Các nông dân này nói họ sẽ ở Bangkok bảy ngày để biểu tình phản đối chính quyền chậm trễ trả tiền nhưng từ chối tham gia phong trào lật đổ chính quyền của PDRC.
Nông dân Thái Lan ồ ạt đổ về Bangkok đòi nợ chính phủ
Hàng ngàn máy cày và nông dân đã lên đường tới Bangkok để biểu tình - Ảnh: Reuters |
Theo Bangkok Post, đoàn nông dân có mặt tại thủ đô sáng nay 21-2 và đóng tại sân bay Suvarnabhumi. Lãnh đạo sân bay cho biết sẽ dành bãi đậu xe cho các nông dân sử dụng và sẽ cố gắng thương lượng để đảm bảo sân bay không bị đóng cửa.
Trong hôm qua, Thủ tướng Yingluck vẫn lên tiếng nói bà vô tội sau cáo buộc bà lơ là trách nhiệm với chương trình trợ giá này từ Ủy ban quốc gia chống tham nhũng (NACC) của nước này.
Trong một diễn biến khác, lực lượng biểu tình chống chính phủ đã có thắng lợi quan trọng khi tòa án dân sự ra lệnh cấm nhà chức trách trấn áp các cuộc biểu tình “hòa bình”. Báo New York Times dẫn lời nhà phân tích chính trị nổi tiếng Verapat Pariyawong bình luận quyết định của tòa án dân sự là “một bước nữa tiến tới một cuộc đảo chính bằng tòa án”, tạo “điều kiện pháp lý” cho người biểu tình lật đổ chính phủ. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc ĐH Chulalongkorn cho rằng vòng vây đang ngày càng siết chặt quanh Thủ tướng Yingluck.
Ngày 20-2, lực lượng biểu tình chống Chính phủ Thái Lan mở chiến dịch tấn công các doanh nghiệp của gia đình Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Trước đó, tòa dân sự Thái Lan khẳng định chính phủ không được dùng vũ lực giải tán các đám đông biểu tình và nói người biểu tình cũng được quyền chặn giao thông ở Bangkok. Như vậy, luật khẩn cấp do chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra ban bố dù còn hiệu lực nhưng đã bị vô hiệu hóa. Tòa ra phán quyết trên sau các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình hôm 18-2 khiến năm người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
“Đảo chính tư pháp” (một nhà lãnh đạo bị phế truất theo phán quyết của tòa án) không phải là chuyện hiếm thấy ở Thái Lan. Các đảng thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra từng vài lần bị giải thể, các thành viên đảng bị cấm tham gia chính trị năm năm do phán quyết của tòa án. Năm 2008, thủ tướng Samak Sundaravej cũng bị phế truất theo lệnh của tòa án vì tham gia một chương trình nấu ăn trên truyền hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận