Phóng to |
Hiện trường một vụ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ - Ảnh: The Hindu |
Sau tai nạn đường sắt mới nhất làm 37 người chết tại bang Bihar (Ấn Độ) hôm qua 19-8, tờ Mail Online (Anh) đã lật lại các thống kê của Ủy ban Đường sắt Ấn Độ và phát hiện con số kinh hoàng này.
Mail Online bình luận đường ray tàu hỏa đã trở thành một trong những “kẻ giết người” lớn nhất ở Ấn Độ. Đồng thời cơ quan truyền thông này còn dẫn lời bộ trưởng đường sắt Ấn Độ nói rõ những cái chết này không phải do xe lửa bị tai nạn, mà do “những người này đã cố băng qua đường ray hoặc lảng vảng xung quanh khu vực này khi xe lửa đến”. |
Theo các thống kê về an toàn đường sắt của Ủy ban Đường sắt, gần 14.376 người đã mất mạng ngay trên đường ray vào năm 2009. Con số này giảm xuống còn 12.894 người trong năm 2010 và vọt lên lại 14.611 người vào năm 2011. Trong khi đó, trong vòng sáu tháng đầu năm 2012, số người chết vì đường sắt là 8.412 người, cũng theo ủy ban này.
Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của ủy ban nói với Mail Online con số tổng cộng từ năm 2009 đến tháng 6-2013 có thể lên đến 60.000 người thiệt mạng vì đường sắt. “Đó là khi chúng ta tính cả số người chết trong các tai nạn như xe lửa bị trật đường ray, phát nổ hay bốc cháy” - vị này giải thích.
Bang Maharashtra là nơi có nhiều tai nạn đường sắt nhất, với hơn 10.000 người tử vong từ năm 2009 đến hết tháng 6-2012. Xếp sau là hai bang Tamil Nadu và Tây Bengal, cùng có gần 6.000 người chết vì bị tàu hỏa tông trong cùng thời gian.
Những người thiệt mạng vì đường sắt một phần cũng do lỗi của chính họ. Thống kê cho thấy nhiều trường hợp mất mạng khi băng qua đường ray vì không nghe tiếng còi tàu đang đến, do tai đang bận đeo headphone hoặc nghe điện thoại.
Tuy nhiên, một lãnh đạo đường sắt giấu tên cho biết chính ngành đường sắt cũng phải chịu trách nhiệm. “Ở nhiều vùng hẻo lánh, chúng ta đang thiếu lực lượng người trực ở các đường ray để ngăn không cho dân chúng băng qua đường tàu” -vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận