09/09/2013 13:33 GMT+7

Hàng trăm tay súng Hồi giáo tấn công một thành phố Philippines

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Hôm nay 9-9, một nhóm khoảng 100 tay súng Hồi giáo đã mở cuộc tấn công thành phố Zamboanga thuộc miền nam Philippines, khiến toàn bộ đô thị này rơi vào tình trạng tê liệt.

Wg5ptT00.jpgPhóng to
Binh sĩ Philippines tuần tra trong thành phố - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin AFP, các tay súng phong trào ly khai Mặt trận Giải phóng quốc gia Moro (MNLF) dùng thuyền xâm nhập khu vực bờ biển thành phố Zamboanga từ rạng sáng và đụng độ với các binh sĩ Philippines.

Cuộc chiến ly khai của các tổ chức Hồi giáo tại Philippines đã khiến hơn 150.000 người thiệt mạng. Mục tiêu của MNLF là thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Philippines, quốc gia với đa số dân theo đạo Thiên Chúa.

Năm 2001, MNLF cũng đã mở một cuộc tấn công ở Zamboanga khiến hàng chục người thiệt mạng.

Quân đội Philippines cho biết các cuộc đọ súng đã khiến ít nhất một binh sĩ thiệt mạng và sáu người khác bị thương.

Sau đó cuộc đụng độ lan rộng ra các khu vực khác trong thành phố. Phiến quân đã bắt giữ 20 thường dân làm con tin để ép lực lượng chính phủ ngừng nổ súng.

“Mục tiêu chính của MNLF là treo cờ và biểu ngữ độc lập ở tòa thị chính thành phố Zamboanga - AFP dẫn lời thị trưởng Isabelle Climaco-Salazar cho biết - Hiện tại chúng đã bắt giữ 20 người làm con tin”.

Quân đội Philippines cho biết bọn khủng bố sử dụng các con tin làm lá chắn sống để buộc lực lượng an ninh phải rút lui. Vụ tấn công khiến cả thành phố tê liệt. Các cửa hàng đồng loạt đóng cửa, người dân không dám ra đường.

Nhà chức trách đã triển khai các nhóm binh sĩ bảo vệ nhiều mục tiêu trong thành phố như sân bay, các khách sạn, ngân hàng, cơ quan chính phủ…

Ở thời điểm hiện tại, các vụ đọ súng đã ngừng lại.

Chính quyền Philippines đang đàm phán hòa bình với một nhóm ly khai khác là Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF).

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên