Phóng to |
An ninh được tăng cường tại nhiều nhà ga ở Trung Quốc, như tại Thượng Hải, từ ngày 3-3 Ảnh: Reuters |
Tân Hoa xã gọi vụ thảm sát khiến 33 người thiệt mạng và 140 người bị thương hôm 1-3 là sự kiện “11-9 của Trung Quốc”.
Hãng tin này cho biết nhà chức trách đã bố trí cảnh sát tại sân bay quốc tế Trường Thủy của thành phố Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam.
An ninh cũng được tăng cường tại các trường học. Cảnh sát mặc thường phục cũng không rời mắt khỏi các con đường quan trọng trong thành phố. Tại nơi xảy ra vụ tấn công, lực lượng an ninh vũ trang luôn túc trực.
Tại nhà ga, người ta có thể nhìn thấy nhiều vòng hoa và vài chục cây nến còn sót lại sau khi người dân đến đây cầu nguyện. Sự sợ hãi, mất mát và tức giận hiển hiện trên từng khuôn mặt người dân nơi đây.
“Trong số nạn nhân có cả những nông dân nghèo khổ, chân ướt chân ráo lên thành phố. Sao chúng lại ra tay tàn nhẫn với họ như thế?” - một người dân cho biết.
Tại khu vực ngoại ô, khoảng 50 người xếp hàng ở các trung tâm hiến máu tạm thời. “Bọn khủng bố quá hung ác, chúng vung mã tấu lên người bất kể ai mà chúng thấy, ngay cả đối với người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ” - một tình nguyện viên hiến máu tức giận nói.
Sợ hãi bao trùm
Kể từ khi xảy ra vụ thảm sát, nhiều người dân nơi đây trở nên vô cùng hoang mang. Người dân sinh sống tại khu vực lân cận ga xe lửa không dám ra đường vào ban đêm. Nhiều người còn cho biết họ sẽ đưa gia đình ra khỏi Côn Minh cho đến khi cảnh sát bắt được năm nghi phạm còn lại.
Theo chuyên gia quân sự Doãn Trác, có hai lý do khiến các phần tử cực đoan Tân Cương chọn Côn Minh làm nơi tấn công: Thứ nhất là do việc đi đến các vùng khác của Trung Quốc sẽ dễ bị phát hiện nếu đi máy bay, trong khi từ Tân Cương người ta có thể đi đường bộ hoặc xe lửa đến Côn Minh. Thứ hai, Côn Minh là một thành phố du lịch và chưa bao giờ xảy ra bạo động, an ninh tại đây có phần lỏng lẻo hơn những nơi khác.
Đây là lần đầu tiên những phần tử cực đoan tiến hành một vụ tấn công quy mô lớn ở một nơi rất xa như Vân Nam (cách Tân Cương 1.600km) và là một địa điểm du lịch nổi tiếng. “Điều này cho thấy tổ chức tiến hành vụ thảm sát trên có khả năng tấn công ở bất cứ nơi nào” - AFP dẫn lời ông Barry Sautman, một chuyên gia về chính trị dân tộc Trung Quốc tại ĐH Hong Kong.
Lo ngại làn sóng bài Tân Cương
Kể từ khi chính phủ tuyên bố vụ thảm sát là do các phần tử ly khai Tân Cương thực hiện, nhiều người dân tỏ ra tức giận với người Tân Cương. Một nữ tài xế taxi tại Côn Minh cho biết cô sẽ tránh xa nhà ga và không bao giờ cho những người Tân Cương bước lên xe mình.
Hiện tại an ninh vẫn được thắt chặt ở Tân Cương kể từ sau sự kiện đâm xe vào Thiên An Môn khiến năm người thiệt mạng hồi tháng 10-2013. Các nhà phân tích cho rằng việc chính quyền Bắc Kinh gây sức ép lên khu vực này, cùng với ấn tượng tiêu cực của người dân Trung Quốc về người dân Tân Cương có thể cuốn Trung Quốc và một vòng bạo lực luẩn quẩn.
Trên mạng xã hội, Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc lên án “hành vi bạo lực vô nghĩa” và bày tỏ sự cảm thông với gia đình nạn nhân trong thảm kịch này. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng tỏ ra bất bình trước việc Mỹ không gọi đây là một cuộc tấn công khủng bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận