Đối lập Campuchia lại biểu tình lớnPhe đối lập Campuchia lại biểu tình phản đối chính phủHàng ngàn người Campuchia biểu tình đòi điều tra sai phạm bầu cử
![]() |
Một người biểu tình cầm biểu ngữ “Hun Sen phải từ chức” tại Phnom Penh - Ảnh: Heng Chiovan / Phnom Penh Post |
Tờ Phnom Penh Post tường thuật cảnh hàng ngàn người ủng hộ phe đối lập lái xe vượt hàng trăm kilômet từ các tỉnh kề cận đổ về phường Sway Pak, quận Russey Keo, Phnom Penh để biểu dương lực lượng và tiếp tục biểu tình tại đây từ ngày 20-12. Đáng chú ý, lần này đám đông tổ chức xuống đường ở những xã, quận vùng ven Phnom Penh như Sway Pak - nơi tập trung đông cộng đồng dân cư nghèo khó - để lên án việc điều hành kinh tế yếu kém, tham nhũng tràn lan của chính quyền Hun Sen.
Liên tục hai lần, vào ngày 17 và 20-12 khi trả lời báo giới, Thủ tướng Hun Sen cảnh báo người biểu tình đang “vi phạm pháp luật” và chính phủ ông đang xem xét hành động thích hợp để xử lý vụ việc. Lãnh đạo CNRP Sam Rainsy trong các cuộc biểu tình vẫn theo phong thái quen thuộc: đứng cạnh các nhân vật cấp cao của đảng này trên một xe tải nhỏ chạy vòng quanh các địa điểm biểu tình vẫy chào đám đông.
Hiện lực lượng an ninh đang dàn lực lượng mỏng, cốt yếu chỉ để đảm bảo tình hình trật tự mà chưa có biện pháp nào “ngăn chặn” đám đông như lời Thủ tướng Hun Sen “dọa”. Hơn 10.000 người vẫy cờ, hô vang khẩu hiệu, cầm biểu ngữ yêu cầu ông Hun Sen từ chức - AFP đưa tin. Số người này tập trung tại công viên Tự Do ở trung tâm thủ đô, sau đó chạy xe ra các quận, huyện ngoại ô tiếp tục biểu tình. CNRP còn dọa sẽ phong tỏa tám con đường chính dẫn vào thủ đô.
“Sắc màu” Thái Lan
Lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã phản ứng quyết liệt trước ý định phong tỏa thủ đô của CNRP. Ông so sánh làn sóng biểu tình trong một tuần qua (15 đến 22-12) với tình hình biểu tình tại Thái Lan chống chính quyền Yingluck. “Muốn biểu tình là quyền của họ, nhưng cũng nên nhìn vào hiến pháp, pháp luật cụ thể của từng quốc gia. Lấy phương cách biểu tình tại Thái Lan để áp dụng trong nước là sai lầm. Campuchia khác Thái Lan” - ông nói với Phnom Penh Post.
Hôm 20-12, AFP dẫn lời Thủ tướng Hun Sen khẳng định “tôi sẽ không từ chức như yêu cầu của phe đối lập”. Ông dẫn hiến pháp của Campuchia không cho phép giải tán quốc hội (như Thái Lan) trước khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng năm năm.
Sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 28-7 với chiến thắng nghiêng về Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen, CNRP đã cáo buộc phía CPP gian lận. Những cuộc tuần hành nổ ra liên tiếp trên đường phố, mà đỉnh điểm là đợt biểu tình lần này kéo dài đã một tuần vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. CNRP khẳng định sẽ tiếp tục xuống đường đến chừng nào ông Hun Sen “rớt đài”. Điều này xem ra không dễ khi trái với phong cách đối phó biểu tình khôn khéo của Thủ tướng Thái Lan Yingluck, ông Hun Sen đã nhiều lần dọa sẽ mạnh tay với CNRP nếu sự thể đi quá xa.
Phnom Penh Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh chia sẻ: “Tôi không biết những cuộc biểu tình sẽ đưa đất nước về đâu. Tôi nghĩ phía CNRP nên ngồi lại đàm phán với CPP và nhận ghế trong Quốc hội”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận