12/05/2014 07:05 GMT+7

Đẫm máu trong ngày miền đông Ukraine trưng cầu ý dân

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Bạo lực đẫm máu làm tình hình ở Ukraine căng thẳng trong ngày hai tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Ukraine.

Miền đông Ukraine trưng cầu ý dân

aoDwrwtY.jpg
Bên trong một điểm bỏ phiếu ở Donetsk ngày 11-5 - Ảnh: Reuters

Theo Kyiv Post, khoảng 3.000 điểm bỏ phiếu ở hai tỉnh bắt đầu mở cửa từ 8g sáng (giờ địa phương) và kết thúc lúc 22g ngày 11-5 ở Donetsk và lúc 18g ở Lugansk. Một số thị trấn như Alchevsk và Popasnaya còn mở cửa trễ để các thợ mỏ đi bỏ phiếu.

Người tham gia chỉ trả lời có hoặc không với câu hỏi duy nhất in trên phiếu bầu: “Có ủng hộ sự tự chủ của nước cộng hòa Donetsk/Lugansk không?”. Tổng cộng có gần 5 triệu phiếu bầu được phát ra tại hai khu vực này.

“Chúng tôi muốn có đất nước riêng”

Bạo lực tiếp diễn

Đợt bạo lực đẫm máu vẫn tiếp diễn ở miền đông, đe dọa đẩy Ukraine xuống vực nội chiến. CNN mô tả bạo lực diễn ra suốt đêm 10 rạng sáng 11-5. Các vụ đụng độ vẫn tiếp tục xung quanh một tháp truyền hình ngoại ô thành phố Sloviansk ngay trước khi các cử tri đi bỏ phiếu. Trong thành phố có thể nghe thấy tiếng súng hạng nặng lại nổ ra ở một chốt kiểm soát của lực lượng nổi dậy.

Các con đường dẫn đến thùng phiếu dày đặc những rào chắn của lực lượng nổi dậy lập bằng cành cây, vỏ xe. Ở Mariupol, sau cuộc đụng độ ác liệt trước đó một ngày, những người tổ chức cho hay chỉ có tám thùng phiếu cho hơn nửa triệu người và những hàng dài hàng trăm người phải xếp hàng bên ngoài các điểm bỏ phiếu.

“Tôi muốn đến thật sớm - Reuters dẫn lời sinh viên đại học Zhenya Denyesh bỏ phiếu tại một tòa nhà ở Slaviansk - Tất cả chúng tôi đều muốn sống trong đất nước của riêng mình”. Tuy nhiên Denyesh cũng cho rằng dù kết quả trưng cầu là gì thì “vẫn sẽ có chiến tranh”. Một người khác ở Donetsk cũng cho biết: “Tôi muốn Donetsk có quyền lực riêng, một dạng tự trị, tách khỏi Kiev. Tôi không phản đối một Ukraine thống nhất nhưng không muốn sống dưới quyền những người mà chúng tôi không chọn, những người chiếm quyền và phá hoại đất nước”.

Kết quả trưng cầu dự kiến được công bố sớm nhất hôm nay (12-5) dù nó sẽ chẳng được phương Tây và chính quyền Kiev thừa nhận. Ông Valery Bolotov, lãnh đạo tự phong ở Lugansk, cam kết sẽ công khai dù kết quả có như thế nào. Một lãnh đạo phe nổi dậy ở miền đông Ukraine khẳng định sẽ lập các cơ quan nhà nước và quân đội riêng ngay sau khi công bố kết quả trưng cầu ý dân. “Tất cả binh lính trên lãnh thổ của chúng tôi sau khi tuyên bố chính thức kết quả bầu cử sẽ là bất hợp pháp và bị coi là những kẻ xâm chiếm” - ông Denis Pushilin nói trên Interfax.

Theo lãnh đạo Ủy ban bầu cử của CH nhân dân Donetsk, trưng cầu ý dân sẽ quyết định về quyền tự chủ lớn hơn của Donetsk, chứ không phải là trao chủ quyền cho tỉnh. Các đơn vị tổ chức cho biết họ sẽ thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai vào cuối tháng này về việc gia nhập Nga.

Hoàn toàn sụp đổ

Lãnh đạo tự phong ở Donetsk, ông Boris Litvinov cho biết dù cuộc trưng cầu diễn ra khá bất ngờ nhưng 90% người dân đã sẵn sàng cho điều này. Tuy nhiên, BBC mô tả khung cảnh tại các điểm bỏ phiếu hoàn toàn hỗn loạn, không có phòng bỏ phiếu, đăng ký bầu cử, phiếu bầu không đảm bảo an ninh và cũng không có người giám sát. Cử tri có thể bầu ở bất cứ điểm bỏ phiếu nào, chỉ cần báo tên và số chứng minh thư. Những người tổ chức chưa từng có kinh nghiệm này chỉ tốn khoảng 1.600 USD cho cuộc trưng cầu, trong đó gần phân nửa dành cho việc in ấn phiếu bầu.

Theo giới quan sát phương Tây, dù phe nổi dậy muốn sáp nhập vào Nga nhưng sự nhập nhằng cho thấy họ đang sợ nếu không tiến hành nhanh vào thời điểm này thì sẽ không giành đủ sự ủng hộ. Ông Bill Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cũng cho rằng cần xem xét kỹ kết quả trưng cầu sau kết quả ở Crimea, trong đó ông cho rằng tỉ lệ người nói “có” chỉ khoảng 50%.

Cuộc trưng cầu diễn ra bất chấp lời khuyên từ Nga và sự chỉ trích, đe dọa từ Kiev và phương Tây. Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov trước đó đã cảnh báo cuộc trưng cầu “phi pháp” này sẽ đẩy Ukraine tiến tới bờ vực nội chiến và sẽ khiến miền đông tự hủy hoại mình. “Những người muốn tự trị không hiểu rằng điều đó đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn về kinh tế, các chương trình xã hội và cuộc sống nói chung đối với phần lớn người dân ở những khu vực này” - ông Turchynov nói.

Ngày 10-5, Đức và Pháp cũng ra tuyên bố chung khẳng định đã sẵn sàng mở rộng việc trừng phạt Nga nếu cuộc bầu cử tổng thống của Kiev ngày 25-5 không diễn ra như kế hoạch.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên