26/03/2013 07:56 GMT+7

Trung Quốc chi nhiều tỉ USD mua tàu ngầm, máy bay Nga

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hôm 25-3, truyền thông Trung Quốc đưa tin chính quyền nước này đã ký hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 và bốn tàu ngầm lớp Lada từ Nga.

C4KejXbA.jpgPhóng to
Tàu ngầm lớp Lada do Nga sản xuất có khả năng lặn dưới nước trong thời gian dài và di chuyển êm ái hơn các loại tàu ngầm khác - Ảnh: Military Today

Nhân Dân Nhật Báo và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đồng loạt khẳng định Bắc Kinh và Matxcơva đã ký thỏa thuận mua số vũ khí trên trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nga cuối tuần qua. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua Trung Quốc mua “thiết bị công nghệ quốc phòng” quy mô lớn từ Nga.

Theo Nhân Dân Nhật Báo, phía Nga sẽ đóng hai tàu ngầm, hai chiếc còn lại sẽ được sản xuất ngay tại Trung Quốc. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định máy bay chiến đấu Su-35 “sẽ giảm áp lực lên hệ thống phòng không Trung Quốc trước khi máy bay tàng hình do Trung Quốc tự sản xuất đi vào hoạt động”.

Máy bay và tàu ngầm hiện đại

Trên thực tế, từ tháng 12-2012 báo Nga Kommersant đã dẫn nguồn Tập đoàn vũ khí Nga Rosoboronexport tiết lộ Nga sẽ bán cho Trung Quốc bốn tàu ngầm lớp Lada. Truyền thông Trung Quốc không công bố tổng giá trị hợp đồng, tuy nhiên Kommersant ước tính chỉ riêng bốn chiếc tàu ngầm lớp Lada đã có giá lên tới 2 tỉ USD. Nguồn tin quân đội Nga cho biết Matxcơva không chỉ bán tàu ngầm cho Trung Quốc mà còn chuyển giao công nghệ tàu ngầm.

Theo trang Naval-Technology, tàu ngầm lớp Lada là phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Kilo. Được trang bị hệ thống lực đẩy không phụ thuộc vào không khí, loại tàu ngầm diesel - điện này có thể lặn dưới nước lâu hơn các loại tàu ngầm khác và di chuyển êm ái, yên lặng hơn. Loại tàu ngầm này cũng được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm tên lửa hành trình Club-S có khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển ở cự ly tối đa 300km.

Ngoài ra, tàu ngầm lớp Lada còn được trang bị tên lửa chống tàu ngầm, chống tàu chiến và có thể bắn một lúc 18 thủy lôi. Với các loại vũ khí trên, loại tàu ngầm này đáp ứng được nhiều sứ mệnh quân sự, từ tấn công chống tàu ngầm, tàu chiến, bảo vệ các căn cứ hải quân... cho đến do thám, giám sát. Báo Kommersant dẫn lời một số chuyên gia quân sự Nga cho biết với tàu ngầm lớp Lada, quân đội Trung Quốc sẽ sở hữu một loại vũ khí hiện đại, đủ sức tấn công các tàu sân bay của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, trang Global Security ước tính giá mỗi chiếc máy bay Su-35 là 45-65 triệu USD. Như vậy, Trung Quốc sẽ phải chi 1,08-1,56 tỉ USD cho 24 chiếc Su-35. Đây là loại máy bay có khả năng di chuyển linh hoạt, đạt tốc độ tối đa 2.390km/giờ. Máy bay Su-35 được trang bị tên lửa không đối không, không đối đất, bom định vị, hệ thống rađa hiện đại có khả năng phát hiện máy bay tàng hình...

Cũng theo nguồn tin Nhân Dân Nhật Báo, ngoài thương vụ mua bán vũ khí này, Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác phát triển công nghệ quân sự. Hai nước sẽ cùng sản xuất tên lửa chống máy bay tầm xa S-400, động cơ 117S, máy bay vận tải lớn IL-476 và máy bay chở nhiên liệu. Giới quan sát phương Tây nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác quân sự để chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

Châu Á lo ngại

Một số nhà quan sát nhận định thương vụ mua vũ khí từ Nga nằm trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu quốc phòng. Hồi đầu tháng, Bắc Kinh công bố tăng ngân sách quốc phòng năm 2013 thêm 10,7% lên 116,3 tỉ USD. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính chi tiêu quốc phòng hằng năm của Bắc Kinh lên tới 120-180 tỉ USD.

Hãng tin Bloomberg cho biết theo phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh (IISS), chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể sẽ ngang bằng mức 656 tỉ USD của Mỹ vào năm 2023. Đáng lo ngại là Bắc Kinh ồ ạt tăng cường sức mạnh vũ trang trong thời điểm quan hệ Trung Quốc - Nhật đang sa sút nghiêm trọng do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh cũng ngang ngược đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông.

IISS bày tỏ sự lo ngại châu Á đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang và chiến tranh có thể xảy ra do tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông. Reuters dẫn giáo sư Nhật Toshiyuki Shikata thuộc ĐH Teikyo bình luận việc hàng loạt quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Singapore... đang đặt mua máy bay chiến đấu siêu hiện đại F-35 của Mỹ nhằm mục tiêu cân bằng lực lượng quân sự với Trung Quốc.

Giữa tháng 3, IISS và Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) cùng công bố báo cáo cho thấy tất cả các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới năm năm qua đều ở châu Á. Đó là Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... Các quan chức Ấn Độ không hề che giấu quan điểm tăng cường sức mạnh vũ trang vì lo ngại xung đột biên giới với Trung Quốc. SIPRI cảnh báo với quá nhiều vũ khí ở châu Á, một cuộc chiến bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên