18/02/2013 08:21 GMT+7

Pháp hợp tác quốc phòng với Ấn Độ

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tổng thống Pháp François Hollande vừa có chuyến thăm Ấn Độ và ra về với những thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỉ USD.

F5OnKyDc.jpgPhóng to
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas của Ấn Độ (trên) bay biểu diễn tại căn cứ không quân Yelahanka ở Bangalore hôm 7-2. Bên dưới là hai chiếc Rafale của Pháp - Ảnh: AFP

AFP mô tả phái đoàn Pháp tháp tùng ông Hollande khá hùng hậu, bao gồm lãnh đạo của hơn 60 công ty và các quan chức cấp cao, và sự đông đảo này cho thấy Pháp đang thật sự muốn tăng cường quan hệ với Ấn Độ.

Báo Le Monde nhận định: “Rất nhiều nhà quan sát có thể sẽ chỉ để mắt đến hợp đồng bán máy bay Rafale, nhưng đó là một cái nhìn thiển cận. Mối quan hệ đối tác chiến lược này (ký năm 1998) bao gồm những lĩnh vực ngoại giao thiết yếu với một cường quốc như Ấn Độ, nước đang mong muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nó cũng bao gồm sự hợp tác truyền thống trong các lĩnh vực quan trọng như không gian, hạt nhân dân sự và cả an ninh. Nhưng cần phải nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế của mối quan hệ này trước. Bởi chúng ta thường có khuynh hướng đánh giá cao Trung Quốc và đánh giá thấp Ấn Độ vốn lại có thể tái cân bằng với Trung Quốc”.

Quan hệ tiến triển tốt đẹp

Ấn Độ là nước châu Á đầu tiên mà ông Hollande công du kể từ khi nhậm chức. Đây là chuyến đi mà ông Hollande kỳ vọng sẽ thúc đẩy New Delhi chốt lại thỏa thuận mua 126 máy bay chiến đấu Rafale trị giá 12 tỉ USD từ Công ty Dassault Aviation của Pháp. Theo AFP, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và ông Hollande cho biết cuộc đàm phán về vấn đề này đã có những bước tiến triển tốt đẹp.

Hai bên cũng đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài lâu nay về một thỏa thuận tên lửa đất đối không tầm ngắn trị giá 6 tỉ USD sẽ được quân đội Ấn Độ sử dụng. Tên lửa này sẽ được công ty sản xuất tên lửa của Pháp MBDA và công ty vũ khí Ấn Độ DRDO cùng hợp tác sản xuất.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố: “Quan hệ đối tác của chúng tôi dựa trên một số nguyên tắc mà chúng tôi đã củng cố hôm nay, ví dụ như quốc phòng”. Thủ tướng Ấn Độ Singh cũng mô tả quan hệ quốc phòng song phương đã đạt tới một mức độ “chất lượng” mới.

Theo báo The Hindu, hai nhà lãnh đạo đã lặp lại mong muốn hợp tác trong các chương trình công nghệ cao và các dự án trong lĩnh vực quốc phòng, có thể bao gồm cả việc nghiên cứu và phát triển chung cũng như chuyển giao công nghệ. Trong sự hợp tác này có dự án tàu ngầm Scorpene và việc nâng cấp máy bay chiến đấu Mirage 2000 và hiện dự án này đang tiến triển.

Hai thách thức: Pakistan, Trung Quốc

Chuyến thăm của ông Hollande đến Ấn Độ cùng việc New Delhi củng cố quốc phòng diễn ra trong lúc nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức chiến lược từ Pakistan và Trung Quốc.

Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony hồi đầu tháng này đã tuyên bố vai trò của Trung Quốc trong việc vận hành cảng Gwadar có vị trí chiến lược ở Pakistan là một vấn đề gây quan ngại cho Ấn Độ.

Cảng Gwadar cách TP Karachi 600km và gần biên giới Pakistan với Iran. Cảng này đã được chuyển cho một công ty nhà nước của Trung Quốc từ tay Công ty PSA International của Singapore hồi cuối tháng 1. Khi hoàn thành, cảng này gần với eo biển Hormuz sẽ là tuyến đường vận chuyển dầu chủ chốt, mở ra hành lang năng lượng và thương mại cho vùng Vịnh, đi qua Pakistan đến phía tây Trung Quốc.

Theo AFP, phía Trung Quốc đã chi khoảng 75% trong số 250 triệu USD ban đầu để xây dựng cảng. “Cảng này sẽ giúp Trung Quốc điều động quân sự trong khu vực. Nếu kiểm soát được Gwadar, Trung Quốc sẽ có được cửa ngõ vào biển Ả Rập và vùng Vịnh. Gwadar là một diễn tiến đáng ngại hơn các nơi khác” - nhà phân tích Jay Ranade thuộc Trung tâm nghiên cứu không lực của Ấn Độ nhận định.

Từ lâu, các nhà làm chính sách Ấn Độ đã lo ngại về một loạt cảng chiến lược do các công ty Trung Quốc xây dựng ở những nước láng giềng. Trung Quốc cũng đổ tiền vào các cảng ở Hambantota tại Sri Lanka và Chittagong ở Bangladesh, đều là láng giềng của Ấn Độ. Tại Nepal, Trung Quốc cũng đang xây dựng “cảng cạn” ở Larcha gần Tây Tạng với ý định nhắm đến thị trường Ấn Độ rộng lớn. Tại Myanmar, cảng và đường ống dẫn dầu cũng sẽ được hoàn thành vào tháng 5 tới, giúp vận chuyển dầu từ châu Phi và Trung Đông tới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Một báo cáo năm 2004 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã gọi số cảng biển có sự hiện diện của Trung Quốc này là “một chuỗi ngọc”.

Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong những năm gần đây. New Delhi dự định chi khoảng 100 tỉ USD trong vòng 10 năm tới để nâng cấp khí tài mới nhằm cân bằng với mức chi tiêu cho quốc phòng của Bắc Kinh.

“Hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ là cấp bách”

Đây là nhận định của nhà phân tích Uday Bhaskar, cựu quan chức của hải quân Ấn Độ, nhà nghiên cứu hàng đầu của Hội Nghiên cứu chính sách (SPS) đặt tại New Delhi. Theo ông, Ấn Độ đang phải đối mặt với hai mối đe dọa chiến lược.

Mối đe dọa trực tiếp là từ Pakistan, nước mà Ấn Độ nhiều lần phải đương đầu trong các cuộc xung đột quân sự vào các năm 1947, 1971, 1999 và cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai vào năm 2008. Các cuộc đụng độ gần đây giữa lực lượng biên phòng hai nước tại Kashmir trên đường biên giới diễn ra liên tục. Pakistan luôn xem Ấn Độ là “một kẻ thù vĩnh viễn”. Ấn Độ cũng rất quan ngại về sự hợp tác giữa Pakistan và Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa. Bởi nếu Pakistan sở hữu vũ khí giết người hàng loạt thì điều này lại tạo ra không gian mở rộng cho các hoạt động và tấn công khủng bố ở Ấn Độ. Nhưng câu hỏi đang gây lo ngại ở New Delhi: Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh mới của mình ra sao trong quan hệ quốc tế? Trung Quốc là một sức mạnh kiềm chế hay gây hấn?...

Sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương cũng đang trở thành một thực tế. Bắc Kinh đang tăng cường các mối quan hệ với Seychelles, Maldives, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh hay Myanmar.

T.N.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên