Dưới phần nổi của “tảng băng Snowden”Edward Snowden làm việc cho website NgaIndonesia triệu tập đại sứ Úc vì vụ nghe lén
Phóng to |
Snowden (trái) chụp ảnh cùng nghị sĩ Đảng Xanh Strobele tại Matxcơva ngày 31-10 - Ảnh: Reuters |
Khách quan mà nói, những gì Snowden lần lượt tiết lộ với nhà báo Glenn Greenwald - cựu phóng viên tờ Guardian - về việc tình báo Mỹ - Anh thu thập thông tin như thế nào chính là bức chân dung sinh động của hoạt động tình báo đầu thế kỷ 21 này: sử dụng ít sức người, ít đánh đấm và bóp cò hơn, sử dụng chất xám và phương tiện kỹ thuật nhiều hơn, song tác hại là vô cùng.
Kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên
Ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Mỹ và Anh, hai đồng minh cốt cán trong chiến tranh, đã bắt đầu phối hợp việc nghe ngóng các thông tin liên lạc (COMINT) một số quốc gia mục tiêu chung ưu tiên hàng đầu trong khuôn khổ một kế hoạch hoạt động phối hợp kéo dài từ năm 1946 đến 1949. Thành ra, không lấy làm lạ tại sao ngày nay NSA của Mỹ thường song hành cùng GCHQ của Anh nghe ngóng thiên hạ.
Vào thời điểm đó, ở Mỹ, mỗi quân chủng đều muốn duy trì các cơ quan nghe ngóng thông tin liên lạc (SIGINT) riêng của mình. Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) mới ra đời sau thế chiến chỉ là một “khách hàng sử dụng” kết quả nghe ngóng của các cơ quan tình báo quân đội này.
Chiến tranh Triều Tiên càng khiến các hoạt động nghe ngóng này chuyên biệt hơn với Bộ chỉ huy nghe ngóng Thái Bình Dương (Pacific COMINT), mà đối tượng chính là Trung Quốc, Liên Xô. Sau thảm họa Trân Châu cảng bị không quân - hải quân Nhật bất thần đánh không kịp trở tay, An ninh quân đội Mỹ (ASA, sau này là NSA) rút kinh nghiệm xương máu rằng bất cứ một sự gia tăng lượng thông tin bất thường nào cũng đều có thể là những dấu hiệu báo trước cho một hành động chiến tranh nào đó.
Từ đó, ASA tăng cường nghe ngóng Liên Xô và Trung Quốc cùng khu vực bán đảo Triều Tiên và đã phát hiện hai đợt thông tin liên lạc cường độ cao khác thường trong khối cộng sản ở khu vực này. Trước lượng thông tin ngày càng nhiều đó, ngay trước khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ASA đã kịp xin tiếp viện 244 sĩ quan cùng 464 binh sĩ và 1.253 nhân viên dân sự chuyên đảm trách việc giải mã. Điều đó cho thấy ý nghĩa của công việc nghe ngóng này.
Tuy nhiên, vỏ quýt dày cũng có móng tay nhọn: tất cả nghe ngóng đó chỉ cho phép phía Mỹ ngờ rằng sẽ có tấn công, chứ không tài nào bắt được một thông tin cho phép dự báo chính xác thời điểm tấn công. Một trong những bức điện bắt được sớm nhất đề ngày 27-6-1950, tức hai ngày sau khi chiến tranh đã nổ ra (hôm 25-6) có nội dung liên quan đến một vụ điều động quân sự cấp sư đoàn của quân Bắc Triều Tiên. Trớ trêu thay, bức điện này mãi đến tháng 10 mới được dịch ra tiếng Anh! Thí dụ này từ cuộc chiến tranh Triều Tiên cho thấy những nhiêu khê của công việc giải mã và xử lý ngôn ngữ một cách thủ công bằng sức người thời kỳ đó.
Nâng chất kỹ thuật
Dẫu sao chiến tranh Triều Tiên cũng là cơ hội để quân đội Mỹ phát triển hệ thống nghe ngóng chiến thuật (Tactical SIGINT) với những thiết bị nghe được chôn dưới đất trong rừng, núi... Các thiết bị này sẽ nghe được các cú liên lạc truyền tin của quân địch và tự động tiếp âm lại tổng hành dinh nên được đặt tên là Ground Return Intercept (GRI), có thời gian hoạt động lên đến ba ngày.
Ở những năm 1950, khi vệ tinh chưa tung hoành, ngoài những đài kiểm thính, phương tiện nghe ngóng duy nhất từ trên không là máy bay do thám, dù nó là mục tiêu dễ bị bắn hạ. Thống kê cho thấy từ năm 1950 đến 1969 có khoảng 15 máy bay do thám của Mỹ và NATO bị bắn rơi ở Liên Xô, Trung Quốc, Đông Đức và Cuba.
Năm 1954, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower phê chuẩn dự án vệ tinh do thám đầu tiên mang tên WS-117L. Bộ sưu tập ảnh đầu tiên chụp “thử nghiệm” là từ vệ tinh Discoverer-13 vào tháng 8-1960, nhằm mục đích thu thập tín hiệu các dàn rađa của Liên Xô lúc đó đang theo dõi các chuyến bay trong không gian của Mỹ.
Lúc đó, Mỹ còn nghe ngóng cả các bên trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Trong chương 1 của quyển Spartans in Darkness: American SIGINT and the Indochina War, 1945-1975 của Trung tâm Lịch sử mã hóa (Center for Cryptologic History) thuộc NSA, bức điện đầu tiên bắt được từ “lãnh đạo Việt Minh Hồ Chí Minh là vào hôm 23-9-1945, tức đúng vào ngày bùng nổ chiến sự ở Sài Gòn giữa Việt Minh và các binh sĩ Pháp vừa được trao trả từ tay quân đội Nhật - tức ngày Nam bộ kháng chiến, và người nhận bức điện đó là lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin”! Tất nhiên vào thời điểm đó, Đông Dương mới chỉ là một mục tiêu khiêm tốn của các cơ quan nghe ngóng của Mỹ.
Kỳ tới: Thời của vệ tinh
Snowden lại xuất đầu lộ diện! Đài truyền hình ARD (Đức) hôm qua cho hay chính trị gia Đảng Xanh của Đức Christian Strobele cùng hai nhà báo đã đến Matxcơva gặp Snowden tại một địa điểm bí mật. Ông Strobele cho rằng Snowden sẵn sàng đến Đức để làm sáng tỏ hành động nghe lén của NSA đối với Thủ tướng Angela Merkel nếu điều kiện cho phép. Tuy nhiên luật sư của Snowden, ông Anatoly Kucherena, nói điều kiện hiện tại không cho phép thân chủ của ông đến Đức. “Snowden đang sống ở Nga dưới luật pháp của Nga. Cậu ấy không thể rời khỏi nước này vì như thế sẽ mất quyền tị nạn hiện có” - ông Kucherena nói với Interfax. Ông Kucherena cũng cho hay theo thỏa thuận để được tị nạn tại Nga, Snowden không thể tiết lộ thêm thông tin gì về tình báo Mỹ trong thời gian ở Matxcơva. Trong khi đó, Đức và các nước châu Á tiếp tục phản ứng mạnh mẽ chương trình nghe lén của Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 31-10 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle tuyên bố Mỹ “không thể chống khủng bố bằng cách nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel”. Cũng trong hôm qua, chính quyền Indonesia đã triệu tập đại sứ Úc Greg Moriaty để chất vấn sau khi báo Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin sứ quán nước này tại nhiều nơi, trong đó có Jakarta, bị NSA sử dụng trong các chiến dịch nghe lén, theo BBC. BBC cũng dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay đã yêu cầu đại sứ Mỹ tại Kuala Lumpur làm sáng tỏ vấn đề này. TRƯỜNG SƠN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận