Phóng to |
Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự khi tới Matxcơva hôm 28-4 - Ảnh: AFP |
Khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở điện Kremlin hôm 29-4, ông là nhà lãnh đạo cao nhất đầu tiên trong Chính phủ Nhật thăm nước Nga sau gần 10 năm.
Trong mười năm đó, Nhật đã bảy lần thay đổi thủ tướng nhưng không nhà lãnh đạo nào tới thăm Kremlin do căng thẳng hai nước quanh quần đảo Kuril. Chuyến thăm của ông Abe, vì vậy, được coi là bước ngoặt trong quan hệ khi kinh tế, thương mại được đặt lên trên xung đột để nhường đường cho hợp tác.
Trong cuộc hội đàm với ông Putin ngày 29-4, năng lượng, thương mại và đầu tư là những nội dung chủ chốt. Theo Bloomberg, ở châu Á, Nhật là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga (sau Trung Quốc) với giá trị thương mại đạt 32 tỉ USD trong năm ngoái.
Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới, sau gần hai thập kỷ “bị đánh mất” đang tăng tốc trong cuộc chạy đua với Trung Quốc để được tiếp cận nguồn tài nguyên dồi dào của Nga ở vùng Viễn Đông. Đi cùng ông Abe lần này là khoảng 120 lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật. Phó chánh văn phòng nội các Nhật Hiroshige Seko nói khoảng 20 biên bản ghi nhớ giữa các công ty hai bên sẽ được ký kết trong khi ông Abe tuyên bố quan hệ với Nga là một trong những “tiềm năng tốt nhất” của Nhật để phát triển.
Yếu tố Trung Quốc cũng được giới quan sát nhắc đến như là nguyên nhân quan trọng của sự “tan băng” trong quan hệ Nga - Nhật. Ông Fyodor Lukyanov, tổng biên tập tờ Nước Nga Trong Quan Hệ Toàn Cầu, bình luận: “Cả hai nước đều cố gắng cân bằng với sự vươn lên trở thành cường quốc quan trọng nhất trong vùng của Trung Quốc”.
Với việc Trung Quốc đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng từ năm 2006 và liên tục có các động thái gây hấn, cả Nhật và Nga đều có nhu cầu tìm đối trọng trước sự vươn lên của Bắc Kinh. Ngay cả Matxcơva, dù quan hệ có ấm lên với Bắc Kinh trong giai đoạn gần đây nhưng cũng không khỏi dè chừng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
“Chuyến đi của Thủ tướng Abe nhằm tạo ra xung lực mới và định hướng lâu dài cho sự phát triển của quan hệ Nhật - Nga” - thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật nêu rõ. Thủ tướng Abe quyết định thực hiện chuyến đi khi căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh – Tokyo quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuần trước, Thủ tướng Abe tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ quần đảo nếu cần thiết.
Về nhiên liệu, cả Nhật và Trung Quốc đều cạnh tranh quyết liệt để tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú của Nga. Tập đoàn Xăng dầu Trung Quốc (CNPC) đã ký thỏa thuận nhập khẩu ít nhất 743.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Tập đoàn OAO Rosneft của Nga tới năm 2018. OAO Gazprom, tập đoàn xuất khẩu khí của Nga, cũng đang lên kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí để bán khoảng 38 tỉ m3
khí mỗi năm cho Trung Quốc kể từ năm 2018. Trong khi đó, Nhật Bản cũng có nhu cầu tìm nguồn năng lượng mới sau vụ động đất, sóng thần năm 2011 ở Fukushima khiến hầu hết các lò hạt nhân trong nước phải đóng cửa. Còn Nga lại cần tiền để đầu tư vào khu vực Viễn Đông nhiều tài nguyên nhưng lại kém phát triển của mình.
“Nước Nga rất giàu tài nguyên, còn Nhật Bản có công nghệ cao, điều này giúp quan hệ hai bên mang tính tương hỗ cao và cùng có lợi” - ông Abe giải thích.
Dù nhiều tiềm năng, quan hệ Nga - Nhật luôn biến động theo tình hình căng thẳng ở quần đảo Kuril. Quần đảo vốn chỉ cách Hokkaido của Nhật 15km, bị Liên Xô (rồi Nga) chiếm đóng kể từ sau Thế chiến thứ II. Hai nước Nga, Nhật vì những mâu thuẫn biên giới này nên chưa bao giờ chính thức ký hiệp ước hòa bình sau thế chiến. Quan hệ còn xấu đi khi Thủ tướng Dmitry Medvedev hai lần tới thăm quần đảo này gần đây.
Giờ thì Nhật Bản tuyên bố đang “tích cực hành động” để giải quyết vấn đề Kuril và ký kết được hiệp ước hòa bình. Trước chuyến đi, Thủ tướng Abe tuyên bố: “Tôi sẽ củng cố quan hệ Nhật - Nga để chuyến đi đánh dấu việc tái khởi động quá trình đàm phán hiệp ước hòa bình”.
“Tôi muốn xây dựng mối quan hệ cá nhân tin cậy với Tổng thống Putin” - ông Abe nói với các phóng viên trước khi rời Tokyo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận