Phóng to |
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến công du ASEAN - Ảnh: Reuters |
Quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á đang rất phức tạp. Các tranh chấp biển đảo trong khu vực đang tạo nên bối cảnh chính trị tiêu cực cho quan hệ Trung Quốc - ASEAN, trì hoãn triển khai nhiều nội dung của “ngoại giao xung quanh” được Đại hội 18 xếp vào loại ưu tiên cao thứ hai về đối ngoại sau ngoại giao nước lớn.
Chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị nhằm thực hiện sáng kiến “hai mũi giáp công” và một nhiệm vụ cổ điển của chính sách láng giềng phương Nam.
Thứ nhất, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh cuộc tranh chấp nhằm kiểm soát biển Đông. Bắc Kinh tiến hành tập trận, thử các thiết bị quân sự, đàn áp tàu cá của các nước láng giềng. Đồng thời, Bắc Kinh nâng cấp căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, gia cố cứ điểm đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, tăng cường khai thác biển Đông qua các chuyến du lịch, đánh bắt thủy sản, thăm dò khai thác dầu khí...
Chính sách biển Đông đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biển của một Trung Quốc đang có tham vọng thoát khỏi truyền thống một quốc gia lục địa để trở thành cường quốc biển. Bắc Kinh muốn từ khống chế biển gần chuyển qua bành trướng xuống biển Đông Nam Á để làm căn cứ tiến ra các đại dương.
Khi lãnh đạo Trung Quốc quyết không “cài số lùi” trong tranh chấp biển đảo, thì ngoại giao phải hợp lý chuyển hướng tranh chấp sang bình diện mới. Vậy nên, đến thủ đô nước nào ngoại trưởng Trung Quốc cũng phô giọng điệu mềm dẻo: “Sẵn sàng cùng ASEAN nâng cấp đối tác chiến lược”, “Thương lượng giải pháp cho vấn đề biển Đông”, “Thực hiện DOC, tiến tới đàm phán COC”...
Mặt khác, ông Vương Nghị không quên cài vào đó điều kiện ASEAN phải “loại bỏ phiền nhiễu” cho Trung Quốc. Điều mà ngoại giao không tiện nói thì tờ Nhật Báo Trung Quốc đã nói toạc ra là ASEAN phải kiềm chế các thành viên, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, trong đó có việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế về Luật biển.
Như vậy, trong khi lấn át và bắt nạt các nước láng giềng giáp biển nhỏ và yếu hơn mình, Trung Quốc bắt đầu triển khai “ngoại giao đổ lỗi”. Bắc Kinh đang và sẽ gây áp lực ở hậu trường đối với các thành viên ASEAN để họ vận động Philippines tự rút đơn kiện, đổi lại là các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) sẽ được nối lại. Trước sức ép tăng lên từ phía ASEAN và cộng đồng quốc tế về ký kết COC, ngoại giao Trung Quốc dùng các chiêu mới này để tiếp tục câu giờ, trì hoãn COC.
Thứ hai, Trung Quốc phải nỗ lực xây dựng môi trường chính trị và thể chế đáp ứng sự phát triển song hành một đường đua mới tại Đông Nam Á. Nó đòi hỏi Bắc Kinh vận dụng mọi nỗ lực thúc đẩy các dự án hội nhập kinh tế với ASEAN, hỗ trợ cơ chế và thể chế đối thoại nơi Trung Quốc có ưu thế.
Bên cạnh những công cụ chính trị và kinh tế, Chính phủ Trung Quốc có cơ hội sử dụng ảnh hưởng của cộng đồng Hoa kiều. Cộng đồng người Hoa ở các nước ASEAN lên đến 25 triệu người. Trung Quốc cũng sẽ tìm cách thúc ép, lôi kéo Mỹ hợp tác trong các lợi ích chiến lược cơ bản, trong đó có vấn đề kinh tế và kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, để đổi lấy việc Mỹ giảm bớt vai trò quân sự trong việc tái cân bằng lực lượng ở biển Đông.
Ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ tập trung hợp tác với ASEAN trước hết trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, tăng cường hợp tác hàng hải và các nỗ lực hướng tới Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đó là những cơ chế Trung Quốc có ảnh hưởng chủ đạo, nhưng không có Mỹ.
Thứ ba, Bắc Kinh nêu khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa”, chấn hưng văn minh đại Trung Hoa. Điều này tất yếu đòi hỏi xây dựng “trật tự Trung Hoa”, gắn với hệ thống các nước chư hầu, các thể chế khu vực và quốc tế quy thuộc và thần phục Trung Quốc hoặc chịu ảnh hưởng Trung Quốc. Ý đồ này được thể hiện rất rõ tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 4 vừa qua.
Ngoại giao Trung Quốc giai đoạn mới triển khai nhiệm vụ ấy trong quan hệ với các nước láng giềng xung quanh. Với ASEAN, Bắc Kinh sẽ tiếp tục các biện pháp quen thuộc phân hóa hàng ngũ đối phương, phá vỡ đoàn kết ASEAN trong vấn đề biển Đông, mua chuộc những nước thần phục, gây sức ép tối đa lên các nước mà họ xem là đối thủ cứng đầu.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói về “ba kiên trì” trong chính sách của Bắc Kinh trong quan hệ với ASEAN. Đó là kiên trì lấy tăng cường hợp tác láng giềng hữu nghị với ASEAN làm phương hướng ưu tiên, kiên trì làm sâu sắc hóa quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị và hợp tác cùng có lợi để xử lý những bất đồng.
Cách thức nêu vấn đề mềm mỏng hơn, nhưng bản chất vẫn là tiếp tục chủ trương “lục hoãn hải khẩu” (hòa hoãn trên đất liền, tranh chấp ngoài biển). Bởi chính sách của giới quân sự mới thật sự là thế lực chi phối ngoại giao Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận