Phóng to |
Phóng to |
Ông Abbott và nội các của ông cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề tài chính Úc. Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Sáng 8-9, tân Thủ tướng vừa đắc cử Abbott khởi động một ngày làm việc mới bằng việc đạp xe tại Sydney. Ảnh: SMH |
“Tôi có thể nói với các bạn rằng Chính phủ Úc đã thay đổi. Lần thứ 7 trong 60 năm qua, Chính phủ Úc đã thay đổi. Tôi đang hướng đến một chính phủ hiệu quả, tin cậy để toàn tâm, kiên định thực hiện những cam kết của chúng tôi đối với người dân" - ông Tony Abbott nói. Ông Abbott cam kết chính phủ mới sẽ "không gây bất ngờ hoặc phải xin lỗi" - ý muốn nhắc đến những vụ chia rẽ chính trị trong nội bộ Công đảng những năm gần đây.
CNN cho biết mối quan tâm chính của cử tri Úc là những vấn đề trong nước, như nền kinh tế, giáo dục, cải tiến Internet băng thông rộng, giao thông…
Dưới triều đại Abbott, nước Úc được kỳ vọng sẽ tiết kiệm hàng tỉ đô từ các khoản tiết giảm ngân sách. Một khoản bị cắt giảm chính là 4,5 tỉ AUD (4,1 tỉ USD) kinh phí viện trợ nước ngoài trong vòng 6 năm tới. Khoản tiền này sẽ được chuyển sang đầu tư cơ sở hạ tầng như nâng cấp đường sá, giao thông.
Chính sách trên của ông Abbott ngay lập tức bị các tổ chức chỉ trích. “Chúng ta là một quốc gia mạnh trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế). Tuy nhiên chúng ta đang trên đà trở thành quốc gia kém hào phóng nhất trong chiến dịch giảm đói nghèo toàn cầu” - CNN dẫn lời người đứng đầu UNICEF Úc Norman Gillespie.
Cùng với kế hoạch cắt giảm ngân sách là những chính sách hào phóng để hỗ trợ các nữ cử tri thực hiện thiên chức làm mẹ - dù kế hoạch này bị một số tập đoàn lớn và ngay cả nội bộ phe đối lập phản đối. Ông Abbott cam kết mỗi bà mẹ sẽ được cung cấp đến 75.000 AUD (68.490 USD) cho 6 tháng nghỉ thai sản. Ước tính Úc sẽ chi 5,5 tỉ AUD (5,01 tỉ USD) hằng năm để thực hiện cam kết này.
Vấn đề thuyền chở người tị nạn từ Indonesia luôn là vấn đề chính trị nóng bỏng tại Úc. Từ khi Công đảng chiến thắng hồi cuối năm 2007 thì đã có 45.000 người tị nạn đến Úc. Ông Abbott khẳng định sẽ chấm dứt tình trạng này, và điều động lực lượng hải quân để trao trả thuyền tị nạn về lại hải phận Indonesia. Tuy nhiên chưa có nhiều thông tin cụ thể về triển khai kế hoạch này của ông Abbott.
Ông Abbott cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề tài chính của chính phủ để bảo đảm Úc luôn giữ được xếp hạng tín dụng AAA, đồng thời khẳng định sẽ bảo đảm mức thặng dư ngân sách khoảng 1% GDP trong vòng một thập kỷ, giảm biên chế 12.000 công chức nhà nước nhằm kiểm soát chi tiêu.
Reuters cho biết bản dự báo tình hình ngân sách mới nhất của Úc cho biết ngân sách Úc sẽ đạt được thặng dư nhỏ trước năm 2016, nợ ròng dự báo đạt tối đa vào mức 191,6 tỉ AUD hay 11,4% GDP trong giai đoạn 2014-2015.
Một lời hứa quan trọng khác của ông Abbott chính là hủy bỏ 30% thuế lợi tức áp đặt lên các tập đoàn khai thác than đá và quặng sắt lớn. Chính sách này do cựu thủ tướng Julia Gillard đề ra và có hiệu lực từ tháng 7-2012 sau nhiều cuộc đàm phán với những tập đoàn khai thác toàn cầu như Rio Tinto, BHP Billiont và Xstrata...
Kể từ ngày 1-7-2015, ông Abbott hứa sẽ giảm thuế doanh nghiệp 1,5 điểm cơ bản còn 28,5%. Úc sẽ tốn 5 tỉ AUD từ khoản giảm thuế này trong hai năm đầu.
Ông Abbott cũng cam kết bãi bỏ thuế carbon (hiện đang thu ở mức 24,15 AUD/tấn khí thải carbon), và đến trước năm 2020 phải giảm được lượng khí thải carbon đi 5% từ mức của năm 2000.
Về đối ngoại, Reuters cho rằng chiến thắng của ông Abbott sẽ không gây ra xáo trộn lớn trong chính sách đối ngoại. Liên minh Quốc gia - Dân chủ ủng hộ mối quan hệ liên minh quân sự truyền thống với Mỹ cũng như kế hoạch triển khai luân phiên binh sĩ Mỹ đến miền bắc Úc. Phe đối lập cũng muốn mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc (mà Úc đang là đối tác thương mại hàng đầu).
Mặc dù quốc tế đang nóng bỏng vì tình hình Syria, ông Abbott từng bày tỏ với cương vị tân thủ tướng Úc, ông sẽ luôn thận trọng trước những khả năng liên quan đến các cuộc xung đột nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận