29/05/2013 07:15 GMT+7

Đồng nghiệp bất ngờ về Michael Sestak

T.TUẤN
T.TUẤN

TT - Có lẽ khi Michael Sestak, một lính dự bị hải quân của Mỹ, tới làm việc tại tòa Tổng lãnh sự quán (TLSQ) Mỹ ở số 4 Lê Duẩn, TP.HCM vào tháng 8-2010, không ai nghĩ ông ta sẽ trở thành ông trùm của đường dây mua bán visa chấn động đến như vậy.

Người Việt hối lộ hàng triệu USD để xin visa đi Mỹ?Bắt viên chức ngoại giao Mỹ tại TP.HCM "bán" visaVạch trần vụ bán visa qua Mỹ ở TP.HCM

Yx4Mwn7v.jpgPhóng to
Michael Sestak, 42 tuổi, phụ trách cấp visa không di dân của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM - Ảnh: HUỲNH HUYỀN VI

Xét theo số tiền gần 4 triệu USD mà Sestak thu về được trong vòng vài tháng, quy mô vụ này tương đương vụ bê bối của Thomas Carroll, một cán bộ lãnh sự khác của Mỹ ở Guyana, đầu những năm 2000. Vụ việc của Carroll khi đó được coi là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử cấp visa của Mỹ.

Xuất thân từ lực lượng hải quân - là lực lượng tinh nhuệ được đào tạo vào hàng khắc nghiệt nhất của quân đội Mỹ, Sestak được đồng nghiệp ở TLSQ miêu tả là người tận tụy và hết sức chuyên nghiệp trong công việc. Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, tất cả họ đều bày tỏ bất ngờ khi nghe thông tin Sestak là người thực hiện những phi vụ bán visa với giá ngất trời và kiếm hàng triệu USD chỉ sau vài tháng.

Ở tòa TLSQ tại TP.HCM, từ cuối tuần trước, việc phong tỏa thông tin đã được ban bố và không cho nhân viên mình được tiếp xúc hay trả lời báo chí.

Ở TLSQ Mỹ, bộ phận lãnh sự gồm ba nhánh: visa di dân, visa không di dân (NIV) và các dịch vụ cho công dân Mỹ. Sestak là người đứng đầu bộ phận visa không di dân. Dưới quyền Sestak có bốn nhân viên lãnh sự người Mỹ và một số nhân viên người Việt.

Các nguồn tin từng làm việc tại TLSQ Mỹ ở TP.HCM nói bộ phận visa, cả di dân và không di dân, là bộ phận vô cùng phức tạp. Ngay nhân viên người Việt ở bộ phận này cũng nhiều lần bị phát hiện “dính chàm” trong quá khứ. “Chuyện nhân viên người Việt bị đuổi ở đây là thường xuyên. Có những lần cả loạt nhân viên bị đuổi một lúc vì liên quan tới chuyện visa” - một nguồn nói. Với cán bộ người Mỹ nếu có vấn đề, việc thay thế thường diễn ra trong im lặng, thông tin hầu như không bao giờ được lộ ra.

Vào thời điểm Sestak rời đi vào tháng 9-2012 để trở về tái ngũ trong hải quân, có ít nhất tám nhân viên ở bộ phận visa di dân cùng bị đình chỉ công việc. Sau khi cuộc điều tra tiến hành trong vài tháng, có năm nhân viên được chấp thuận cho đi làm trở lại, ba người còn lại bị đuổi việc.

Ông Sestak nói về... “trung thực”!

Trưa 26-4-2012, tại Trung tâm EducationUSA thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM đã diễn ra buổi giới thiệu về thủ tục xin visa du học Mỹ do ông Michael Sestak chủ trì.

Trong buổi đó, ông đã giải thích cho các ứng viên du học sinh lẫn các bậc phụ huynh lưu tâm như sau: “Khi phỏng vấn, chúng tôi không mong chờ câu trả lời hoàn hảo mà trông chờ vào sự thành thật của bạn. Mặc dù hồi hộp bạn cũng phải thư giãn để đưa ra câu trả lời trung thực”.

Ông nhắc rất nhiều về tính trung thực cũng như khả năng phát hiện sai sót từ hồ sơ của bộ phận lãnh sự Mỹ.

Ông nói: “Ứng viên hãy thành thật về hoàn cảnh gia đình của mình và giải thích thật rõ ràng cho viên chức phỏng vấn kế hoạch công việc sau khi hoàn thành khóa học ở Mỹ. [...] Chúng tôi sẽ không cấp visa nếu nghĩ rằng bạn xin visa chỉ để đoàn tụ với gia đình tại Mỹ. Chúng tôi đủ khả năng để phát hiện mục đích chủ yếu của bạn khi đến Mỹ không phải để học tập, mà chỉ muốn cư trú vô thời hạn hoặc tìm việc làm bất hợp pháp tại Mỹ. Do đó khi xin visa, bạn đều phải khai báo thân nhân của mình tại Mỹ. Chúng tôi cho rằng việc có thân nhân sinh sống ở Mỹ là điều bình thường, nên việc bạn ở cùng với thân nhân cũng có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, bạn nên khai báo trung thực về hoàn cảnh gia đình mình”.

N.Q.

T.TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên