02/05/2011 08:48 GMT+7

"Nhà từ thiện nhỏ" Marc Gold

Marc Gold nói về nguyên tắc làm từ thiện của mình
Marc Gold nói về nguyên tắc làm từ thiện của mình

TT - Marc Gold, giáo sư đại học đã nghỉ hưu ở thành phố San Francisco (Mỹ), đang dành thời gian còn lại của đời mình chu du khắp nơi trên thế giới để làm từ thiện.

wFOailWH.jpgPhóng to
Ông Marc Gold và những em nhỏ người Thái Lan mà ông đã hỗ trợ tiền để đi học - Ảnh: CSM

Giáo sư Marc Gold thường lặn lội đến những khu làng heo hút ở Tây Tạng, những khu ổ chuột đầy rác rưởi ở Indonesia, Ấn Độ. Ông gieo và sẻ chia tình thương ở những nơi ông đặt chân đến. Có khi đó là những quả bóng, là những cây bút tô màu cho bọn trẻ ở trại mồ côi Tây Tạng, là chút tiền giúp một người nhặt rác ở thành phố Sulawesi (Indonesia) mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, có khi đó là những túi gạo cho phụ nữ nghèo ở thủ phủ Jaipur (Ấn Độ).

Tận tay giúp 50.000 người

Marc Gold hiếm khi bỏ ra vài trăm đôla một lần để giúp người khác. Ông chia sẻ: chỉ cần chưa đến 10 đôla là có thể giúp một trẻ nghèo đến trường, bởi “với những người sống dưới 1 đôla/ngày thì

50 đôla cũng đủ tạo nên điều kỳ diệu”. Vì lẽ đó, nhiều người gọi ông là “nhà từ thiện nhỏ”. Quả thật, so với các tổ chức viện trợ toàn cầu có ngân sách lên đến hàng tỉ đôla, những việc làm của ông Gold thật quá nhỏ bé. Tuy nhiên, đến nay “nhà từ thiện nhỏ” đã tận tay giúp đỡ hơn 50.000 người ở khắp các châu lục. Khoản tiền giúp đỡ thường khiêm tốn nhưng có tác động rất lớn đến cuộc sống của người nhận.

"Người được tôi giúp phải trả ơn tôi bằng cách giúp đỡ những người khác và nhân rộng tình thương cho mọi người"

Khi gặp một người cần giúp đỡ, ông Gold ngồi xuống trò chuyện, có thể cùng họ uống trà, nhưng chủ yếu để lắng nghe. Nhờ thế ông có “biệt tài” tìm kiếm những người gặp khó khăn mà sẽ chẳng bao giờ được các tổ chức cứu trợ lớn giúp đỡ. Ngày kia, khi đến thị trấn Gyantse (Tây Tạng), ông thấy một cô gái vất vả chở người mẹ bại liệt đi khám bệnh bằng chiếc xe bò cồng kềnh.

Vài ngày sau, ông Gold tặng bà mẹ chiếc xe lăn mới và cô gái có tiền đi học.

Năm 1989, trong một lần đến thị trấn Darjeeling thuộc vùng Himalaya (Ấn Độ), ông kết bạn với Thinlay, một người tị nạn Tây Tạng có vợ đang bị thương nặng ở tai. Đoán biết vợ của Thinlay có khả năng bị nhiễm trùng nặng, ông Gold đi kiếm thầy thuốc chữa trị và trả tiền mua thuốc kháng sinh; chi phí tất cả là 1 đôla, cộng thêm 30 đôla mua máy trợ thính cho chị. Người vợ cảm động vui mừng vì lại có thể nghe được âm thanh.

Marc Gold ngẫm nghĩ: “Lạ lùng thay, 1 đôla chỉ đủ mua một thanh kẹo (ở Mỹ), nhưng lại có thể cứu vớt cuộc đời của một phụ nữ”.

4.000 người bạn hảo tâm

“Tôi từng nghĩ: phải rất giàu mới làm được những việc như vậy” - ông Gold tâm sự về việc từ thiện của mình, nhưng “tôi chợt nhận ra chỉ có sức mạnh của tình thương mới thay đổi cuộc sống của con người”.

Để lan tỏa sức mạnh tình thương qua “du lịch từ thiện”, Marc Gold thành lập tổ chức từ thiện “100 người bạn” và viết thư gửi đến 100 bạn bè, thân hữu của mình để kêu gọi sự hỗ trợ và giúp đỡ ngay sau khi trở về từ chuyến đi Ấn Độ năm 1989.

Hiện nay Tổ chức 100 người bạn có hơn 4.000 “người bạn” hảo tâm trên toàn thế giới. Năm ngoái, ông đã quyên góp được hơn 200.000 USD và vẫn tiếp tục gây quỹ thông qua “văn phòng di động” của mình: một máy tính xách tay, một máy ảnh kỹ thuật số và một điện thoại di động.

Công việc của “nhà từ thiện nhỏ” đa dạng, không biên giới: xây dựng trường học ở Ethiopia, Myanmar; góp sách cho thư viện tại Việt Nam, Ấn Độ, Tây Tạng, Indonesia; mua chăn ấm cho trẻ mồ côi ở Malawi (châu Phi); tặng 500 xe lăn cho người khuyết tật ở Việt Nam.

Ở Campuchia, ông đưa một nạn nhân trúng mìn sót lại từ chiến tranh đi học nghề để anh không phải kéo lê cuộc đời mình với phận ăn xin. Ở Nepal, ông hỗ trợ 150 bé gái với số tiền đủ mua một con dê mỗi em để không bị cha mẹ bắt đi làm thuê.

“Marc đã cứu tôi và gia đình tôi” - Lhamo, một phụ nữ trẻ Tây Tạng, kể lại. “Tôi đã có thể sống cả kiếp nghèo trong trang trại”. Nhưng giờ Lhamo đã học xong chương trình đại học hai năm ở Trung Quốc, và tháng 9 này sẽ sang California học tiếp theo chương trình học bổng.

Người đàn ông ở Kolkata (Ấn Độ) được Marc sửa giúp chiếc xe kéo đã tự nguyện chở các nữ tu dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Teresa đi làm việc bác ái trong vùng. Anh ngư dân ở Banda Aceh (Indonesia) chia sẻ cho những người hàng xóm nghèo vài con cá anh bắt được nhờ chiếc thuyền mà ông đã giúp anh sửa chữa sau trận sóng thần năm 2004.

Lòng nhân ái và cử chỉ yêu thương của ông Gold đã khích lệ và biến nhiều “người bạn” trở thành “nhà từ thiện nhỏ”. Ông thường liên lạc, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm cho những người muốn tận tay thực hiện công việc từ thiện nhỏ bé.

Dwight Turner, giáo viên thành phố Atlanta (bang Georgia, Mỹ), hiện đang điều hành dự án thiện nguyện cho trẻ em trong các khu ổ chuột ở thủ đô Bangkok, nhớ lại: “Marc từng nói với tôi: Đừng tham vọng cứu cả thế giới, nhưng hãy nỗ lực trợ giúp những người xung quanh”.

Marc Gold nói về nguyên tắc làm từ thiện của mình
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên