17/10/2013 05:00 GMT+7

Chính phủ Mỹ trước giờ G vỡ nợ

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Ngoại trừ điều kỳ diệu xảy ra - nghị sĩ hai phe Cộng hòa, Dân chủ có thể nói chuyện và lắng nghe lý lẽ của nhau - nước Mỹ có thể rơi vào vỡ nợ bất cứ giây phút nào sau 11g trưa nay (giờ Việt Nam).

Omg5aws0.jpgPhóng to
Hạ nghị sĩ Devin Nunes của phe Cộng hòa trước vòng vây báo giới. Sự hỗn loạn của phe Cộng hòa đẩy Chính phủ Mỹ đến bờ vực vỡ nợ - Ảnh: Reuters

Kết cục này là do cuộc đàm phán ở Hạ viện Mỹ sụp đổ hoàn toàn do phe Cộng hòa không thể thống nhất được nội bộ.

Vấn đề của họ là chủ tịch hạ viện John Boehner và các lãnh đạo đảng cũng không kiểm soát được một nhóm nhỏ hơn 30 nghị sĩ bảo thủ của nhóm Tea Party (Đảng Trà) - những người chống chính phủ kịch liệt, muốn cắt giảm mọi loại ngân sách và bằng mọi giá chống đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama. Mọi hi vọng ở Washington giờ đây trông chờ vào cuộc đàm phán ở thượng viện, nơi hai phe đang tiến gần đến thỏa thuận cơ bản về nâng trần nợ ngắn hạn và mở cửa chính phủ.

Hỗn loạn trong phe Cộng hòa

Dù vậy, với thời gian còn lại quá ít, khả năng dự luật được cả lưỡng viện phê chuẩn gửi tới Tổng thống Obama trước ngày 17-10 (giờ Mỹ) là hầu như không thể.

Trong tình huống này, chi tiêu của Chính phủ Mỹ (có thể lên tới 60 tỉ USD/ngày) giờ gói gọn trong số tiền mặt 30 tỉ USD và nguồn thu thuế hằng ngày mà Bộ trưởng tài chính Jack Lew có. Bất cứ khi nào Chính phủ Mỹ không thể trả được nợ gốc hay tiền lãi của trái phiếu, Chính phủ Mỹ chính thức bị coi là vỡ nợ.

“Rất, rất nghiêm trọng - báo New York Times trích lời thượng nghị sĩ John McCain của phe Cộng hòa - Phe Cộng hòa nên hiểu là chúng ta đã thua trận này... Chúng ta không thể thắng khi đòi hỏi những thứ không thể đạt được”.

Trước đó một ngày, Washington tưởng chừng như sắp đạt được thỏa thuận thì chỉ trong tích tắc mọi thứ rơi vào hỗn loạn. Phe Cộng hòa ở hạ viện, đặc biệt là nhóm cứng rắn, đã bác một loạt đề xuất do chủ tịch hạ viện John Boehner đưa ra.

Cuộc đấu quanh chuyện cắt tiền cho Obamacare giờ thu gọn lại là chuyện các nghị sĩ và trợ lý phải trả toàn bộ chi phí bảo hiểm (thay vì được nhận trợ cấp từ chính quyền liên bang như mọi người) và hạn chế việc chính quyền có thể dùng các thủ thuật kế toán để gia hạn trần nợ. Nhưng kể cả với mấy chi tiết nhỏ vậy thì ông Boehner và lãnh đạo phe Cộng hòa cũng không thuyết phục được phe cứng rắn.

Theo New York Times, phe cứng rắn và một số thành phần thực dụng hơn của đảng Cộng hòa gần như là nổi loạn trong cuộc họp khiến lãnh đạo đảng Cộng hòa hai lần phải rút các đề xuất. “Chúng tôi vẫn đang tìm cách vượt qua chuyện này” - hạ nghị sĩ Greg Walden, chủ tịch ủy ban quốc hội của đảng Cộng hòa, nói sau cuộc họp.

Hi vọng ở thượng viện

Đến 23g đêm qua (giờ Việt Nam), AFP cho biết lãnh đạo phe đa số ở thượng viện Harry Reid nói các lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận về dự thảo ngân sách. Theo đó, chính phủ sẽ mở cửa lại và có ngân sách chi tiêu đến ngày 15-1-2014 và trần nợ nới đến ngày 7-2 để hai phe Dân chủ, Cộng hòa cùng đàm phán chi tiết về chi - thu trong vòng 10 năm tới.

Thỏa thuận này đã bỏ một số điều khoản chống Obamacare mà phe Dân chủ không chấp thuận và giờ chỉ còn một số phần về ngôn ngữ cần làm chặt chẽ hơn. Nhưng ngay ở thượng viện, phe Cộng hòa cũng có những nhân vật cứng rắn như thượng nghị sĩ Ted Cruz và thượng nghị sĩ Mike Lee - những người có thể cản trở quá trình bỏ phiếu cho dự luật.

Nếu thỏa thuận suôn sẻ thì thượng viện có thể đưa dự luật ra tranh luận và bỏ phiếu trong ngày 16-10 (giờ Mỹ). Nhưng nếu các thành viên cứng rắn phản đối, thượng viện sẽ phải đợi ít nhất đến ngày 18-10 với hi vọng có đủ 60 phiếu để không phải qua phần tranh luận.

Và các cản trở như vậy có nghĩa là cuộc bỏ phiếu cuối cùng chỉ diễn ra vào cuối tuần trước khi dự luật đến được với hạ viện. Và với hạ viện, không ai biết lối thoát của Quốc hội Mỹ ở đâu.

Tờ Washington Post số hôm qua đặt câu hỏi: “Ai là người kiểm soát phe Cộng hòa?” và tự trả lời luôn là “Không ai cả” để nói về tình trạng hỗn loạn của phe Cộng hòa.

Giữa lúc này, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã xếp Mỹ vào danh sách “giám sát tiêu cực” và cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Quốc hội Mỹ sẽ khiến niềm tin và tín dụng của Chính phủ Mỹ có nguy cơ rớt hạng.

Chi tiêu lên đến 60 tỉ USD/ngày

Do chi tiêu luôn vượt nguồn thu, Chính phủ Mỹ thường xuyên phải đi vay thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, khoản vay này bị khống chế bởi mức trần. Một khi đã vay đụng trần nợ mà vẫn không đủ để chi tiêu, nhất là trả nợ gốc đến hạn và lãi, khi đó Chính phủ Mỹ rơi vào vỡ nợ.

Quy định về trần nợ được quy định từ năm 1917 và kể từ năm 1962 tới nay Quốc hội Mỹ đã tăng trần nợ 77 lần. Trần nợ Mỹ hiện tại là 16.700 tỉ USD. Theo Bộ trưởng tài chính Jack Lew, chính phủ khó có thể chi trả thêm kể từ ngày 17-10. Khi đó, chính phủ chỉ dựa vào tiền mặt có trong tay (khoảng 30 tỉ USD/ngày) và tiền thuế để trả tiền. Theo ông Lew, chi tiêu hằng ngày của Chính phủ Mỹ có thể lên tới 60 tỉ USD/ngày.

Chưa vỡ nợ ngay

Thực tế Chính phủ Mỹ không vỡ nợ ngay lập tức. Vỡ nợ xảy ra nếu chính phủ không thể thực hiện được chi trả nợ gốc (principal payment) hay không trả được tiền lãi của trái phiếu chính phủ. Chính phủ Mỹ sẽ có một loạt khoản chi lớn quan trọng vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Mọi phân tích đều nói chính phủ khó có thể tránh vỡ nợ đến trước cuối tháng.

Bộ Tài chính Mỹ có thể ưu tiên việc trả nợ để tránh vỡ nợ nhưng việc này thực tế rất khó. Trung bình mỗi tháng bộ này thực hiện 100 triệu giao dịch thanh toán và hầu hết đều được thực hiện tự động. Quan chức Bộ Tài chính Mỹ từng tính đến phương án tối ưu hóa việc chi trả nhưng sau đó kết luận: “Không có cách hợp lý nào để chọn giữa vô số khoản chi phải trả hằng ngày”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Chính phủ Mỹ trước nguy cơ vỡ nợNếu không nâng mức trần nợ công, Washington sẽ vỡ nợ Mỹ cận kề nguy cơ vỡ nợMỹ lên kế hoạch B tránh thảm họa vỡ nợ Chính phủ bất đồng, Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên