10/07/2014 10:19 GMT+7

Bình luận kẻ mạnh, yếu, đề Văn "khó nhưng thú vị"

BaoChau
BaoChau

TTO - Nhiều thí sinh có chung nhận xét đề Văn khối C khá lạ và khó khiến nhiều bạn bỡ ngỡ. Nhiều bạn cho rằng để làm được bài phải có khả năng phân tích tốt.

EQoYG8hb.jpgPhóng to
Thí sinh ra về sau khi thi xong môn Văn tại hội đồng thi trường đại học Sư Phạm TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Tại điểm thi THPT Nguyễn Hữu Thọ, hội đồng thi ĐH Luật TP.HCM thí sinh ra khỏi phòng thi sớm đều nhăn mặt vì đề Văn lạ và khó. Nguyễn Thị Tuyết (quê Bình Dương), thi vào ngành luật hình sự của ĐH Luật cho biết: "Đề năm nay làm cho mình bỡ ngỡ, câu 1 có 3 yêu cầu nhỏ, câu 2 nói về kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình, câu này mình có liên hệ yếu tố thời sự biển Đông, cụ thể là phía Trung Quốc, một kẻ mạnh không chân chính. Còn câu cuối là về bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông", dù đã được ôn tập trước nhưng mình chỉ nghĩ đề sẽ ra thơ hoặc truyện như bình thường chứ không nghĩ lại ra thể loại bút ký như thế này".

Cũng thi vào ngành luật hình sự ĐH Luật, thí sinh Trần Thị Ngọc Thuận (quê Trà Vinh) không tự tin vào khả năng đậu của mình sau khi hoàn thành môn thi cuối. Đánh giá đề Văn, thí sinh này nói: "Câu 1 đề trích 1 đoạn trong bài thơ "Đò lèn", vốn là bài trong phần đọc thêm, nên khá lạ, đòi hỏi khả năng phân tích tốt. Câu nghị luận bàn về một câu nói về kẻ mạnh, từ đó nêu sức mạnh chân chính của một cá nhân và cả một quốc gia. Còn câu 3 là câu khó, với yêu cầu bình luận, chứ không phải cảm nhận, về 2 đoạn trích nói đến sông Hương, vốn ít được quan tâm nên làm thí sinh bối rối. Nói chung theo mình đề hay, mở, hoàn toàn không có lý thuyết, cũng từ sách giáo khoa nhưng đòi hỏi khả năng vận dụng cao".

Ngay sau khi ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh tại điểm thi ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã rôm rả bàn về đề thi, trong đó sôi nổi nhất là câu nghị luận văn học về “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác…”. Một số thí sinh cho biết đã làm bài thi môn văn trong 8 trang giấy A4 và viết rất “thoải mái” với câu nghị luận văn học bàn về vai trò của “kẻ mạnh”, trong đời sống nói chung và cả quan hệ đối ngoại của quốc gia, dân tộc.

Thí sinh Trương Quang Duy (Tây Ninh) cho biết em mất 2/3 thời gian để làm hết 3 câu của đề văn khối C năm nay. Quang Duy cho rằng đề thi hay, kết hợp cả kiến thức cả nghị luận văn học, nghị luận xã hội mới đáp ứng được yêu cầu của đề bài

“Ngoài những dẫn chứng, dẫn cứ về nghị luận văn học, em cũng đưa nghị luận xã hội vào bài thi của em, đó là thực tế Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, một kiểu của kẻ mạnh đi giẫm lên vai của kẻ khác để phô trương sức mạnh của mình. Em cũng đưa ra những dẫn chứng, dẫn cứ để làm bài văn nghị luận của mình: hành động của kẻ mạnh như vậy sẽ khiến kẻ mạnh bị lên án, kẻ mạnh chỉ thực sự mạnh khi biết giúp đỡ người khác, sống hòa bình…” - Quang Duy bày tỏ.

Phải có kiến thức xã hội

Nhiều thí sinh dự thi khối C vào trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tại điểm thi ĐH Bách Khoa đã cho biết đề Văn năm nay vừa sức và có câu nghị luận xã hội rất hay. Đề gồm 3 câu, câu 1 ra tác phẩm Đò Lèn của Nguyễn Duy, câu 2 yêu cầu học sinh trình bày quan điểm về câu nói "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên lợi ích của người khác mà phải là kẻ giúp đỡ kẻ yếu", câu 3 yêu cầu thí sinh phân tích vẻ đẹp thiên nhiên tình tứ, thơ mộng và vẻ đẹp trầm tích của bề sâu lịch sử Huế qua tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Thí sinh Phan Thị Ngọc Hân, quê Khánh Hòa vui vẻ cho biết: “Đề thi năm nay ra theo hướng mở, không đặt nặng thí sinh phải học thuộc lòng như trước. Câu nghị luận xã hội trong đề khá hay: “"Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên lợi ích của người khác mà phải là kẻ giúp đỡ kẻ yếu", em rất tâm đắc với câu này và đã lồng thêm ý về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cách Trung Quốc hành xử như một kẻ mạnh để ức hiếp các nước khác”.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Cùng tâm trạng phấn khởi, thí sinh Đậu Xuân Tú, quê Nghệ An chia sẻ: “Đề năm nay vừa sức, cấu trúc và cách ra đề mở tương tự như kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi. Câu nghị luận xã hội hỏi thí sinh quan điểm về kẻ mạnh, kẻ yếu rất hay. Hầu hết thí sinh đều nêu cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc với Việt Nam vào bài để làm ví dụ. Câu nghị luận văn học năm nay chỉ cho một tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông nhưng lại yêu cầu phân tích cả vẻ đẹp của sông Hương, của Huế và bề sâu trầm tích lịch sử nên cũng không đơn giản”. Tú còn nhận định: “Đề văn này không buộc thí sinh phải thuộc lòng như vẹt nhưng phải có kiến thức xã hội và kiến thức văn học vững vàng mới đạt điểm cao được.

Thí sinh Phan Nguyễn Nhã Uyên dự thi vào ngành xã hội học cho biết: “Đề Văn năm nay không khó, nhưng phải thật bản lĩnh mới đạt điểm cao. Câu nghị luận xã hội rất hay sẽ khiến thí sinh dễ sa đà vào viết nhiều, viết dài khiến không đủ thời gian làm câu nghị luận văn học nhiều điểm hơn. Em rất thích những đề thi ra theo hướng mở thế này, nhưng cũng sợ mình nghĩ sao làm vậy sẽ khó được điểm cao do không đúng ý người chấm bài”.

Tại Cần Thơ, hầu hết thí sinh đều cho là đề thi môn văn năm nay rất khó, có tính phân loại rất cao, nhất là phần cảm nhận và phân tích, đòi hỏi mức độ hiểu bài và tư duy cao, phải thể hiện quan điểm của mình một cách sâu sắc, rõ rệt. Tại hội đồng thi trường ĐH Cần Thơ, đa số thí sinh cho rằng năm nay đề thi năm nay không có cửa cho những người học vẹt. Với đề thi khó như năm nay, nếu học trung bình kiếm chỉ được 3-4 điểm, học khá 6-7 điểm, còn từ 8 điểm trở lên rất khó kiếm.

Thí sinh Nguyễn Văn Hậu thi vào ngành sư phạm Địa, trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Đề thi có 3 câu. Câu 1 đọc hiểu, rất dễ nên đa số thí sinh đều làm được. Hai câu còn lại nằm trong chương trình lớp 12, nhưng bung rộng ra yêu cầu thí sinh phải có kiến thức về thực tiễn cuộc sống, nếu thí sinh sáng tạo, tư duy càng cao, phân tích sâu sắc thì càng lớn điểm… Chẳng hạn câu 3, mọi năm thường cho phân tích nhưng năm nay đòi hỏi cao hơn, buộc thí sinh phải đọc hiểu sâu, nắm vững và phân tích được quan điểm của tác giả, trên cơ sở đó thí sinh mới đưa ra được nhận định của riêng mình…”.

Hậu cho biết mình rất thích câu 2 “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp người khác…” bởi qua câu này em được trình bày quan niệm sống của mình. Em cũng liên hệ thực tế về tình hình thời sự nóng bỏng ở biển Đông thông qua hành động Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng. Tuy nhiên theo ý kiến của em đề nên cho trực tiếp về biển Đông sẽ hay hơn cho gián tiếp”.

Đề văn khối C sắc sảo

Theo thầy Nguyễn Hữu Thanh, giáo viên Văn Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, đề Văn khối C năm nay được ra theo hướng đổi mới mà thí sinh đã từng được làm quen ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi nên không quá bất ngờ. Đề sắc sảo, câu nghị luận xã hội khơi dậy lòng yêu nước của giới trẻ.

Câu 1 cho một đoạn trong tác phẩm Đò Lèn, đây là bài đọc thêm, không nằm trong chương trình cơ bản nên có thể khá nhiều học sinh không chú ý chủ động ôn tập. Tuy nhiên đề đã cho sẵn các dữ liệu để phân tích nên không khó để lấy điểm, tuy nhiên sẽ ít học sinh đạt điểm tối đa ở câu này.

Câu 2 khá thú vị vì lấy một dạng đề kinh điển (thường được ra trong các kỳ thi, học sinh đã từng làm rất nhiều) nhưng đổi mới ở chỗ yêu cầu liên hệ với tình hình thực tế được lồng ghép một cách khéo léo. Đề nghị luận này sẽ phát huy khả năng nhận định của thí sinh, vừa kết hợp kiến thức văn học và kiến thức xã hội.

Câu 3 cũng là dạng đề đã khá quen thuộc khi đưa ra hai nhận định, không có nhận định nào sai, thí sinh phải chỉ ra những giá trị nổi bật và chủ yếu. Đề thi khá thân thuộc và thú vị, phổ điểm 6-7 sẽ khá nhiều nhưng sẽ ít bài thi đạt điểm cao.

"Đàn ghi ta của Locra" làm khối D bối rối

Theo ghi nhận tại TP.HCM, vừa dứt 2/3 thời gian, nhiều thí sinh tại cụm thi trường THCS Hà Huy Tập đã ra khỏi phòng thi. Các thí sinh này cho biết khá bỡ ngỡ vì đề thi văn khối D năm nay lạ ở câu 5 điểm.

Một thí sinh vừa thi xong cho biết, câu nghị luận xã hội nói về sự cống hiến và hưởng thụ khá hay, nhưng câu 5 điểm nghị luận văn học thì lạ và khó. “Đề ở câu 5 điểm cho hình tượng Lorca rồi đưa ra 2 ý kiến buộc thí sinh phải đưa ra quan điểm bình luận. Em không ôn bài này và cũng hơi bối rối ở cách làm nên chỉ làm được qua loa”.

Cùng quan điểm, thí sinh Trần Bảo Trân cho biết: “2 câu đầu em làm được nhưng câu 3 thì bị khựng vì cách ra đề khá lạ. Em có ôn bài thơ Lorca nhưng không tự tin lắm về bài làm”.

Một thí sinh khác ở Phan Thiết (Bình Thuận) chia sẻ: “Thầy cô ôn kĩ ở phần truyện là nhiều, hầu hết những bài thơ chỉ ôn qua loa nên em làm khá sơ sài. Em thấy đề năm nay khó hơn năm ngoái, không biết mình có làm được 50% không”.

Tại Đà Lạt, nhiều thí sinh dự thi khối D môn văn tại hội đồng thi đại học Đà Lạt nhận định đề thi môn văn năm nay vừa sức, không khó hơn so với đề năm trước. Cấu trúc đề cũng không có gì bất ngờ, giống mọi năm gồm ba câu.

Đa số thí sinh cho biết, rất dễ dàng làm bài với câu đầu tiên liên quan đến phân tích từ, điệp từ, ý nghĩa của đoạn thơ. Ở câu thứ hai, thí sinh phải tư duy để trả lời câu hỏi nghị luận xã hội mở. Riêng câu ba, phân tích hình tượng đàn Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Locra, nhiều thí sinh cho rằng không khó nếu ôn tập đúng chương trình THPT.

“Đề ra vừa sức, thời gian đủ thoải mái nên làm bài với tâm lý thoải mái. Câu một và hai làm khá dễ, câu ba thì phải yêu cầu nắm vững bài thơ” - thí sinh Trần Thị Minh Nguyệt dự thi vào ngành du lịch, ĐH Đà Lạt cho hay.

Tại Vinh, các thí sinh dự thi môn Ngữ văn khối D nhận định, đề thi năm nay có nhiều thay đổi và hơi bất ngờ với câu 5 điểm về cảm nhận hình tượng Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca. Tại điểm thi trường THCS Hưng Dũng, sau 2/3 thời gian làm bài một số thí sinh đã nộp bài thi, buồn bã ra sớm vì không làm được bài.

Thí sinh Trà My dự thi vào trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, cấu trúc đề thi năm nay có thay đổi so với năm trước, không có phần tự chọn cho thí sinh. Hóc búA nhất với My là ở câu 3, chiếm 5 điểm bài thi. Theo My đây là câu hỏi yêu cầu thí sinh phải có kiến thức tổng hợp và phải thuộc thơ mới có thể làm bài tốt được. “Ở hai câu đầu em làm cũng tạm được nhưng đến câu chiếm 5 điểm thì làm không tốt lắm vì không nhớ hết thơ để phân tích hết những ý trong câu hỏi đưa ra. Trong 3 môn thi thì môn Ngữ văn em làm tệ nhất”, My chia sẻ.

Nhiều thí sinh Hải Phòng lo lắng với môn Văn khối D. Những điểm thi như ĐH Hải Phòng, ĐH Hàng Hải các thí sinh cho biết đề văn năm nay không có phần riêng đồng nghĩa với việc sự lựa chọn ít đi, nếu không nắm chắc được kiến thức thì khó đạt điểm cao. So sánh giữa đề thi văn khối C và D, các bạn đánh giá môn văn khối C có cách ra đề hay hơn.

Thí sinh Hà Minh Vinh quê ở Hoành Bồ, Hạ Long tại điểm thi trường ĐH Hàng Hải chia sẻ: “Đề thi văn năm nay khá khó, không đánh đố thí sinh nhưng phải có cảm nhận văn học và lập luận tốt mới làm được".

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa đến từ trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng thì lại nhận định đề thi năm nay phải học và hiểu sâu mới làm được, nếu học lệch tủ thì xác định điểm kém, nhất là câu 3 về hình tượng Lorca. Về bản thân mình, em làm hết 8 mặt giấy thi.

Kết thúc đợt thi thứ hai trong thời tiết nắng nóng và oi bức, nhiều gia đình sĩ tử ngay lập tức di chuyển ra bến xe khách về quê.

Tại Khánh Hòa, sau 2/3 thời gian làm bài thi môn văn có khá nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi. Nhiều thí sinh cho biết đề ra rất bất ngờ, cả phòng sau khi đọc đề xong thì “giật mình”, đề ra toàn thơ không có văn xuôi. Thí sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh (Phú Yên) nhận xét: “Đề ra không đoán được, lại khó mà khó nhất là câu 3 chiếm tới 5 điểm".

Đa số học sinh học văn nhưng toàn bộ đề ra toàn thơ nên ít bạn học, có bạn làm bài được nhưng đó chỉ là số ít. Còn thí sinh Trương Thị Đan Thanh (Khánh Hòa) cho biết: “Ít ai ngờ câu 5 điểm lại ra bình luận mà bình luận cả hai ý kiến. Đề khó, đọc xong đề thì em “ngạc nhiên không nói nên lời” luôn”.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Minh Thúy (Khánh Hòa) cho biết: “Đề không khó nhưng em không làm được vì không ôn bài về Lorca, em ít chú trọng về phần đó và cũng không nghĩ bài đó lại ra. Thường thì đề ra phân tích thơ nhưng ở đây lại phân tích hình tượng mà còn bình luận về hai ý kiến khác nhau. Đề lại không có phần chọn nên em làm bài không được tốt”.

Thí sinh Trịnh Lê Linh Nhi (Khánh Hòa) chia sẻ: “Đọc đề xong em không có cảm xúc làm bài. Đề khó và bất ngờ quá. Em thích đề năm ngoái hơn vì có thể chọn một trong hai câu để làm ở câu 3”. Trong khi đó thí sinh Đặng Thị Bảo Ngọc (Khánh Hòa) cho biết: “Em làm bài khá tốt. Rút kinh nghiệm đợt thi tốt nghiệp, em ôn hết bài trong chương trình lớp 12 nên làm được bài vì những bài này đều nằm trong chương trình. Câu nghị luận xã hội cũng không khó mà lại rất hay, liên hệ với đời sống hiện nay và lên án những người chỉ biết hưởng thụ mà không biết cống hiến”.

Cô Lý Thục Trang, hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM:

Đề Văn khối D mang tính phân loại học sinh

Đoạn thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi với những câu thơ “trời xanh đây là của chúng ta, núi rừng đây là của chúng ta” đã nhắc nhở học sinh về lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Một dạng đề tổng hợp vừa yêu cấu cả kỹ năng, kiến thức, vừa cần phải liên hệ thực tế, thể hiện tinh thần, tình cảm.

Câu nghị luận đưa ra quan điểm “cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” chính là phương châm sống của khá nhiều các bạn trẻ hiện đại. Sống mà không biết hưởng thụ thì phí hoài, nhưng ngược lại hưởng thụ mà không biết cống hiến là cách sống tiêu cực. Trong bối cảnh giới trẻ hiện nay có một bộ phận sống ỷ lại, trông chờ, quen đòi hỏi và hưởng thụ mà thiếu sự hy sinh, đây là câu chuyện hết sức gần gũi với lứa tuổi học sinh nên các em sẽ dễ dàng phân tích bình luận trái chiều về vấn đề này.

Câu 3 đưa ra một tác phẩm khó, bài này đòi hỏi thí sinh phải nắm được cái cốt lõi, cái mấu chốt, giáo viên khi giảng cũng phải giảng rất sâu học sinh mới “thấm” được tư tưởng của bài. Thí sinh phải hiểu về nhân vật mới có thể làm rõ được tư tưởng, phẩm chất, khả năng dự báo tương lai của người nghệ sĩ Lorca. Đây là dạng đề phân loại học sinh. Học sinh khá giỏi sẽ rất hứng thú với dạng đề này.

Đình chỉ thi một thí sinh dùng tài liệu môn Văn

Sáng 10-7, tại phòng thi 92, Khu H, điểm thi ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) trong buổi thi môn Văn, cán bộ coi thi đã phát hiện thí sinh Ngô Thị Thùy Nhung sử dụng tài liệu làm bài. Ngay lập tức, thí sinh này bị lập biên bản đình chỉ thi. Cũng trong buổi thi sáng 10-7, tại điểm thi Ngô Quyền, thí sinh Nguyễn Xuân Dương đang làm bài thi được 1 tiếng thì đau bụng dữ dội và phải nhập viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán Dương bị viêm đường ruột. Sau khi uống thuốc, Dương trở về điểm thi thì đúng lúc hết giờ và đang thu bài. Kết thúc buổi thi ngày 10-7, tại ĐH Đà Nẵng, tỷ lệ thí sinh dự thi các khối B, C, D, M đạt 84,22%.

NHÓM PHÓNG VIÊN

BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục