Một hoạt động của người dân thành phố Vladivostok của Nga. Tháng 9 tới, Vladivostok sẽ đăng cai Diễn đàn kinh tế phía đông đầu tiên với mục tiêu thu hút đầu tư vào khu vực này - Ảnh: Reuters |
Trang RIA Novosti ngày 6-2 đưa tin Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev yêu cầu ngoài việc dời về vùng Viễn Đông, Matxcơva cũng cân nhắc giảm thuế cho khu vực này.
“Ông Medvedev đã ra chỉ thị cho chúng tôi hôm nay” - Phó thủ tướng Yury Trutnev xác nhận sau cuộc họp về phát triển của khu vực Viễn Đông do ông Medvedev chủ trì. Ông không tiết lộ cụ thể những cơ quan nào sẽ chuyển đi nhưng cho biết bản kế hoạch sẽ hoàn thành trước cuộc họp tiếp theo trong vòng một tháng nữa.
Tiềm năng Viễn Đông
Lập khu công nghệ cao Mới đây, Phó thủ tướng Trutnev cũng tiết lộ ý tưởng biến đảo Russky ngoài khơi Vladivostok, được ví như San Francisco của Nga, thành một trung tâm công nghệ. “Chúng tôi có ý tưởng tạo ra một cái gì đó tương tự như Thung lũng Silicon của Mỹ, một nơi chúng tôi có thể quy tụ nhân tài và những người có thể tạo nên những đột phá khoa học và chế tạo ra những sản phẩm công nghệ cao. Thung lũng Silicon của Mỹ đang nắm giữ hơn 30% các học giả Nga. Thế thì hãy tạo điều kiện cho họ phát triển ở Nga” - Phó thủ tướng Trutnev trình bày. |
Kể từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, dân số khu vực Viễn Đông của Nga giảm mạnh do thời tiết vô cùng khắc nghiệt và đường giao thông khó tiếp cận. Tuy nhiên hai tuần trước, nhà tài phiệt Oleg Deripaska thậm chí nhắc lại đề xuất dời thủ đô Nga về khu vực này. Hay Phó thủ tướng Dmitry Rogozin mới đây cũng đề xuất bỏ tên gọi Viễn Đông để nghe bớt “xa cách”.
Khi trở lại điện Kremlin năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin từng yêu cầu nâng tầm phát triển khu vực miền đông là “ưu tiên quốc gia”. Khi đó ông Putin tuyên bố: “Chúng ta phải tạo ra môi trường kinh doanh và hạ tầng cho phép chúng ta cạnh tranh thành công về đầu tư và nguồn nhân lực với những nước láng giềng ở Viễn Đông”. Ông đã cho thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông cùng hàng loạt ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Trutnev giải thích rõ rằng các doanh nghiệp sẽ được giảm phân nửa mức thuế xuống còn 10%, trong khi thuế thu nhập giảm từ 13% còn 7%. Năm ngoái, chính quyền Matxcơva cũng đã thông qua chương trình đầu tư đến 3,2 tỉ USD mỗi năm vào vùng Siberia, Viễn Đông và chọn ông Medvedev làm lãnh đạo Ủy ban Chính phủ phụ trách phát triển khu vực này. Sau khi hàng loạt mục tiêu thúc đẩy phát triển không đạt yêu cầu, ông Putin năm ngoái đã thay bộ trưởng phụ trách Viễn Đông và bổ nhiệm thêm một đặc sứ của mình tại đây.
Thật ra, một số chi nhánh của Tập đoàn dầu khí Gazprom như Gazprom Dobycha Shelf từng thông báo sẽ sớm chuyển về bờ đông. Tuy nhiên việc di dời trong khoảng cách hơn 6.000km có thể vấp phải sự phản đối của nhiều lãnh đạo công ty. Kế hoạch chuyển các văn phòng chính phủ ra ngoại ô Matxcơva trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Medvedev cũng từng bị thất bại.
Nhích lại gần châu Á
Bên cạnh việc tận dụng nguồn lực tài nguyên ở Viễn Đông và tìm cách mở rộng phát triển kinh tế, Nga cũng muốn nhích gần hơn về châu Á trong chính sách xoay trục của mình. Theo Reuters, Matxcơva muốn tăng sự ảnh hưởng tại châu Á, khu vực có nhiều khách hàng mua dầu và khí đốt lớn như Trung Quốc, Nhật Bản. Đích thân Tổng thống Putin cuối năm ngoái cũng đến Hàn Quốc để vận động việc đưa đường ống dẫn dầu và khí đốt qua bán đảo Triều Tiên.
“Nga xác định rằng họ sẽ không đóng một vai trò hời hợt ở vùng Viễn Đông và không để cho Trung Quốc qua mặt về kinh tế và dân số” - trang The Diplomat bình luận. Trong khi dân số khu vực Viễn Đông được dự đoán sẽ giảm còn 4,7 triệu người vào năm 2025, khu vực phía đông bắc của Trung Quốc hiện có hơn 110 triệu dân. “Người Nga tại khu vực biên giới sẽ phải nói tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật và tiếng Hàn trong vài thập kỷ tới” - Tổng thống Putin từng cảnh báo.
Các chính trị gia Nga thậm chí đang nghiền ngẫm ý tưởng đưa thủ đô về phía đông do Bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoygu đưa ra và mới đây được thị trưởng Vladivostok nhắc lại. Điều đó cho thấy lo ngại ngày một lớn của Nga về việc khu vực Viễn Đông sẽ tuột khỏi tầm kiểm soát nếu không được quan tâm sát sao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận