12/05/2014 11:04 GMT+7

Trung Quốc xấc xược "rút dao" đe dọa láng giềng

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế về vụ đưa giàn khoan tới vùng biển Việt Nam, Trung Quốc vẫn tỏ ra hết sức ngang ngược.

Đường phố Tokyo vang tiếng phản đối Trung QuốcPhản đối Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển của VNTàu cá Trung Quốc liên tục ép tàu cá Việt Nam

5MMpRKjz.jpgPhóng to
Người dân Hà Nội phản đối hành động của Trung Quốc sáng 11-5. Ảnh: Nguyễn Khánh
Theo Tân Hoa xã, sau khi các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ sự lo ngại về các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông, hôm qua Bộ Ngoại giao nước này khẳng định tranh chấp trên biển Đông “không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Xấc xược hơn nữa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản đối “một số quốc gia” dùng vấn đề biển Đông để “hủy hoại tình bạn và sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN”. Vẫn với một giọng điệu cũ rích, nói không đi đôi với làm, Bắc Kinh cho biết “sẵn sàng hợp tác với ASEAN để tiếp tục thực hiện Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) nhằm quản lý căng thẳng trên biển”. Là kẻ gây hấn và vi phạm DOC nhưng Bắc Kinh nhấn mạnh “hi vọng một số nước ASEAN sẽ tôn trọng việc thực hiện DOC và đóng góp vào hòa bình, ổn định cũng như an ninh hàng hải trên biển”.

Không nên nhượng bộ

"Bắc Kinh đã cho thấy họ vô pháp luật đến mức nào. Hành động đó cũng đã cho các cường quốc hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương lý do để chung sức chống lại Trung Quốc"

Giáo sư James Holmes

Bất chấp luận điệu dối trá của Trung Quốc, dư luận thế giới tiếp tục phản đối mạnh mẽ hành vi khiêu khích của nước này ở vùng biển Việt Nam. Trả lời Tuổi Trẻ, chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ) cho rằng việc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam nằm trong chuỗi các hành động đơn phương, gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua, bao gồm vụ lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

“Nếu Việt Nam không buộc Trung Quốc rút giàn khoan này thì Bắc Kinh sẽ thành công trong việc tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Khi đó Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các động thái khiêu khích khác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Nếu Việt Nam nhượng bộ, Trung Quốc sẽ lấn tới” - chuyên gia Glaser cảnh báo.

Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Leszek Buszynski thuộc Trường nghiên cứu chiến lược quốc tế và chính trị ĐH ANU châu Á - Thái Bình Dương (Úc) nhận định mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là muốn Việt Nam phải chấp nhận mất chủ quyền trên biển Đông. “Chắc chắn Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục thực hiện các động thái gây hấn khác để dọa nạt Việt Nam. Việt Nam cần cho thế giới hiểu rõ những gì đang xảy ra trên biển Đông. Chắc chắn dư luận quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam” - giáo sư Buszynski tin tưởng.

Theo TTXVN, mới đây ông Jorge Alberto Kreyness - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư phụ trách quan hệ quốc tế Đảng Cộng sản Argentina - khẳng định các nước phải tôn trọng EEZ và tự do hàng hải trên biển Đông. Ông kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

“Chiến lược cải bắp” của Trung Quốc

Tại Úc, trang The Interpreter của Viện Chính sách quốc tế Lowy dẫn lời một số học giả Úc khẳng định hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại tinh thần DOC, ảnh hưởng tiêu cực đến sự đoàn kết và tập trung của ASEAN cũng như làm mất sự tin tưởng vào DOC. Các học giả Úc cho rằng vụ việc trên biển Đông cho thấy mối đe dọa chính trị của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc. Điều đó sẽ dẫn đến việc Úc phải đặt câu hỏi nghiêm túc về ý đồ của các doanh nghiệp Trung Quốc khi đến đầu tư tại nước này.

Tạp chí The Diplomat đăng bài viết của giáo sư Sreeram Chaulia, hiệu trưởng Trường Ngoại giao Jindal ở Ấn Độ, khẳng định Trung Quốc đã phơi bày chủ nghĩa bành trướng, bá quyền. Giáo sư Chaulia cho rằng sau thời gian sử dụng chiêu bài “trỗi dậy hòa bình”, giờ Trung Quốc đã “rút dao” với các nước láng giềng. Ông nhận định Trung Quốc đang sử dụng “chiến lược cải bắp” (lớp ngoài bảo vệ lớp trong): điều vô số tàu dân sự với sự bảo vệ của tàu quân sự tới vùng biển các nước láng giềng và ở lì tại đó.

“Thái độ hiếu chiến của Trung Quốc sẽ khiến cả Đông Á xích lại gần nhau và hình thành một sự cân bằng quyền lực mới để chống trả các hành vi của Bắc Kinh” - giáo sư Chaulia nhận định. Ông kêu gọi Ấn Độ hợp tác với các nước khu vực Đông Á để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. “Nếu châu Á - Thái Bình Dương muốn dễ thở hơn thì khu vực phải có những phản ứng mạnh mẽ với các hành động của Trung Quốc” - giáo sư Chaulia nhấn mạnh.

Cũng trên tạp chí The Diplomat, giáo sư James Holmes thuộc ĐH Hải quân Mỹ cũng đánh giá vụ giàn khoan cho thấy Trung Quốc đã bỏ chiến lược “ngoại giao cây gậy nhỏ”. “Vì những lý do khó hiểu, Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội hòa hảo với các nước láng giềng châu Á. Sự ngu xuẩn và tự tìm kiếm thất bại là một phần trong chiến lược của Trung Quốc” - giáo sư Holmes giễu cợt. Ông nhận định trái với những lời bào chữa của Trung Quốc, mọi bằng chứng cho thấy nước này đã điều tàu hải quân xâm phạm EEZ của Việt Nam.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên