Phóng to |
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (bìa phải) trên boong tàu USS Freedom của Mỹ trong lần ghé tại căn cứ hải quân Changi của Singapore ngày 27-7. Mỹ đang cố gắng chứng tỏ hành động chuyển trục sang châu Á - Ảnh: Reuters |
Dù phía Mỹ nói chuyến thăm là để duy trì “đà tiến rất tích cực” trong quan hệ quân sự, giới phân tích lại nói cả hai thiếu niềm tin để giải quyết những khác biệt cơ bản. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, đại tá Steve Warren, hôm 16-8 nói hai lãnh đạo quốc phòng sẽ trao đổi một loạt vấn đề, từ quan hệ song phương đến hợp tác quân sự. Trước cuộc gặp với ông Hagel ở Lầu Năm Góc, ông Thường đã gặp đô đốc Samuel Locklear - tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và tướng Charles Jacoby - tư lệnh phòng không khu vực Bắc Mỹ.
Chuyến thăm của ông Thường là chuyến chào sân đầu tiên ở Mỹ kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 3. Trước thềm chuyến đi, Tân Hoa xã nói chuyến đi là hoạt động trao đổi quân sự “bình thường” giữa Bắc Kinh và Washington hơn là để giải quyết vấn đề cụ thể gì. Bà Triệu Vị Tân, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học quân sự, cho rằng mục đích quan trọng của chuyến đi là để giải thích khái niệm và nội hàm của “quan hệ quân sự mới” giữa hai nước (trên cơ sở “quan hệ cường quốc mới” mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama đề ra hồi tháng 6 năm nay).
“Trung Quốc và Mỹ cần bỏ tâm lý chiến tranh lạnh, coi nhau là mối đe dọa, để xây dựng niềm tin thông qua hợp tác” - bà Triệu phân tích. Theo bà thì phía Trung Quốc đã đề xuất một loạt ý tưởng hợp tác từ chống khủng bố, gìn giữ hòa bình cho đến các kế hoạch cứu trợ thảm họa.
Tại đối thoại chiến lược và kinh tế hồi tháng 7, cả hai phía đều đồng ý sẽ “tăng cường quan hệ quân sự và nỗ lực nâng quan hệ lên tầm cao mới” dù chi tiết cụ thể thì không nhiều. Ông Hứa Kỳ Dư, nhà nghiên cứu tại ĐH Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng sự khác biệt quân sự giữa Mỹ - Trung sẽ không thể giải quyết ngay được mà nên “kiểm soát khác biệt” thông qua các cơ chế hiện có.
Hiện Trung Quốc đã nhận lời mời của Mỹ tham dự cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương - cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới - vào năm tới. Đô đốc hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi sẽ tiến hành chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 này trong khi ông Hagel cũng có kế hoạch thăm Bắc Kinh vào năm tới.
“Phía Mỹ sẽ thúc Trung Quốc phải cởi mở hơn về tham vọng chiến lược của mình” - TS Alexander Neil, nghiên cứu sinh cao cấp ở Viện Nghiên cứu chiến lược IISS, nói với tờ South China Morning Post. Theo ông Neil, nếu trước kia vấn đề Đài Loan thường là tâm điểm căng thẳng hai bên thì giờ chỉ là vấn đề nhỏ trong cục diện chung lớn hơn, từ chuyện Mỹ chuyển trục sang châu Á cho đến vấn đề ở biển Đông và Hoa Đông.
Khi quân đội Nhật hôm 6-8 công bố rầm rộ chiến thuyền Izumo, lớn nhất của họ kể từ Thế chiến thứ II, giới phân tích cho rằng Tokyo đã nhận được đèn xanh từ Washington cho việc mở rộng quân sự của mình. Dù Tokyo nói tàu Izumo, được đặt tên theo chiến thuyền nổi tiếng của Nhật trong chiến tranh Nga - Nhật đầu thế kỷ 20, chỉ là tàu phóng máy bay trực thăng (hiến pháp hiện tại không cho phép Nhật phát triển tàu sân bay), giới phân tích đều nói chiến thuyền dài 250m và có giá 1,2 tỉ USD này có thể cải tiến thành tàu sân bay một cách dễ dàng.
Theo AP, cuộc gặp giữa hai bên sẽ vẫn là những căng thẳng quen thuộc từ chuyện hệ thống phòng thủ tên lửa, tấn công trên mạng và các vấn đề khác. Nhưng tựu trung, cuộc gặp sẽ “kết thúc bằng những phát biểu về thiện chí và cam kết hợp tác trước công chúng.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận