Mỹ gây sức ép buộc Nga dẫn độ SnowdenNga, Trung Quốc không bắt Snowden, Tổng thống Obama thêm muối mặtVì sao nước Mỹ mất mặt vì vụ Snowden?
Phóng to |
Ngày 4-7, người Đức biểu tình ở Berlin ủng hộ cho Snowden được tị nạn chính trị - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters ngày 4-7, ông Sergei Ryabkov - thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Nga đã không nhận được đơn xin tị nạn chính trị từ phía Snowden và cho rằng cựu nhân viên tình báo Mỹ nên nhanh chóng giải quyết vấn đề bản thân sau 11 ngày “tá túc” tại khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo. “Ông ấy cần phải chọn một nơi để đi” - ông Ryabkov cho biết.
Chính quyền Matxcơva cũng thẳng thắn thừa nhận Snowden là một hành khách ngày càng không được chào đón ở nước này, bởi sự hiện diện càng lâu của ông trên đất Nga càng làm mối quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ tệ hơn.
Sự lựa chọn của Snowden đang trở nên hẹp hơn do ngày càng nhiều chính phủ trong 21 quốc gia ông gửi đơn xin tị nạn chính trị chính thức tuyên bố chối từ. Theo AFP, ngày 4-7 đến lượt Pháp và Ý đồng loạt từ chối đơn xin tị nạn chính trị của Snowden. “Giống như nhiều quốc gia khác, Pháp đã nhận được yêu cầu tị nạn chính trị từ ông Edward Snowden qua đại sứ quán tại Matxcơva. Qua những phân tích pháp lý và tình hình các bên liên quan, Pháp sẽ không đồng ý” - Bộ Nội vụ Pháp tuyên bố. Tuy vậy, ở rải rác nhiều quốc gia lại có những nhóm biểu tình ủng hộ cho quyền được tị nạn của Snowden.
Tại Mỹ, ngay trong ngày quốc khánh 4-7, Liên đoàn Bảo vệ Internet (IDL) với mạng lưới hơn 30.000 trang web và người dùng Internet trên toàn cầu đã phát động cuộc biểu tình chống lại chương trình nghe lén PRISM của Chính phủ Mỹ nhằm giành lại quyền tự do Internet.
Như Reuters đưa tin, người phát ngôn IDL Evan Greer cho biết gần 13.500 người dùng Twitter đã tham gia sự kiện gọi là “tiếng sấm nổ” khi đồng loạt gửi những tin nhắn có nội dung tương tự cùng lúc cho hơn 9 triệu người theo dõi (follower) của họ.
Tại nhiều thành phố khắp nước Mỹ, các trang mạng như Mozilla (trang chủ của Firefox), Reddit hay Boing Boing cũng lên tiếng ủng hộ chiến dịch “Phục hồi Tu chánh án thứ tư” - tài liệu thứ tư nhằm sửa đổi/bổ sung trong hiến pháp Mỹ. Tu chánh án thứ tư có hiệu lực năm 1791 nhằm bảo vệ công dân chống lại việc tìm kiếm thông tin và bắt giữ bất hợp pháp.
Trang chủ Boing Boing đã gửi đi thông điệp phản đối chương trình PRISM tới Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA): “Chúc mừng ngày 4-7! Hãy dừng ngay lập tức chương trình do thám trái hiến pháp của các người đối với người dùng Internet trên toàn thế giới”.
Khoảng giữa trưa 4-7, theo ghi nhận từ Reuters, khoảng 400 người đã tụ tập tại TP New York và Washington D.C để tham gia cuộc biểu tình này trên đường phố. Những người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình ước tính có 10.000 người đã tham gia trên khắp nước Mỹ.
Một PRISM của Pháp
Trong một diễn biến khác tại Pháp, tờ Le Monde ngày 4-7 vừa tố cáo Cục Tình báo DGSE của Pháp đã can thiệp vào dữ liệu máy tính và điện thoại trên quy mô lớn tương tự chương trình PRISM của Chính phủ Mỹ, nhưng chỉ nhằm vào công dân Pháp.
Chương trình này hoàn toàn “ngoài vòng pháp luật và vượt quá giới hạn của việc giám sát đúng đắn”, Le Monde tố cáo. Theo tờ báo uy tín này, dữ liệu được lưu trữ trong một siêu máy tính tại trụ sở của DGSE. Bên cạnh đó các cơ quan tình báo khác tại Pháp cũng bị cáo buộc có liên quan đến việc truy cập các thông tin và dữ liệu mật.
DGSE đã phân tích “siêu dữ liệu” tuy không phải là nội dung thư điện tử hay thông tin liên lạc khác nhưng sẽ cho biết người dùng đang nói chuyện với ai, ở đâu và khi nào. Các cuộc liên lạc bên trong Pháp và giữa Pháp với các quốc gia khác đều bị giám sát chặt chẽ.
Theo các chuyên gia, chương trình này được thiết kế để phát hiện và theo dõi các phần tử khủng bố. Tuy nhiên quy mô của chương trình cũng có nghĩa là “bất kỳ ai cũng có thể bị theo dõi mọi lúc mọi nơi”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu chương trình giám sát này của Chính phủ Pháp có đi xa như PRISM của Mỹ hay không, khi các quan chức Pháp vẫn im hơi lặng tiếng trước cáo buộc của Le Monde. Trước đó, khi “người thổi còi” Snowden hé lộ bức màn bí mật về chương trình nghe lén của Chính phủ Mỹ, Pháp là một trong số những quốc gia châu Âu mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận