Phóng to |
Người dân Ukraine tưởng niệm những người thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại quảng trường Độc Lập - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, Đảng UDAR của cựu vô địch quyền anh Vitali Klitschko thông báo trên trang web rằng danh sách nội các được công bố tại quảng trường Độc Lập ở Kiev vào lúc tối ngày 26-2 (rạng sáng nay giờ Việt Nam).
Cùng ngày, tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchinov đã tiếp quản vị trí lãnh đạo lực lượng vũ trang, trong khi Bộ Nội vụ nước này ra quyết định giải thể lực lượng đặc nhiệm Berkut của cảnh sát - lực lượng được cho là đã gây ra cái chết của những người biểu tình trong các cuộc bạo động.
Trong khi đó các áp lực vẫn tiếp tục. Một ngày sau khi dịu giọng nói không can thiệp vào công việc nội bộ ở Kiev, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua đã lên tiếng chỉ trích “những kẻ phát xít” ở miền tây Ukraine cũng như dự luật ở quốc hội định loại tiếng Nga ra khỏi ngôn ngữ chính thức của Ukraine. Theo RIA Novosti, Nga đã kêu gọi Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu lên tiếng về vấn đề này.
Khó khăn nội bộ cũng bộc lộ rõ khi chuyện đấu đá giữa các bên khiến phe đối lập phải trì hoãn việc công bố chính phủ đoàn kết dân tộc (dự định ban đầu là ngày 25-2). Cả ba đảng đối lập chính, hầu như không chia sẻ lập trường chính trị, vẫn đang đàm phán căng thẳng với nhau cũng như với các lãnh đạo phe biểu tình suốt ba tháng nay. “Chính phủ hợp pháp không phải nhờ lá phiếu bỏ tại quốc hội mà chỉ hợp pháp khi có sự ủng hộ của người dân ở ngoài Maidan” - Arseniy P. Yatsenyuk, nghị sĩ của Đảng Tổ quốc, một trong những ứng viên hàng đầu cho chức thủ tướng, tuyên bố.
Theo New York Times, ông Yatsenyuk đã kêu gọi các nghị sĩ khác chấm dứt tình trạng đấu đá để nhanh chóng đạt thỏa thuận về chính phủ lâm thời. Chỉ khi đó Ukraine mới có thể xin viện trợ từ cộng đồng quốc tế cứu nền kinh tế sắp sụp đổ của nước này. Bản thân ông Yatsenyuk thừa nhận tình cảnh phức tạp lúc này bằng bình luận “những ai tham gia chính quyền này cần nhận thức là họ vừa cứu đất nước vừa rất có thể đang tự sát về mặt chính trị”.
Hiện các nước lớn đang chăm chú theo dõi tình hình giữa lúc những người cầm quyền ở đây đang đi dây giữa nguy cơ sụp đổ kinh tế và nguy cơ tan rã. Các cuộc đàm phán giữa EU, Mỹ và Nga đang được khẩn trương thực hiện nhưng cả ba đều thận trọng về bước đi tiếp theo.
Ngày 25-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Ukraine không nên bị vướng vào cuộc chiến giữa Đông - Tây và kêu gọi các nước cùng hợp tác để đem lại ổn định ở đất nước này.
Trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố sẵn sàng có các gói viện trợ tài chính có điều kiện với Ukraine. Ở Kiev, người phụ trách đối ngoại EU Catherine Ashton cũng cố làm dịu tình hình trong cuộc họp báo tại đây: “Chúng tôi muốn giúp đỡ chứ không phải can thiệp vào tương lai của Ukraine”, đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của quan hệ Nga - Ukraine và việc duy trì quan hệ này.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm qua nói nước này đang có các biện pháp đảm bảo an ninh cho hạm đội Biển Đen đóng tại bán đảo Crimea (Ukraine). Reuters cho biết Bộ trưởng quốc phòng Anh Philip Hammond sẽ chú ý các hoạt động quân sự của Nga và phản đối mọi sự can thiệp bên ngoài vào Ukraine.
Trong khi đó, theo AFP, những người biểu tình ủng hộ Nga hôm qua đã ẩu đả với những người ủng hộ chính quyền lâm thời Ukraine ở Simferopol, thủ phủ Crimea, sau khi chính quyền địa phương bác bỏ yêu cầu thảo luận về việc tách nơi này ra khỏi Ukraine.
Cùng ngày, tổng công tố Oleh Makhnytsky cho biết cựu tổng thống Viktor Yanukovych đã bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế.
Trung Quốc bị ảnh hưởng Báo Hoa Nam Buổi Sáng hôm 25-2 dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng Kiev và Bắc Kinh có thể sẽ trở nên lạnh nhạt, gặp nhiều trở ngại hơn một khi lãnh đạo lâm thời của Ukraine chuyển mối quan hệ theo hướng thân EU. Ông Thôi Hồng Kiện, giám đốc khoa châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc, khẳng định trước mắt tình hình ở Ukraine sẽ gây một số ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai bên. Bắc Kinh đang quan ngại sau khủng hoảng, nếu Ukraine được gia nhập EU thì có thể chính phủ nước này sẽ loại bỏ các thương vụ mua bán vũ khí với Trung Quốc nhằm tránh lệnh cấm vận vũ khí mà EU áp đặt với Trung Quốc từ năm 1989. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm, Ukraine là nước xuất khẩu vũ khí lớn của thế giới năm 2012, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ukraine chuyên sản xuất động cơ và bảo dưỡng các máy bay chiến đấu cũng như các loại máy bay khác cho Trung Quốc. Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng được đóng ở Ukraine. Trung Quốc từng hợp tác với Ukraine về kỹ thuật sản xuất các tuôcbin khí trong tàu khu trục Aegis của nước này. Đầu năm 2014, Kiev và Bắc Kinh ký thỏa thuận an ninh với nội dung Bắc Kinh sẽ đảm bảo an ninh Ukraine nếu quốc gia này bị đe dọa xâm lược hạt nhân. Ông Dương Thành, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, cho rằng sự thay đổi chính quyền ở Ukraine chắc chắn sẽ gây bất ổn trong quan hệ hợp tác thương mại Kiev - Bắc Kinh, mối quan hệ này sẽ không còn mặn nồng như trước. Còn phó giáo sư ngành khoa học chính trị Trường đại học Sư phạm Bắc Kinh Trương Thắng Quân nhận định dù quá trình phát triển kỹ thuật quân sự của Bắc Kinh sẽ ít phụ thuộc hơn vào Ukraine, song Bắc Kinh vẫn tiếp tục đầu tư vào Ukraine để duy trì ảnh hưởng ở nước này. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Ukraine muốn đưa ông Yanukovych ra tòa quốc tế“Nhận diện quân cờ và người chơi”Mỹ kêu gọi Tổng thống Ukraine đàm phánKhủng hoảng Ukraine, Trung Quốc bị ảnh hưởngChoáng ngợp với dàn siêu xe của YanukovychUkraine giải thể lực lượng cảnh sát chống bạo động
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận