Phóng to |
Các binh sĩ Trung Quốc kiểm tra khí tài trên tàu Lan Châu để chuẩn bị cho cuộc tập trận từ hôm 14-4 tại Tây Thái Bình Dương |
Tin sốt dẻo này do Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thông báo cho giới truyền thông ngay sau khi cuộc họp ngoại trưởng ASEAN tại Brunei kết thúc ngày 11-4. Đặc biệt hơn, như ông Natalegawa cho biết, cuộc họp do chính Trung Quốc đề nghị và tất cả thành viên ASEAN đều đồng ý tham gia.
Liên tục tập trận trên biển Tân Hoa xã vừa công bố loạt ảnh hai tàu chiến thuộc hạm đội Nam Hải. Trong ảnh là các binh sĩ Trung Quốc kiểm tra khí tài trên tàu Lan Châu để chuẩn bị cho cuộc tập trận từ hôm 14-4 tại Tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận được phía Trung Quốc thông báo là “nhằm mục đích huấn luyện các hạng mục tấn công và phòng thủ xa bờ”. Tham gia cuộc tập trận này có hai tàu chiến của hạm đội Nam Hải là Lan Châu và Hằng Thủy. Hai tàu chiến này chỉ mới “nghỉ ngơi” bảy ngày sau chuyến tuần tra và tập trận dài 16 ngày ở biển Đông cũng như Tây Thái Bình Dương. (ĐÔNG PHƯƠNG) |
Đây được xem là động thái quan trọng, vì từ trước đến nay Trung Quốc luôn tìm cách trì hoãn đàm phán về COC vốn mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Trương Minh Huy Vũ - nghiên cứu sinh tại ĐH Bonn (Đức) - cho rằng cần đặt lời đề nghị này vào bối cảnh khu vực hiện tại với hàng loạt điểm “nóng” như căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, Philippines đang khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tranh chấp biển đảo, tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư...
Không khó để nhận thấy trong những sự việc này Trung Quốc có liên quan một phần hoặc thậm chí là “nhân vật chính”. ThS Huy Vũ cho rằng đề nghị của Trung Quốc có thể là biện pháp tạm thời mà nước này sử dụng để giảm độ “nóng” hiện tại trong khu vực.
Việc giảm nhiệt này có thể do Trung Quốc đang tỏ ra “chấp nhận quan hệ dựa trên luật pháp và chịu kiềm chế chiến lược để đạt lợi ích lâu dài” nếu biện pháp này đảm bảo mang lại một trật tự lợi ích lâu dài.
“Ví dụ điển hình như việc Trung Quốc chấp nhận ký DOC với ASEAN vào năm 2002 - ThS Huy Vũ nhận định - Có thể thấy suốt lộ trình phát triển trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc kéo dài được khoảng 10 năm mà không chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực”. Do vậy, nếu Trung Quốc chịu kiềm chế quyền lực, chịu quan hệ đa phương và quan hệ dựa trên luật pháp với các nước nhỏ thì chắc chắn các nước sẽ hoan nghênh và hợp tác với Trung Quốc. Từ việc này Trung Quốc có thể xây dựng được một trật tự mà không phải sử dụng vũ lực hay đe dọa để xây dựng trật tự theo ý mình.
Trong khi đó, ThS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu sinh tại ĐH New South Wales (Úc), lại cho rằng Trung Quốc chủ động đề nghị họp với ASEAN về COC là theo kiểu “vừa đấm vừa xoa”.
Thực chất đây là một thủ thuật để tỏ vẻ thiện chí nhằm xoa dịu sự phản đối của các nước liên quan, mặt khác đơn phương thực hiện các hành động thực thi “chủ quyền thực tế” ở biển Đông. Chẳng hạn, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc mới đây công bố Quy hoạch phát triển hải dương năm năm lần thứ 12 đã nhấn mạnh “bình thường hóa” các hoạt động tuần tra chấp pháp trên biển.
Theo ThS Lê Hồng Hiệp, đây chỉ là một trong nhiều động thái của Trung Quốc để tăng cường sự hiện diện và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mặt dân sự của mình trên biển Đông, “cho dù các nước liên quan khác có thể coi đó là bất hợp pháp”. “Đối với các động thái liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, mục đích sâu xa của Trung Quốc có thể là nhằm thực hiện “chủ quyền trên thực tế” đối với hai quần đảo của VN” - ThS Hiệp nhận định.
Phía Philippines hoan nghênh cuộc họp của ASEAN với Trung Quốc về COC nhưng cũng tỏ ra thận trọng. “Đây là một diễn biến tích cực, nhưng chưa chắc đã là một đột phá. Hãy cứ chờ xem” - báo Daily Tribune (Philippines) ngày 13-4 dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Philippines Ramon Carandang.
Ông Trần Công Trục (nguyên trưởng ban biên giới Chính phủ): Muốn tạo lợi thế để mặc cả! Chúng ta biết Trung Quốc vẫn chần chừ, không muốn đàm phán về COC, nhưng vừa rồi tại hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc ở Bắc Kinh, đặc biệt tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ở Brunei, Trung Quốc chủ động đề nghị có cuộc họp đặc biệt để triển khai tiến trình đàm phán COC. Ngược lại, trong thực tế, họ vẫn đưa ra quy hoạch mới, triển khai nhiều vấn đề cụ thể, chủ yếu nhằm vào hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của VN và biển Đông. Câu hỏi cần đặt ra là phải chăng việc ban hành Quy hoạch hải dương mới vào thời điểm này là để Trung Quốc xúc tiến mạnh mẽ hơn các hoạt động trên thực tế nhằm tạo lợi thế mặc cả và biến yêu sách phi lý thành sức mạnh để đàm phán COC. Phải chăng Trung Quốc đã cảm thấy đủ sức và đủ thế ngồi nói chuyện với các nước ASEAN? Tôi cho rằng với tính chất đây là quy hoạch do một cơ quan cấp bộ ban hành, sắp tới Trung Quốc sẽ thực hiện bài bản, cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là tuyên truyền. Rất có thể trước khi các bên thống nhất được nội dung đàm phán COC, Trung Quốc sẽ thật sự tiến hành khai thác dầu khí trên biển Đông, không phải chỉ là thăm dò nữa vì họ từng triển khai giàn khoan khổng lồ xuống biển Đông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận