29/04/2013 08:27 GMT+7

Tăng hợp tác Nga - Nhật để đàm phán chủ quyền

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Ngày 28-4, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến thủ đô Matxcơva trong một chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Kuril.

3nxAZRGG.jpgPhóng to
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hôm nay - Ảnh: Reuters

Theo Kyodo, chuyến thăm Nga của ông Abe diễn ra từ ngày 28 đến 30-4 theo lời mời của Tổng thống Nga Putin. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Nhật thăm chính thức Nga trong vòng 10 năm qua. Báo Asahi cho biết tháp tùng Thủ tướng Abe có đại diện của gần 50 tập đoàn lớn của Nhật. RIA Novosti cũng cho biết ông Abe hội kiến với ông Putin vào hôm nay tại điện Kremlin. Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các lĩnh vực hợp tác song phương như thương mại, đầu tư, năng lượng, khoa học - công nghệ... Tuy nhiên, chủ đề quan trọng nhất sẽ là chủ quyền bốn hòn đảo thuộc quần đảo Kuril, mà phía Tokyo gọi là “lãnh thổ phương Bắc”.

Đề phòng Trung Quốc

Báo Japan Times dẫn lời giáo sư Shigeki Hakamada thuộc Đại học Niigata nhận định một trọng tâm hợp tác giữa Nhật và Nga là năng lượng. Trước phản ứng của dư luận Nhật đối với năng lượng hạt nhân sau tai nạn tại Nhà máy Fukushima Daiichi năm 2011, Tokyo muốn xuất khẩu công nghệ hạt nhân ra nước ngoài để bù đắp thiệt hại. Nhật cũng cần tăng nhập khẩu khí đốt từ Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Hiện Tokyo đang mua 9,5% sản lượng khí đốt từ Matxcơva.

Trong khi đó, Nga rất muốn Nhật mua thêm khí đốt của mình. Ngành năng lượng Nga đang phải đối mặt với khó khăn do nhu cầu khí đốt ở châu Âu sụt giảm vì khủng hoảng kinh tế, trong khi Mỹ đang tăng cường bán khí đốt đá phiến giá rẻ cho châu Âu. Báo Wall Street Journal cho biết Tập đoàn Nga Gazprom sẽ xây một nhà máy khí đốt với hai đối tác Nhật Itochu và Tập đoàn Khai thác dầu khí Nhật (JPE). Hãng Rosneft và Công ty Nhật Marubeni mới đây đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy khí đốt. Đồng thời Nga cũng đang muốn giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nhật là một đối tác lý tưởng để cung cấp công nghệ cho Nga. Trong danh sách đại diện các công ty đi tháp tùng ông Abe có các “đại gia” trong những ngành như y tế, nông nghiệp, ngân hàng, xây dựng... Dự kiến hai nước sẽ lập một quỹ trị giá 1 tỉ USD để khuyến khích đầu tư của Nhật vào Nga.

Chuyên gia Valery Kistanov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật ở Matxcơva cho rằng Tokyo muốn hâm nóng mối quan hệ với Matxcơva để làm đối trọng với Trung Quốc.

Báo Asahi dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Tokyo tiết lộ chiến lược của Nhật là mở rộng hợp tác kinh tế với Nga, một “củ cà rốt” đáng giá với nhiều dự án hợp tác quy mô lớn, để Matxcơva nhân nhượng về chủ quyền đối với quần đảo Kuril. Giáo sư Hakamada nhận định đó là lợi thế của Tokyo so với trước đây để đàm phán với Matxcơva.

Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng Nhật và Nga muốn tăng cường hợp tác vì cả hai đều lo ngại trước sức mạnh quân sự và kinh tế đang lên của Trung Quốc. Hồi tháng 3, Tokyo đã chới với khi Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ ủng hộ nhau trong các vấn đề lãnh thổ. Do đó, ông Abe muốn ngăn chặn nguy cơ Nga và Trung Quốc hình thành một “chiến tuyến” chống Nhật.

Trong khi đó, phía Matxcơva cũng nóng ruột vì Trung Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Viễn Đông của Nga. Chuyên gia Dmitri Trenin của Trung tâm Carnegie Matxcơca nhận định Nga muốn là một thế lực độc lập ở châu Á - Thái Bình Dương, không ngả về bất cứ phía nào. Do đó Nga muốn tăng cường hợp tác với Nhật dù có mối quan hệ hợp tác thân cận với Trung Quốc. Ông Putin không muốn chính sách châu Á của mình bị mối quan hệ với Bắc Kinh chi phối.

Cần sự nhượng bộ

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có muốn đàm phán về chủ quyền bốn hòn đảo Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai (Nhật gọi là Kunashiri, Etorofu, Shikotan và Habomai) hay không. Theo RIA Novosti, hồi đầu năm nay ông Putin đã gặp cựu thủ tướng Nhật Yoshiro Mori và tỏ ý sẵn sàng đối thoại. Tuy nhiên, như nhà kinh tế Yasuhiro Enomoto thuộc Viện Nghiên cứu Marubeni nhận định, những gì ông Abe có thể làm về vấn đề chủ quyền đảo là “xây dựng một mối quan hệ tốt với ông Putin và đạt thỏa thuận về nối lại đàm phán”. Giáo sư Hakamada cũng cho rằng ông Putin có thể tỏ ra linh hoạt để thu hút các dự án kinh tế của Nhật nhưng sẽ không có nhượng bộ đáng kể nào. “Chỉ khi Nhật chấp nhận công nhận chủ quyền của Nga ở hai hòn đảo Etorofu và Kunashiri thì ông Putin mới bắt đầu nghĩ đến việc trả lại đảo Shikotan và Habomai cho Nhật” - giáo sư Hakamada dự báo.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên