Phóng to |
Cùng trong khu vực ASEAN nhưng người Thái luôn tỏ ra nhanh nhạy và có tầm nhìn toàn cục. Tại liên hoan du lịch tổ chức ở Bangkok vào đầu tháng 6 vừa qua, người Thái đã đặt tầm nhìn các vấn đề đến năm 2015-2020 - Ảnh: THANH LIÊM |
Kế hoạch “kinh tế biển” của Thái Lan chủ yếu như sau: 1/ Củng cố quản lý chất lượng ở tất cả khâu sản xuất sao cho phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu nhằm giúp hải sản xuất khẩu của Thái Lan có thể cạnh tranh; 2/ Khai thác vị trí địa lý độc đáo của Thái Lan là nằm ở điểm giao của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nên có các nguồn hải sản đa dạng hơn; 3/ Thỏa hiệp với các nước thành viên ASEAN, nếu cần sẽ liên doanh đánh bắt cá sao cho vừa bảo tồn môi trường biển, vừa duy trì sản xuất hải sản một cách bền vững, không đánh cá đến cạn kiệt tài nguyên biển; 4/ Quảng bá hải sản của Thái Lan rộng rãi hơn nữa ra thế giới.
Một kế hoạch kinh tế biển cấp quốc gia như vậy sao lại “nhẹ tưng”, chẳng thấy chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng như ở nơi khác? Thật trái ngược với bầu không khí háo hức cuối tuần trước ở một tỉnh ven biển một nước láng giềng trong lễ khởi công thêm một khu công nghiệp và một cảng quốc tế nữa! Không rõ có phải vì mức vốn đăng ký của riêng dự án này (1,6 tỉ USD) còn lớn hơn tổng vốn đăng ký trong mười năm qua (chỉ 1,5 tỉ USD), mà tổng vốn đầu tư thật sự mới chỉ được hơn phân nửa tổng vốn hứa hẹn một chút (783 triệu USD). Dự án “cảng quốc tế và khu công nghiệp trong mơ” mới động thổ này sẽ tiếp nối mộng mơ (ít nhất cũng là) của hai “cảng trung chuyển quốc tế” cách đó không xa về phía nam nay đã biến thành “người thiên cổ”!
Người Thái, do đã đi trước trên con đường kinh tế thị trường chính cống và nay đã trở thành một nước công nghiệp mới (NIC), tuy chưa đến mức “nước phát triển” song cũng đã qua giai đoạn “cất cánh kinh tế” khá lâu rồi, lại nhờ có một nền học thuật vừa “thật” vừa “mở” không bị đóng khung bởi bất cứ gì, nên từ lâu đã phân biệt được đâu là những giá trị chỉ có thời hạn nhất định (hạ tầng cứng), đâu là những giá trị bền vững lâu dài (đào tạo, nhân lực...).
Chính vì thế mà riêng trong lĩnh vực nghề cá, người Thái hiện đã có sẵn cả một loạt đại học có chuyên ngành “kinh tế biển”. Đại học Kasetsart chuyên về khoa học biển, nuôi trồng thủy sản, sinh học, di truyền học, công nghệ thực phẩm và quản lý nghề cá. Đại học Chulalongkorn chuyên nghiên cứu khoa học biển, nuôi trồng thủy sản, sinh học và môi trường biển. Các đại học Songkla, Maejo, Burapa và Rachamongkol cùng chuyên nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và sinh học. Riêng Đại học Walailuk chuyên nghiên cứu quản lý vùng ven biển.
Từ một nền học thuật chuyên ngành nghề cá và biển như thế, không lấy làm lạ tại sao trong kế hoạch biến Thái Lan trở thành trung tâm hải sản của ASEAN vào năm 2015, có định hướng thỏa hiệp với các nước thành viên ASEAN sao cho vừa bảo tồn môi trường biển, vừa duy trì sản xuất hải sản một cách bền vững, không đánh cá đến cạn kiệt tài nguyên biển! Còn việc quảng bá hải sản rộng rãi hơn nữa ra thế giới thì chính là “nghề của chàng” như đã và đang thấy hiệu quả trong lĩnh vực du lịch, hàng không dân dụng, và cả trong kinh nghiệm “nuoc mam Phu Quoc” (made in Thailand) bán trên thị trường Âu - Mỹ!
Thiên hạ làm kinh tế biển, cơ bản xây dựng nhân lực trước. Người Thái chọn hướng nghề cá với tham vọng làm “chợ cá đầu mối” của ASEAN. Người Philippines hiện đang làm chủ thị trường nhân lực tàu viễn duyên thế giới với hơn 250.000 con người đang trên các con tàu khắp năm châu bốn bể, với 76 trường đào tạo cử nhân khoa học vận tải hàng hải (BSMT) và kỹ sư hàng hải (BSMARE).
Tiến đến “Chợ cá ASEAN 2015”, nay tiếp tục rao bán “xôn” lô cảng biển khỏi phải qua eo biển Malacca để ghé Singapore dễ bị hải tặc, không rõ có đắt hàng không!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận