12/04/2013 08:52 GMT+7

Tokyo "bắt tay" với Đài Bắc

CẢNH TOÀN - ĐÔNG PHƯƠNG
CẢNH TOÀN - ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Trang mạng Tin tức châu Á vừa đăng bài viết cho rằng Nhật đang tính đến nhiều kịch bản đối phó với Trung Quốc, nhất là ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bước đi đầu tiên là “bắt tay” với Đài Loan.

x9KmiAFf.jpgPhóng to
Tàu tuần tra của cảnh sát biển Nhật Bản giám sát tàu hải giám 66 của Trung Quốc (giữa) gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters

Có vẻ Nhật đã cao tay khi ký kết hiệp định đánh cá quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) với Đài Loan vào ngày 10-4. Hiệp định này sẽ cho phép ngư dân Đài Loan hoạt động ở một phần khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku, nhưng không được vào vùng biển 12 hải lý quanh quần đảo này. Báo Liên Hiệp (Đài Loan) dẫn nhận định của Cơ quan Ngư nghiệp Đài Loan cho biết hiệp định được ký kết tại Đài Bắc này là “bước đột phá” trong 17 năm đàm phán ngư nghiệp giữa Tokyo và Đài Bắc.

Bắc Kinh tố Tokyo: “kế ly gián” Trung - Đài

Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 10-2012 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế - cơ quan tư vấn của Mỹ, chi phí quốc phòng tại các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả hòn đảo Đài Loan đều đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, riêng ở Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần. Tổng ngân sách quân sự của bốn nước châu Á này và lãnh thổ Đài Loan đã lên tới 224 tỉ USD vào năm 2011.

Theo thỏa thuận, Nhật Bản và Đài Loan sẽ xác định khu vực trong EEZ của Nhật Bản như là vùng biển được quản lý chung, nơi tàu thuyền đánh cá hai bên có thể được phép hoạt động. Thỏa thuận này sẽ gác lại vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài.

Các nguồn tin cho rằng sở dĩ Tokyo thỏa hiệp trong tranh chấp với Đài Loan về quần đảo này chủ yếu nhằm ngăn chặn Đài Loan thành lập “một mặt trận thống nhất” với Trung Quốc để chống lại Nhật Bản và Tokyo cũng sẽ được lợi nhiều từ việc khôi phục quan hệ với Đài Loan. Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cũng cần một bước đột phá ngoại giao để vực dậy uy tín đang giảm của ông.

Ngay lập tức, với lời lẽ đầy hăm dọa, Thời Báo Hoàn Cầu ngày 11-4 đã tố cáo Tokyo đang âm mưu ly gián Bắc Kinh và Đài Bắc. Trong bài “Nhật Bản ly gián đại lục và Đài Loan là suy nghĩ hoang đường”, tờ báo này thừa nhận hiệp định ngư nghiệp Nhật - Đài đem lại nhiều lợi ích ngư nghiệp cho Đài Bắc, nhưng việc ký kết hiệp định này đã “mềm hóa” lập trường “bảo Điếu” (bảo vệ Điếu Ngư) của Đài Loan, đồng thời ly gián Đài Loan và Trung Quốc. Bằng cách này, Tokyo đã cố ý đặt Bắc Kinh vào thế khó xử giữa một bên là lợi ích của Đài Loan, một bên là chủ quyền lãnh thổ.

Phía Nhật dường như đã chuẩn bị các bước đi rõ rệt cho chiến lược bảo vệ quần đảo tranh chấp của mình, và việc bắt tay với Đài Loan chỉ là phần khởi đầu.

Nhật: chính sách an ninh biển đảo mới

Đúng một tuần trước, Tokyo đã công bố dự thảo chính sách đại dương giai đoạn 2013-2018, trong đó thể hiện rõ sự thay đổi chính sách về an ninh biển so với giai đoạn 2007-2012. Trước đây, khi đề cập khả năng xảy ra xung đột với các nước láng giềng, Nhật Bản hạn chế va chạm, kiên trì giải quyết vấn đề thông qua đường ngoại giao.

Nội dung dự thảo năm năm lần này lại đề cập nhiều biện pháp an ninh để bảo vệ lãnh thổ. Theo Kyodo, dự thảo kêu gọi tăng cường và bảo đảm an ninh hàng hải tại những quần đảo tranh chấp và các vùng xa bờ thuộc lãnh thổ Nhật Bản.

Đài NHK cho biết dự thảo nêu ra một số đề nghị, như triển khai lực lượng phòng vệ mặt đất đến đảo cực tây Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa, lắp đặt hệ thống rađa cảnh báo sớm trên đảo này... Hồi đầu tháng 3, một quan chức Nhật Bản đã nhấn mạnh việc triển khai lực lượng phòng vệ đến các đảo xa ở phía tây nam là nhiệm vụ khẩn cấp khi Trung Quốc đang tăng cường hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Dự thảo cũng đề nghị nâng cao khả năng giám sát hàng hải và các vùng biển lân cận qua việc tái tổ chức và điều động máy bay, tàu thuyền giữa Lực lượng phòng vệ hàng hải (MSDF) và Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG), đồng thời tiến tới thực hiện chia sẻ thông tin giám sát và cảnh báo giữa MSDF và JCG.

Bình luận về vấn đề này với Tuổi Trẻ, giáo sư Masahiro Akiyama thuộc Quỹ nghiên cứu chính sách đại dương Nhật Bản nhấn mạnh “sự hợp tác giữa MSDF và JCG rất quan trọng trong việc gìn giữ trật tự tại các vùng biển của Nhật Bản”. Ông nhận định: “Điều quan trọng là phải khiến Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp dựa trên luật pháp và trật tự quốc tế”.

CẢNH TOÀN - ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên