04/10/2012 08:17 GMT+7

9/10 người Mỹ sẽ phải đóng thêm thuế!

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Nếu Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng không sớm đạt được một thỏa thuận, mỗi người dân Mỹ sẽ phải đóng thêm hàng ngàn USD tiền thuế.

Đây là một nguy cơ không chỉ đe dọa nền kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu.

5WYVmHrr.jpgPhóng to
Tượng gốm hình ông Romney và ông Obama đối đầu. Cả hai vẫn chưa tiết lộ sẽ hóa giải nguy cơ “vách đá tài khóa” như thế nào - Ảnh: Reuters

Trang tin tài chính MoneyWatch cho biết theo báo cáo của Trung tâm chính sách thuế Viện Brookings-Urban, chương trình giảm thuế của Chính phủ Mỹ từ thời cựu tổng thống George Bush sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Như vậy, đến đầu năm 2013 thì 88% người dân Mỹ sẽ phải nộp thêm 5% thuế. Nói cách khác, cứ 10 người Mỹ thì có 9 người phải đóng thuế thêm trung bình 3.500 USD/năm. Chính phủ sẽ thu về thêm 536 tỉ USD tiền thuế trong năm tới.

Truyền thông Mỹ gọi hiện tượng này là “vách đá tài khóa”. Trừ phi Quốc hội và Chính phủ Mỹ can thiệp, “vách đá tài khóa” sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 2-1-2013.

Làm sụt giảm tăng trưởng toàn cầu

Theo báo cáo của Viện Brookings-Urban, nhóm người Mỹ có thu nhập hơn 170.000 USD, chiếm 20% số người đóng thuế, sẽ phải đóng mức thuế thu nhập trung bình lên tới 30,9%. Như vậy, họ sẽ phải đóng góp khoảng 300 tỉ USD trong số tiền 536 tỉ USD mà chính phủ sẽ thu được thêm trong năm 2013. Nhóm thu nhập thấp nhất, dưới 15.900 USD/năm, sẽ phải đóng góp 16,1 tỉ USD. Mức tăng thuế đối với nhóm này là lớn nhất, từ 0,6% lên 4,3%, do đó sẽ phải chịu gánh nặng tài chính nặng nề nhất.

Báo New York Times đưa tin từ giữa năm 2012, hàng loạt nhà sản xuất ở Mỹ đã tạm dừng các dự án đầu tư mới và ngừng tuyển dụng thêm lao động do lo ngại nguy cơ tăng thuế từ tháng 1-2013. Giám đốc các công ty này cho biết thà ngừng đầu tư còn hơn chờ quốc hội và chính phủ giải quyết vấn đề. Khảo sát của Ngân hàng Morgan Stanley cho biết hơn 40% công ty đều khẳng định “vách đá tài khóa” là nguyên nhân khiến họ buộc phải hạn chế chi tiêu.

Không đầu tư thêm cũng có nghĩa tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn tiếp tục duy trì ở mức trên 8%. “Chúng ta đang ở trong hỏa ngục kinh tế - New York Times dẫn hình ảnh so sánh của Alexander M. Cutler, giám đốc Hãng thiết bị công nghiệp Eaton ở Ohio - Khu vực tư nhân đang rất lo ngại”. Tập đoàn công nghiệp Đức Siemens và nhiều công ty nước ngoài khác cũng đang hạn chế mở rộng đầu tư ở thị trường Mỹ.

Giới chuyên gia kinh tế dự báo nếu người dân Mỹ phải đóng thêm hàng ngàn USD tiền thuế, chắc chắn họ sẽ phải thắt lưng buộc bụng hạn chế chi tiêu hơn nữa. Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính nếu “vách đá tài khóa” có hiệu lực, nền kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại 800 tỉ USD trong năm 2013, GDP sụt giảm 1,3% trong sáu tháng đầu năm. Hãng xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo việc người tiêu dùng Mỹ hạn chế chi tiêu và khủng hoảng nợ châu Âu có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm một nửa trong năm 2013.

Không đàm phán

Các tổ chức vận động hành lang cho khu vực kinh tế đang chỉ trích dữ dội Quốc hội và Chính phủ Mỹ vì không tìm cách giải quyết nguy cơ này. “Đây là hành vi hoàn toàn vô trách nhiệm và hết sức điên rồ” - chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất điện quốc gia Mỹ (NEMA) Evan Gaddis lên án. Theo trang MoneyWatch, thực tế phần lớn nghị sĩ Mỹ đều tuyên bố muốn tiếp tục gia hạn chương trình cắt giảm thuế. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang tranh cãi dữ dội về việc gia hạn như thế nào.

Phía Đảng Cộng hòa muốn duy trì các khoản miễn giảm thuế cho mọi đối tượng, đặc biệt là giới nhà giàu. Ngược lại, phía Đảng Dân chủ và chính quyền ông Obama chỉ muốn duy trì giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và người nghèo, còn nhóm 2% những người giàu nhất, bao gồm các cá nhân kiếm trên 200.000 USD/năm, sẽ phải đóng đầy đủ thuế. Không bên nào chịu nhượng bộ và mọi cuộc đàm phán đều bị tê liệt.

“Thưa ngài tổng thống, hãy lắng nghe tiếng dân kêu”

Ngày 2-10, Quốc hội Pháp đã mở đầu cuộc thảo luận về thỏa thuận tài chính của Liên minh châu Âu (EU) với bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault. AFP mô tả bài phát biểu gần 30 phút chỉ có những tiếng vỗ tay hiếm hoi và rụt rè, không gây được sự phấn khích nào. Báo Le Monde ghi nhận không có gì nghi ngờ là thỏa thuận khắc khổ này sẽ được thông qua (trong tháng 10). Nhưng màn mở đầu thảo luận đã cho thấy trong hàng ngũ cánh tả đã xuất hiện một sự bất ổn và không xác quyết khi phê chuẩn thỏa thuận mà họ đã bác bỏ ngay từ đầu. Tình hình này sẽ dẫn đến một sự phân hóa. Còn bản thân thủ tướng cũng không xác tín mạnh mẽ.

Phải chăng chính phủ cánh tả của Tổng thống François Hollande đang “phản bội” những cam kết ủng hộ tăng trưởng cho châu Âu khi lên nắm quyền? Một không khí ảm đạm như đang xen vào trong giấc mơ tăng trưởng của người Pháp đến mức như báo Le Figaro mô tả đầy ẩn dụ: “Từ khi những người Xã hội lên nắm quyền, mưa suốt ngày trên nước Pháp, không ai còn cười nổi nữa, thậm chí món phó mát camembert đã trở nên nhạt nhẽo!”.

Phản ánh tình hình này, báo Die Tageszeitung, trong bài viết Thưa ngài tổng thống, hãy lắng nghe tiếng dân kêu, đã cho rằng khi chính phủ cố làm cho người dân tin rằng không thể thay đổi được tình hình bên ngoài thì cũng là lúc bản thân họ đang tự đặt mình vào tình thế thúc thủ... “Đó chính là điều mà hàng ngàn người biểu tình thuộc cánh tả vừa buộc phải nhắc nhở ông François Hollande, vị tổng thống của họ” - báo này viết.

Vẫn theo báo này, nước Pháp đang sẵn sàng phê chuẩn thỏa thuận thắt lưng buộc bụng của EU. Bởi vậy, Chính phủ cánh tả Pháp cần phải nhận được sức ép của đường phố, của sự xuống đường của công dân để có thể đạt được những mục tiêu chính trị luôn bị xem là không tưởng và vô trách nhiệm trong EU.

Không một chính phủ cánh tả nào ở Pháp lại có thể thực hiện được chương trình của mình, cho dù là một phần đi nữa, nếu không có sự hậu thuẫn của các cuộc biểu tình, các cuộc tổng đình công cùng nhiều hình thức can thiệp khác.

Năm 1936, dưới sức ép của các nhà máy, chính phủ của Mặt trận bình dân mới có thể ban hành chính sách nghỉ được trả lương, bất chấp sự phản đối của giới chủ. Khi trở thành tổng thống vào năm 1981, ông François Mitterrand cũng cần phải có sự hậu thuẫn tích cực của một cánh tả đoàn kết mới có thể bãi bỏ án tử hình, hạ thấp tuổi về hưu cùng nhiều cải cách khác.

Báo này kết luận: Khi biểu tình chống lại những biện pháp khắc khổ, những người dân ủng hộ cánh tả đang cảnh báo tổng thống là thỏa thuận khắc khổ của EU sẽ có nguy cơ “tắm máu” của chính những người đã bầu ông lên lãnh đạo..

Nếu vị tổng thống cánh tả đang cần đến nhân dân cánh tả thì nhân dân này cũng đang cần đến ông không kém.

T.N.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên