04/05/2013 09:56 GMT+7

Bắc Kinh muốn khởi động đàm phán COC?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Tại Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngỏ ý Bắc Kinh muốn khởi động đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với ASEAN. Nhưng liệu có thể tin vào sự cam kết này khi Trung Quốc cứ nói kiểu nước đôi?

wRV5fLTS.jpgPhóng to
Hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) đã đến Singapore và hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - Ảnh: AFP

Theo báo Jakarta Post, tại cuộc họp báo ngày 2-5 ở Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết ông và ông Vương Nghị đã đi đến thỏa thuận là sẽ thúc đẩy đàm phán COC. “Một trong những ý tưởng mà chúng tôi đưa ra là nhóm công tác ASEAN - Trung Quốc về Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) sẽ bắt đầu thảo luận về COC ở cấp vụ trong tương lai gần” - Ngoại trưởng Natalegawa cho biết. Hai ông cũng đã đi đến thỏa thuận sẽ thành lập Nhóm các nhân vật kiệt xuất (EPG) để đưa ra các khuyến nghị về COC cho nhóm công tác ASEAN - Trung Quốc. Ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc luôn cởi mở với việc đàm phán về COC. Trung Quốc sẽ duy trì an ninh trên biển Đông, thực hiện DOC và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.

Nói kiểu nước đôi

Thế nhưng, ông lại lập tức nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền của mình tại quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Bắc Kinh sẽ bám chặt nguyên tắc đó”. Điều này có nghĩa là Trung Quốc quyết tâm chiếm chủ quyền biển đảo của nước khác và chỉ “đàm phán” để buộc các nước láng giềng phải chấp nhận yêu sách vô lý và bất hợp pháp này.

Khi vừa cam kết sẽ đàm phán về COC, ông Vương lại thản nhiên tuyên bố Trung Quốc sẽ chỉ thảo luận COC vào “thời điểm chín muồi” (điều này có nghĩa là không biết bao giờ) và đưa ra điều kiện tiên quyết là các quốc gia Đông Nam Á phải “tạo dựng niềm tin bằng cách tuân thủ DOC”. Chỉ khi đó Bắc Kinh mới xem xét đàm phán. Điều này có khác gì nói rằng thời gian qua các nước Đông Nam Á, chứ không phải Trung Quốc, đã không tôn trọng DOC, khiến căng thẳng trên biển Đông leo thang, gây mất niềm tin. Ông Vương Nghị còn nhắc nhở các nước ASEAN cần “cảnh giác” với một số nước “muốn gây rối trong khu vực vì lợi ích riêng”. Ai cũng hiểu ông Vương đang muốn chĩa mũi dùi vào Mỹ và chính sách xoay trục và tái cân bằng ở châu Á của Washington.

Thời gian qua dư luận và truyền thông cả thế giới đều thấy rõ chính các động thái gây hấn của Bắc Kinh trên biển Đông, như cắt cáp tàu Việt Nam, xua tàu tuần tra và tàu cá xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước khác, phát hành hộ chiếu in bản đồ đường lưỡi bò, công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia năm năm lần thứ 12”... mới thật sự là hành vi thôn tính, gây căng thẳng và bất ổn cho an ninh khu vực. Chỉ riêng Tân Hoa xã và Nhân Dân Nhật Báo là tự nhận: “Trung Quốc là thế lực duy trì hòa bình, ổn định tại Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông)”.

“Mỹ cần hỗ trợ để đảm bảo biển Đông yên bình”

Hôm qua 3-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã đến Singapore, điểm dừng chân thứ ba trong chuyến du thuyết ASEAN kéo dài sáu ngày. Tại đây, ông Vương Nghị đã hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ngoại trưởng K. Shanmugam. Theo Hãng tin Channel News Asia, Bộ Ngoại giao Singapore thông báo trong cuộc gặp, Thủ tướng Lý Hiển Long đã kêu gọi Trung Quốc và ASEAN đàm phán để sớm đạt được thỏa thuận về COC. Đêm qua, ông Vương Nghị đã rời Singapore để đến Brunei.

Trên tạp chí The Diplomat, hai học giả Patrick Cronin và Alexander Sullivan thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng các biện pháp ngoại giao sẽ không ngăn chặn được căng thẳng trên biển Đông leo thang. Nguyên nhân là do Trung Quốc sẽ không ngừng xua tàu hải giám, tàu cá, tàu du lịch... tới xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng trên biển Đông.

Hai chuyên gia Cronin và Sullivan cho rằng vụ Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough trong EEZ của Philippines hay vụ tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam gần đây cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng dùng chiến thuật “lấy thịt đè người” đối với các nước láng giềng để chiếm chủ quyền trên biển Đông. Do đó, biển Đông là khu vực có nguy cơ xung đột lớn nhất trong vòng 10 năm tới. Hai học giả khuyến nghị Mỹ cần có những hành động cụ thể để đảm bảo an ninh trên biển Đông và Washington cần hỗ trợ các nước đồng minh khu vực như Philippines tăng cường sức mạnh hải quân và cảnh sát biển, phê chuẩn Công ước luật biển quốc tế (UNCLOS), vận động ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán COC, tăng cường quan hệ với Indonesia...

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên