng tiến sĩ, anh cũng không thể vào xem được một bộ phim”.
Một khi đã vào làm trong Honda, những nhân viên này trải nghiệm một kiểu quản lý không phải dựa trên số đông nhất trí êm xuôi phẳng lặng được nhiều chuyên gia Nhật Bản ca ngợi, mà là một phong cách quản trị doanh nghiệp chuyên quyền. Các nhà quản lý Honda kể lại chi tiết nhiều câu chuyện về sự lạm dụng, thậm chí đối xử bạo lực thường xuyên diễn ra.
Hideo Sugiura, một kỹ sư cấp cao, nhớ lại đã hai lần Honda đánh mình ngay trước mặt 30 nhân viên cấp dưới của ông vì một cái bulông nhô ra 3mm so với bản vẽ chi tiết kỹ thuật của Honda. Theo lời kể của Tadashi Kume, một người từng có thời là chủ tịch Công ty Honda, các nhà quản lý của công ty có thể xác định được tâm trạng của Honda thông qua vị trí chiếc mũ trên đầu ông. Nếu mũ bị đẩy về sau nghĩa là Honda đang vui vẻ. Nếu nó bị kéo về đằng trán là điềm báo ông đang ở trong trạng thái cáu bẳn, cộc cằn. Trong trường hợp đó, “mọi người bắt đầu cất giấu tất cả thước kẻ, cờ lê nằm xung quanh - Kume giải thích - Đó là vì khi Honda nổi điên, ông mù quáng chộp bất kỳ thứ gì nằm ở xung quanh và ném bừa bất kỳ cái gì trong tầm tay mình vào mọi người!”.
“Giấc mơ” châu Á
Bản tính hung hăng của Honda lại tỏ ra là lợi thế lớn đối với một doanh nhân. Lần đầu tiên ông nỗ lực làm ra chiếc xe của riêng mình là vào năm 1946, trong suốt những ngày tháng đen tối sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hệ thống giao thông ở Nhật đã bị hư hại, còn nhiên liệu khan hiếm khiến việc đi lại từ nơi này sang nơi khác rất bất tiện. Honda nhận thấy một nhu cầu cần có hình thức giao thông đơn giản mới. Ông thu lượm những động cơ nhỏ từng được sử dụng làm nguồn cấp điện cho các máy thu thanh quân sự vốn trước đó bị vứt bỏ như rác, đem về sửa chữa sơ qua rồi gắn chúng vào những chiếc xe đạp để tạo ra một chiếc xe gắn máy thô sơ.
Đối với vấn đề nhiên liệu, ông sử dụng nhựa thông thay vì xăng dầu khan hiếm, còn “bình xăng” là một chai đựng nước thông thường. Những động cơ thô sơ này có mã lực rất thấp nhưng Honda vẫn cố gắng bán được khoảng 500 chiếc. Năm 1948, ông thành lập Công ty Honda Motor bằng tiền của cha mình, người đã bán một miếng đất rừng có giá trị để có tiền cho con trai, và bắt đầu làm ra một chiếc xe máy thật sự. Sản phẩm đầu tiên ra đời vào năm 1949, một số người bình luận “giống như một giấc mơ” khi nhìn thấy chiếc xe được lắp ráp hoàn chỉnh. Lấy cảm hứng từ lời bình luận đó, Honda đặt tên cho chiếc xe máy là Dream (nghĩa là “Giấc mơ”).
Năm 1950, dựa vào một khoản tiền đầu tư mới, Honda mua một nhà máy cũ sản xuất máy may, cải tạo thành cơ sở sản xuất xe máy và bắt đầu cho xuất xưởng hàng loạt xe Dream. Tuy nhiên, chiếc xe này không phải là một sản phẩm thành công như Honda mong đợi. Vấn đề rắc rối chính của nó, như Honda xác định, là động cơ nhỏ. Ông quay trở lại phòng thí nghiệm của mình, cùng các kỹ sư thiết kế một loại động cơ mạnh hơn cho xe Dream.
Chiếc xe tái thiết kế được một kỹ sư chạy thử vào năm 1951. Anh này phóng vọt chiếc xe lên một ngọn núi ở gần đó giữa lúc trời mưa như trút nước. Honda, khi đó đang bò theo sau trên một chiếc Buick, bị xúc động mạnh. “Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy hạnh phúc khi đi sau một người khác”, Honda đùa. Chiếc Dream mới là thành công đầu tiên của Honda.
Đầu thập niên 1960, với ký ức về mùi dầu loang của chiếc Ford model T vẫn còn mới nguyên trong đầu, Honda quyết định tiến vào lãnh địa kinh doanh ôtô. Tháng 1-1962, Honda gửi một chỉ thị xuống nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) của mình, lệnh cho họ phải “dốc hết tốc lực phát triển một sản phẩm ôtô”. Honda ép các kỹ sư của mình theo một kế hoạch làm việc mệt lử.
Ông muốn trình làng mẫu xe mới trong một cuộc họp lớn giữa các doanh nghiệp và người lao động. Đêm trước cuộc họp, nhóm R&D của ông vẫn còn phải lắp đặt hoàn thiện những chi tiết nhỏ cuối cùng cho hai mẫu xe đều là xe hơi thể thao cỡ nhỏ. Ngày hôm sau, đích thân Honda đặt tay vào vôlăng của một trong hai chiếc xe, chiếc S360, và lái nó vút đi trước mặt đám đông.
_____________________
Có một kỹ sư trên đường du lịch bị đối xử tệ hại, đã quyết tâm một ngày nào đó sẽ thành lập một công ty hiện thân cho những nguyên lý tốt đẹp nhất trên thế giới, tạo ra của cải cho tất cả mọi người... Và công ty của ông sau đó trở thành một trong những công ty khổng lồ ở Ấn Độ.
Kỳ tới: Của cải cho mọi người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận