New Delhi Television dẫn các nguồn tin chính phủ cho hay mọi hệ thống của lò phản ứng trên chiếc tàu INS Arihant đều hoạt động, đồng nghĩa với việc chiếc tàu có thể đảm bảo sản xuất được năng lượng khi hoạt động trên biển. “Chúng tôi đang tăng tốc để thử nghiệm Arihant trên biển” - lãnh đạo Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ V.K. Saraswat cho biết. Dự kiến Arihant sẽ được thả xuống bờ biển phía đông của Ấn Độ.
Tàu Arihant, có nghĩa “Hủy diệt kẻ thù”, dài khoảng 111m, rộng 11m và cao 15m, dùng năng lượng từ lò hạt nhân nước nhẹ sử dụng uranium được làm giàu và có khả năng chở 12 tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân K-15. Con tàu, được New Delhi công bố năm 2009 như là một phần của dự án chế tạo năm tàu hạt nhân, dự kiến chính thức hoạt động trong vòng hai năm tới. Đến nay, chỉ năm quốc gia trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Manmohan Singh ca ngợi sự kiện khởi động lò phản ứng hạt nhân trên tàu Arihant là một “bước tiến vĩ đại” cho khả năng chế tạo công nghệ quốc gia. Việc sở hữu tàu ngầm sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của New Delhi, bởi trước đó nước này đã có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ mặt đất và không trung. Tuy nhiên ông Singh cho biết việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân không nhằm gây hấn với ai mà chỉ để bảo vệ đất nước và bắt kịp công nghệ thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận