23/10/2013 20:24 GMT+7

Xìcăngđan can thiệp bầu cử đe dọa uy tín chính phủ Hàn Quốc

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Vụ Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) mở chiến dịch bôi nhọ các ứng viên đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm ngoái đang ngày càng lan rộng, đe dọa uy tín của chính quyền tổng thống Park Geun-Hye.

zoKAsc29.jpgPhóng to
Bà Park Geun-Hye phủ nhận có liên quan đến vụ bê bối Ảnh: Reuters

Theo báo Korea Herald, cuộc điều tra nhắm vào hành vi sai phạm của một số điệp viên NIS đã bất ngờ trở thành chiến dịch điều tra quy mô lớn. Ngày 22-10, các công tố viên nhà nước đã khám xét văn phòng của Bộ Chỉ huy chiến tranh mạng thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và thẩm vấn một số quan chức cao cấp của cơ quan này.

Bốn quan chức Bộ Chỉ huy chiến tranh mạng bị phát hiện cũng mở chiến dịch tâng bốc bà Park và đảng cầm quyền Saenuri trên mạng, đồng thời nói xấu thậm tệ các đối thủ của bà là “những kẻ ủng hộ CHDCND Triều Tiên” trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 19-12-2012. Trước đó, các điệp viên NIS cũng bị cáo buộc tung gần 60.000 tin nhắn lên trang mạng xã hội Twitter để nói xấu các ứng viên đối lập.

Nạn nhân số một của chiến dịch bôi nhọ này là ứng cử viên tổng thống Moon Jae-In thuộc đảng Dân chủ đối lập. Bà Park, người giành chiến thắng sát nút trước ông Moon, bác bỏ mọi cáo buộc của các đảng đối lập rằng bà có dính líu đến vụ bê bối này.

Theo AFP, hiện tỷ lệ ủng hộ của người dân Hàn Quốc đối với bà Park vẫn ở mức cao. Các nhà phân tích cho rằng uy tín của bà chỉ bị sụp đổ nếu quả thật bà có dính líu đến chiến dịch bôi nhọ này.

Tuy nhiên uy tín của chính phủ Hàn Quốc đã suy giảm mạnh bởi nghi vấn chính phủ đã tìm cách làm chìm xuồng cuộc điều tra. Ngay sau khi ra lệnh bắt ba điệp viên NIS, công tố viên cao cấp Yun Seok-Yeol bị sa thải vì tội “vi phạm quy định”. Điều trần trước Quốc hội, ông Yun khẳng định trước lúc ông bị sa thải đích thân Bộ trưởng Tư pháp Hwang Kyo-An đã yêu cầu ông “nương tay”, không theo đuổi vụ việc này.

“Đây là một vụ án nghiêm trọng với quy mô chưa từng có” - ông Yun nhấn mạnh. Vụ xìcăngđan đã khiến cựu giám đốc NIS Won Sei-Hoon mất chức. Tuy nhiên các nghị sĩ đối lập cáo buộc còn nhiều quan chức cấp cao khác có dính líu tới chiến dịch bôi nhọ này.

“Đây là hành vi thao túng bầu cử có hệ thống. Toàn bộ câu chuyện còn chưa được làm rõ” - một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập khẳng đinh.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thừa nhận các quan chức Bộ Chỉ huy chiến tranh mạng đã gửi tin nhắn bôi nhọ phe đối lập lên blog và trang Twitter, nhưng nhấn mạnh họ tự hành động theo quan điểm cá nhân. Phe đối lập đã tổ chức một số cuộc biểu tình phản đối vụ việc. Một cuộc biểu tình cuối tuần qua ở Seoul đã thu hút 15.000 người.

“Dân chủ dựa trên bầu cử công bằng - AFP dẫn lời giáo sư chính trị Kang Won-Taek thuộc ĐH Quốc gia Seoul bình luận - Nếu không xử lý vụ việc một cách thấu đáo, uy tín của bà Park và đảng cầm quyền sẽ tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử địa phương năm sau”.

Đảng Dân chủ đối lập khẳng định không hề muốn đòi tổ chức bầu cử lại, thay vào đó họ muốn bà Park phải công khai xin lỗi người dân và thắt chặt các quy định bảo vệ sự công bằng trong bầu cử.

Phe đối lập cũng muốn giám đốc đương nhiệm NIS Nam Jae-Joon, Bộ trưởng Tư pháp Hwang Kyo-An và Công tố viên trưởng Seoul Cho Young-Kon phải từ chức.

Báo chí Hàn Quốc cũng đòi NIS và Văn phòng Công tố viên tối cao phải công khai vụ việc.

“Nếu các chiến dịch bôi nhọ trên mạng diễn ra một cách có hệ thống thì đó là mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta” - báo JoongAng Daily cảnh báo.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên