14/11/2013 18:15 GMT+7

Chính quyền Philippines đang ở đâu?

BÌNH MINH 
BÌNH MINH 

TTO - Đó là đầu đề của nhật báo Inquirer (Philippines) ngày 14-11 khi phân tích một số nguyên nhân vì sao Chính phủ Philippines phản ứng chậm chạp trong việc cứu giúp nạn nhân bão Haiyan.

eQQ3pMxH.jpgPhóng to
Một phụ nữ khóc ròng trước thi thể con trai qua đời sau cơn bão Haiyan ở Tacloban - Ảnh: AFP

Sáu ngày sau cơn bão Haiyan quét qua "vùng đất chết” Tacloban, chính quyền Philippines vẫn chưa thể đưa ra con số thống kê tạm thiệt hại về tài sản và con người.

Việc ước lượng số người chết xê dịch từ 2.500 người đến khoảng 10.000 người và cũng không biết đâu là con số cuối cùng cho thấy sự thiếu sót của chính quyền trong việc đối phó thảm họa.

Ricky Carandang, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Aquino, thừa nhận: “Những người dân vùng sâu, vùng xa vẫn chưa nhận được viện trợ. Việc cần thiết nhất là cung cấp nước và thực phẩm cho họ. Hệ thống liên lạc chỉ hoạt động được chút ít, còn các cảng và đường đi vẫn bị tắc nghẽn. Muốn giúp đỡ họ, chúng tôi phải tìm cách khai thông đường sá trước”.

Thư ký nội các Almendras thừa nhận chính quyền Aquino đang đối mặt với “không ít công việc” và chỉ mới giải quyết được “một phần nhỏ vào ngày hôm nay” nhưng “chính phủ muốn cứu hết tất cả những người còn sống và sẽ cố thực hiện được điều này trong vài ngày tới”.

Nhưng khi được hỏi ngày nào các nạn nhân sẽ nhận được viện trợ thì Almendras bó tay: “Tôi rất muốn cho quý vị biết ngày giờ cụ thể, nhưng chính phủ không thể kiểm soát được điều này vì không biết làm thế nào để tiếp cận với mặt đất. Có những nơi ở rất sâu và xa”.

Chính quyền Phillipines đổ lỗi cho điện và hệ thống liên lạc đã khiến họ chậm ứng cứu những người bị nạn.

Trước sự phản ánh và phê phán của truyền thông trong nước và quốc tế, giới chức ở Manila vẫn cố gắng đưa ra các lý lẽ để bảo vệ mình và khẳng định họ “đã làm hết sức”.

Valerie Amos, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, đã bay sang Manila hôm 12-11 mang theo hơn 300 triệu USD tiền quyên góp. Bà gọi Haiyan là cơn bão “tàn khốc và hủy diệt nhất” ở Philippines. Hàng hóa viện trợ quốc tế cứu giúp những nạn nhân cơn bão cũng được chuyển đến tỉnh Leyte ồ ạt nhưng việc đưa chúng đến Tacloban rất khó khăn khiến các cơ quan cứu trợ quốc tế vô cùng lo lắng bởi các nạn nhân đang dần đuối sức.

"Phần lớn chính quyền địa phương không có khả năng tổ chức sơ tán hàng loạt và cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho nạn nhân bị bão tấn công" - Rodolfo Biazon, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hạ viện Philippines.

Ai chịu trách nhiệm?

Trong cuộc phỏng vấn ngày 13-11, Christiane Amanpour, phóng viên kỳ cựu của trang tin CNN, khiến Tổng thống Philippines Aquino rơi vào thế khó xử khi nhấn mạnh cách giải quyết thảm họa sẽ khẳng định vai trò tổng thống của ông này.

“Thưa ông, ông đã nói về nghĩa vụ nhân đạo của thế giới, vậy xin cho phép tôi hỏi về trách nhiệm của ông, với tư cách là một tổng thống. Tôi không biết ông có đồng ý với tôi không, nhưng tôi nghĩ cách mà ông và chính quyền của mình đương đầu với thảm họa kinh hoàng lần này sẽ khẳng định vị trí của ông. Ông nghĩ gì về điều này?”, Amanpour chất vấn ông Aquino.

Tổng thống Aquino đã không trả lời câu hỏi này. Thay vào đó, ông nhắc đến những khu vực trong vùng Visayas, Samar - các nơi có số lượng thương vong được chính quyền thống kê là “thấp”.

Ông Rene Almendras khẳng định: “Tổng thống và các thành viên trong chính phủ sẽ chịu trách nhiệm” khi nhật báo Inquirer hỏi ông này rằng ai sẽ là người chỉ huy để giải quyết thảm họa.

Tại Hội đồng quản lý và giảm nhẹ rủi ro thảm họa Philippines (NDRRMC), các phóng viên cũng đặt câu hỏi cho giám đốc điều hành Eduardo del Rosario, rằng ai sẽ đại diện chính phủ để đối phó với những hậu quả do siêu bão Haiyan gây ra.

“Không phải tôi”, Del Rosario tuyên bố. “Đó là thư ký điều hành Paquito Ochoa, người hỗ trợ đắc lực của thư ký nội các Almendras" - vị giám đốc nói thêm. Del Rosario đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng thảm họa quốc gia hôm 8-11, chỉ vài giờ trước khi cơn bão tấn công vùng Samar-Leyte.

Tổng thống Aquino chủ trì cuộc họp tiếp theo diễn ra hôm 9-11 và bỏ ra khỏi cuộc họp hôm 10-11 sau khi tỏ thái độ không hài lòng với bản báo cáo do Del Rosario trình lên. Các cuộc họp sau đó do thư ký điều hành Paquito Ochoa chủ trì với các kế hoạch và biện pháp cứu nạn nhân không rõ ràng.

Điều này cũng đồng nghĩa chính quyền Aquino đã chậm trễ những bốn ngày sau khi cơn bão đã san bằng Tacloban và để lại vô số đống đổ nát cũng như xác người.

Thư ký nội các Philippines Almendras cho biết kế hoạch trong những ngày tới bao gồm việc tăng cường số hàng viện trợ, mở thêm nhiều điểm cứu trợ tại các khu vực như Cebu và Davao, tăng tốc độ vận chuyển hàng viện trợ và gửi quan chức chính phủ từ các khu vực khác đến để hỗ trợ.

"Khoảng 1,6 triệu nhân viên sẽ được huy động để đóng gói các kiện hàng - Almendras nói - Bên cạnh đó, chính phủ cũng cử thêm lực lượng an ninh đến Leyte và Samar để khôi phục trật tự".

BÌNH MINH 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên