06/10/2013 08:26 GMT+7

"Dọn sân nhà cho sạch để chơi TPP"

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hướng tới cơ bản hoàn tất đàm phán tại cuộc gặp cấp cao 12 thành viên TPP, diễn ra bên cạnh Hội nghị cấp cao APEC 21.

Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), xung quanh vấn đề này.

CSdiTyrz.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đình Lương - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Lần này, ông nghĩ rằng các nhà lãnh đạo sẽ kết thúc đàm phán hay đưa ra những kết luận định hướng để kết thúc đàm phán?

- Kinh nghiệm của một người đã nhiều năm đi đàm phán, cho phép tôi dự đoán rằng cuộc đàm phán chưa kết thúc được và tại cuộc gặp kỳ này các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá xem sau 19 vòng đàm phán, cái gì đã thỏa thuận được, cái gì chưa, những vấn đề gì nhiều khúc mắc nhất, nhiều sự khác biệt nhất để đề ra hướng xử lý.

Đây là cuộc đàm phán đa biên, nhưng cũng như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước đây, Hoa Kỳ là nước cầm cái, là nước áp đặt luật chơi, với những vấn đề yêu cầu quá cao, nhiều nước không với tới, khó đi đến thống nhất, ông chủ Nhà Trắng phải chủ động hạ thấp yêu cầu. Hoa Kỳ đã rùm beng về cuộc chơi này, không kết thúc được đàm phán cũng là điều không tiện với họ.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết qua báo chí vì vấn đề nội bộ của nước Mỹ, Tổng thống Obama đã buộc phải hủy chuyến tham dự APEC 21 vào phút chót. Như vậy là khả năng lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của 12 thành viên TPP góp mặt đầy đủ tại Bali khó thành hiện thực.

Nội dung đàm phán TPP chưa được công bố rộng rãi, nhưng nhìn qua các thỏa thuận mà Hoa Kỳ và một số nước đã cam kết trong các hiệp định mậu dịch tự do FTAS (khác với các cam kết trong FTA ASEAN - Trung Quốc) thì thấy có nhiều cái khó đối với Việt Nam, và nếu TPP còn cao hơn các FTAS đó thì lại càng khó. Những vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, quyền lập hội... nếu chấp nhận đều đòi hỏi Việt Nam phải có bổ sung, điều chỉnh luật pháp.

* Theo ông, trước những yêu cầu khó trong đàm phán TPP như vậy, Việt Nam sẽ như thế nào?

- Nhớ lại khi đàm phán hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, ta chấp nhận ký một BTA được thiết kế trên cơ sở những quy định của WTO, tức là từ bỏ nền kinh tế quan liêu, bao cấp, ta chấp nhận chơi theo luật chơi thế giới, để rồi sau đó ta viết lại, sửa lại hệ thống luật của ta cho phù hợp.

Lúc bấy giờ, đó là điều tưởng như “trời sập”, là điều tưởng như không thể, nhưng ta đã chấp nhận, vì yêu cầu phát triển đất nước đã trở thành ý nguyện của toàn dân tộc, là yêu cầu cao nhất.

Cuộc chơi nào cũng vậy, mọi người phải có lợi thì cuộc chơi mới lâu bền, nhưng anh nào giỏi, anh nào mạnh sẽ được nhiều hơn. Việt Nam phải cố gắng nhiều lắm mới gặt hái được phần nào, theo đàn chị đàn anh để học hỏi cách làm ăn.

Trong các nước đang đàm phán TPP, Việt Nam là nước có nền kinh tế kém nhất. Luật pháp còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện hơn. Việc Việt Nam quyết định tham gia TPP là một quyết định táo bạo, sẽ tạo động lực mới cho đất nước phát triển.

* Bên cạnh TPP, hiện nay Việt Nam còn tham gia đàm phán năm hiệp định thương mại tự do khác như Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc... Khi Việt Nam tham gia TPP nói riêng và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới nói chung, sẽ gặp phải những khó khăn gì?

- Sân chơi TPP nói riêng và sân chơi hội nhập nói chung vẫn là sân chơi kinh tế thị trường. Trên sân chơi đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, anh nào giỏi thì thắng, anh nào kém cỏi thì thua.

Nhưng sân chơi vẫn đòi hỏi những tiêu chí phải có, đó là mở, thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, bởi có những tiêu chí đó thì nền kinh tế mới phát triển lành mạnh và bền vững. Để đạt được những điều đó, Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc, cả trong xây dựng pháp luật, cả trong cách điều hành kinh tế.

Trước hết có lẽ là ta phải dọn cái sân của ta cho sạch. Ở ta có nhiều chuyện khác với thế giới lắm. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ không hiểu đó là cái “sáng tạo” hay là “thành quả” của thời kỳ bao cấp mà ta muốn giữ lại. Ví dụ, trên thế giới, người ta quản lý xã hội, điều hành kinh tế bằng luật. Đã nói pháp luật là tối thượng thì các chủ trương, chính sách muốn đưa vào đời sống phải được cụ thể hóa bằng luật, không có chuyện quản trị xã hội bằng các hình thức văn bản khác ngoài luật. Ta cũng phải quét dọn mạnh hơn nạn tham nhũng, lãng phí, nạn báo cáo láo để lấy thành tích tiến thân... Những tệ nạn đó đang níu chân đất nước trong cuộc đua với thời đại.

* Ông trông đợi gì từ cuộc gặp các nhà lãnh đạo TPP lần này?

- Các cam kết quốc tế là việc thường làm của các quốc gia, nhưng cũng có lúc, có thời điểm, có những cam kết quốc tế có thể tạo ra những sức ép từ ngoài vào cho sự vận động nội tại trong nước theo hướng thành công hay thất bại. BTA thuộc vào loại cam kết quốc tế như thế đã tạo thêm sức ép cho cuộc vận động đổi mới theo hướng đi lên. Hi vọng TPP sẽ theo hướng đó và tôi mong đàm phán TPP kết thúc thành công.

Hôm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên đường tham dự APEC 21

Từ ngày 6 đến 8-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 21 (APEC 21), diễn ra tại Bali (Indonesia). Hội nghị lần này có chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường: Động lực của tăng trưởng toàn cầu”, với chương trình nghị sự ưu tiên bao gồm việc thực hiện các mục tiêu Bogor (được đưa ra tại APEC năm 1994 ở Indonesia nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư), tăng trưởng bền vững gắn với công bằng và tăng cường kết nối.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, năm 2013 đánh dấu đúng 15 năm Việt Nam tham gia APEC với nhiều đóng góp tích cực. Cùng với các hoạt động chính thức tại APEC 21, các hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẽ góp phần cụ thể hóa và triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Indonesia, tăng cường quan hệ song phương của Việt Nam với các thành viên chủ chốt trong APEC.

_____________

Tin bài liên quan:

Doanh nghiệp Mỹ tìm cơ hội qua TPPTham gia hiệp định TPP: Cơ hội tạo thêm nhiều việc làmĐể tận dụng hết các ưu đãi của TPPCó tận dụng được cơ hội từ TPP?Đua giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên