Số người chết trong vụ chìm phà ở Hàn Quốc tăng lên 58Bé gái gốc Việt sống sót sau vụ chìm phà SewolPhát hiện thi thể trong phà chìm ở Hàn Quốc
Phóng to |
Nhân viên cứu hộ đưa thi thể nạn nhân lên đảo Jindo - Ảnh: AFP |
Theo báo Korea Herald, đến nay các thợ lặn của hải quân và tuần duyên Hàn Quốc đã đưa được 16 thi thể ra khỏi chiếc phà đắm, nâng tổng số người thiệt mạng lên 56. Các thi thể được đưa lên đảo Jindo, cách địa điểm xảy ra tai nạn khoảng 20km, nơi gia đình các hành khách đang tập trung. Một cảnh tượng đau lòng diễn ra tại đây. Nhiều người thân của các hành khách đã khóc nức nở khi nhìn thấy thi thể và gào lên: “Hãy tỉnh lại đi”. Thậm chí một số cảnh sát bảo vệ an ninh cũng chảy nước mắt.
Cơn giận dữ bùng lên
"Chúng tôi muốn câu trả lời từ những người có trách nhiệm về việc tại sao các mệnh lệnh hành động không được thực hiện và không ai làm gì để giúp đỡ chúng tôi. Họ chỉ đá quả bóng trách nhiệm qua lại lẫn nhau" Ông LEE WOON GEUN(có con gái 17 tuổi bị mất tích) |
Như vậy vẫn còn 246 người mất tích. Hiện 563 thợ lặn cùng 190 tàu và 30 máy bay đang tham gia chiến dịch cứu hộ. Tuy nhiên, một số quan chức thừa nhận đã quá muộn để tìm ra người sống sót. Mãi đến hôm qua các thợ lặn mới bơi vào được tầng ba của chiếc phà, nơi có cabin hành khách. Một số thợ lặn cho biết các dòng hải lưu dưới đáy biển cực mạnh, đẩy tung kính bảo hộ của họ ra khỏi mặt.
Khu vực đáy biển này cũng đầy bùn đất, khiến tầm quan sát gần như bằng không. Các thợ lặn chỉ có thể nhìn được khoảng 20cm phía trước và dùng tay mò mẫm tìm đường. Ngoài ra, những mảnh vỡ, đồ đạc trôi nổi bên trong chiếc phà cũng gây rất nhiều nguy hiểm cho thợ lặn. Do đó, nhiều khi đã vào được bên trong nhưng rồi họ lại phải bơi ra.
Truyền thông Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích dữ dội phản ứng của nhà chức trách. Báo Korea Times cho rằng chính quyền đã quá chậm chạp khi không kịp cử tàu cứu hộ tới dù chiếc phà chỉ chìm hai giờ sau khi tín hiệu cấp cứu được phát đi. Báo này khẳng định do sự quan liêu, nhà chức trách không kịp cử thợ lặn tới trong khoảng thời gian cấp thiết 60 phút sau vụ tai nạn, “giờ vàng” để giải cứu các nạn nhân. Hơn 20 thợ lặn chỉ xuất hiện sau đó 150 phút, lúc chiếc phà đã gần như chìm hẳn xuống nước.
Một số chuyên gia đã đưa ra nhiều phương thức để thực hiện chiến dịch giải cứu nhưng đều bị chính quyền gạt đi. Các cơ quan nhà nước tốn quá nhiều thời gian thông tin, liên lạc chồng chéo nên chiến dịch giải cứu diễn ra chậm trễ. Mãi ba ngày sau vụ tai nạn, chính quyền mới đề nghị ngư dân địa phương dùng đèn pha mạnh trên thuyền của họ để hỗ trợ hoạt động cứu hộ. Chính gia đình các hành khách đã yêu cầu nhà chức trách làm điều này.
Theo Reuters, hôm qua khoảng 100 người thân của các hành khách do quá bức xúc và tuyệt vọng đã tìm cách vượt qua cầu trên đảo Jindo để vào đất liền nhằm mở cuộc diễu hành tới phủ tổng thống ở Seoul, cách đó 420km, để phản đối chính quyền.
“Hãy vớt các thi thể lên để tôi được nhìn mặt và ôm con tôi lần cuối” - bà mẹ Bae Sun Ok phẫn nộ hét lên. Đám đông đã đụng độ với cảnh sát nhưng sau đó quay lại đảo. AFP cho biết gia đình các hành khách cũng đang tranh cãi quyết liệt về việc có nên trục vớt chiếc phà Sewol lúc này hay không. Nhiều người tin rằng có thể vẫn còn người sống sót và việc trục vớt phà sẽ đẩy họ vào vòng nguy hiểm.
Phóng to |
Người thân của các hành khách vùng vẫy khi cảnh sát cản họ đi biểu tình tới tận Seoul - Ảnh: AFP |
Những sự hi sinh cao cả
Trong thời điểm đầy đau lòng, truyền thông Hàn Quốc cũng đăng tải những câu chuyện về lòng dũng cảm phi thường trên chiếc phà định mệnh khiến dư luận vô cùng xúc động. Theo Hãng thông tấn Arirang, những người sống sót kể thuyền viên Park Jin Young (22 tuổi) đã rất bình tĩnh khi phân phát áo phao cho các hành khách. Khi một học sinh hỏi tại sao cô không mặc áo phao, Park trả lời các thuyền viên phải là những người rời phà cuối cùng, sau khi mọi hành khách đã an toàn. Cô đã thiệt mạng.
Còn học sinh Chung Cha Woong không hề nghĩ ngợi gì khi đưa áo phao của mình cho một người bạn. Cậu đã chết đuối khi cố gắng cứu một người bạn khác. Ông Kim Hong Kyung, 58 tuổi, đã cứu sống 20 hành khách bằng cách kéo họ ra bên ngoài khỏi tầng một của chiếc phà để các trực thăng cứu hộ tiếp cận. Tinh thần dũng cảm đó hoàn toàn trái ngược với sự hèn nhát của thuyền trưởng Lee Jun Seok và các thuyền viên bỏ chạy trước tiên lúc phà đắm.
Theo báo Dong A Ilbo, mới đây các công tố viên Hàn Quốc cho biết thuyền phó thứ hai điều hành phà lúc tai nạn xảy ra là cô Park Han Gyeol, 26 tuổi, người chưa từng có kinh nghiệm lái tàu, phà trên tuyến hàng hải Maenggol. Thuyền trưởng Lee Jun Seok, 69 tuổi, lúc đó đang nghỉ ngơi. Hiện cả cô Park, thuyền trưởng Lee và thủy thủ điều khiển bánh lái lúc xảy ra tai nạn đều đã bị bắt và bị tạm giam trong 10 ngày. Một số thủy thủ khai họ không hề được hướng dẫn các quy định an toàn khi làm việc trên phà.
Gia đình bé Kwon Ji Yeon đã đến Jindo Hôm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xác nhận nạn nhân người Việt trên chiếc phà Sewol là chị Phan Ngọc Thanh, 29 tuổi, quê ở Cà Mau, lấy chồng Hàn Quốc và nhập tịch Hàn Quốc tháng 7-2013 với tên tiếng Hàn là Han Yun Ji. Chị có hai con là Kwon Hyuk Kyu (6 tuổi) và Kwon Ji Yeon (5 tuổi). Sau khi được cứu, bé Kwon Ji Yeon đã được cô ruột đón về gia đình. Gia đình chị Phan Ngọc Thanh, trong đó có cha là ông Phan Văn Chay, đã đến Incheon hôm 19-4. Sáng 20-4, họ đã có mặt tại đảo Jindo, nơi gia đình các hành khách đang tập trung chờ tin tức. Đại sứ quán Việt Nam cho biết đã cử cán bộ có mặt tại hiện trường từ ngày 18-4 để theo sát tình hình, hỗ trợ gia đình trong những ngày tới và phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Phụ nữ và gia đình, Cảnh sát biển Hàn Quốc xử lý vụ việc tiếp theo. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Nỗ lực cứu hộ gặp khó khănHiệu phó tự tử sau thảm họa tàu chìm ở Hàn QuốcChìm phà ở Hàn Quốc: 2 người chết, hơn 290 người mất tíchChìm tàu ở Hàn Quốc: phụ huynh vật vã, khóc ròngChìm tàu thảm khốc ở Hàn Quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận