16/02/2013 08:52 GMT+7

Thịt ngựa giả thịt bò nhiễm chất cấm

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Cuộc khủng hoảng thịt ngựa giả thịt bò tại châu Âu đang trở nên nghiêm trọng hơn, khi các xét nghiệm cho thấy thịt ngựa nhiễm chất cấm có hại đối với sức khỏe con người.

Xét nghiệm ADN tìm thịt ngựa giả thịt bò

ADo0mI6D.jpgPhóng to
Chuyên gia của Cơ quan Kiểm soát thực phẩm (Thụy Sĩ) xét nghiệm mẫu thịt ngựa giả thịt bò - Ảnh: Reuters

Theo báo Anh Guardian, ban đầu cuộc khủng hoảng “treo thịt bò, bán thịt ngựa” tại 13 quốc gia châu Âu chỉ được xem là một vụ lừa đảo. Chính trị gia các nước Anh, Pháp đều khẳng định loại thịt ngựa này an toàn, không đe dọa sức khỏe con người. Tuy nhiên, mới đây Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) tuyên bố đã phát hiện chất cấm trong thịt ngựa.

FSA cho biết đã kiểm tra xác 206 con ngựa bị giết mổ ở Anh từ ngày 30-1 đến 7-2 và “trong số đó có tám con ngựa nhiễm chất phenylbutazone. Sáu con bị giết mổ ở một cơ sở tại Taunton, Somerset và đã được xuất sang Pháp. Có thể số thịt này đã xâm nhập dây chuyền thực phẩm”.

FSA đang lần theo dấu vết sáu xác ngựa đã được chuyển tới Pháp.

Dùng thịt ngựa đua

3 triệu euro (khoảng 3,8 triệu USD) là số tiền chi tiêu cho việc xét nghiệm ADN thịt ngựa giả thịt bò ở châu Âu, phân nửa số tiền này sẽ do Liên minh châu Âu chi trả. Liên quan đến thành phần kháng viêm phenylbutazone có trong thịt ngựa, 4.000 mẫu xét nghiệm sẽ được thực hiện, trong đó 2.500 mẫu sẽ được thử trên thịt ngựa ở khu vực châu Âu và 1.500 mẫu sẽ được thử trên thịt nhập khẩu.

HÀ AN

Theo Tổ chức Y tế thế giới, phenylbutazone là thuốc giảm đau và chống sốt ở động vật. Từ lâu chính quyền nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh, đã cấm sử dụng loại thuốc này đối với người bởi nó có những tác dụng phụ nguy hiểm như giảm khả năng tái tạo bạch cầu trong cơ thể người và gây ra chứng thiếu máu.

Giới chức trách châu Âu đang xét nghiệm hàng ngàn gói thịt ngựa giả thịt bò và 4.000 xác ngựa để xác định chúng có bị nhiễm thuốc phenylbutazone hay không. Kết quả dự kiến được công bố vào giữa tháng 4-2013. Theo báo Globe & Mail, nhiều chuyên gia y tế khu vực lo ngại thời gian qua người tiêu dùng châu Âu có thể đã ăn phải thịt ngựa đua giả thịt bò. Mà ngựa đua thường được chữa bệnh bằng loại thuốc phenylbutazone.

Chuyên gia y tế Sally Davies của FSA trấn an thịt ngựa nhiễm phenylbutazone “nguy cơ rất thấp đối với sức khỏe con người”. Bà giải thích nếu một người tiêu dùng ăn 500-600 bánh hamburger thịt ngựa mỗi ngày mới hấp thụ một lượng phenylbutazone đủ gây nguy hại đến sức khỏe. Giáo sư Peter Lees thuộc Trường Thú y hoàng gia Anh cũng cho rằng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu do ăn thịt ngựa nhiễm phenylbutazone là rất thấp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế khẳng định diễn biến mới này sẽ khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của hệ thống thực phẩm châu Âu, vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt, chặt chẽ. Lãnh đạo FSA Catherine Brown tiết lộ trước cuộc khủng hoảng thịt ngựa giả thịt bò, FSA đã xét nghiệm 5% số ngựa bị giết mổ ở Anh. Kết quả có khoảng 6% số ngựa bị giết mổ nhiễm phenylbutazone. “Điều đó cho thấy từ lâu một lượng lớn thịt ngựa nhiễm thuốc phenylbutazone đã xâm nhập chuỗi cung ứng thực phẩm cho con người” - bà Brown khẳng định.

Công ty Pháp đầu sỏ

Điều tra của chính quyền Pháp cho biết một công ty chế biến thịt của Pháp có thể là thủ phạm chính trong vụ xìcăngđan “treo thịt bò, bán thịt ngựa”. AFP cho biết theo tuyên bố mới đây của nhà chức trách Pháp, Công ty Spanghero ở thị trấn Castelnaudary gần Toulouse đã cố tình dán nhãn thịt ngựa là thịt bò. “Spanghero là đơn vị đầu tiên trong hệ thống này dán nhãn thịt bò lên thịt ngựa. Đó hoặc là một sai sót nghiêm trọng hoặc là một cú lừa vì lợi nhuận” - Bộ trưởng Tiêu dùng Pháp Benoit Hamon nêu rõ.

Ông Hamon khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy một công ty Romania đã “treo thịt bò, bán thịt ngựa” và cung cấp cho Spanghero. Và chắc chắn Spanghero không thể không nhận ra số thịt công ty nhập về có giá thấp hơn thịt bò rất nhiều. Điều tra cho thấy trong sáu tháng qua, Spanghero đã kiếm lợi 550.000 euro (733.800 USD) bằng việc bán thịt ngựa giả thịt bò cho chuỗi cung ứng thực phẩm gồm 28 công ty ở 13 nước.

Nhà chức trách Pháp cũng tình nghi một công ty Pháp khác là Comigel dính líu vào vụ lừa đảo này. Theo báo Financial Times, hiện chính quyền một số nước châu Âu đang vận động Liên minh châu Âu (EU) thông qua các quy định về dán nhãn thực phẩm nghiêm ngặt hơn. EU yêu cầu các công ty công khai nguồn gốc thịt bò tươi trên bao bì. Từ năm tới, quy định này sẽ được áp dụng cho thịt gà, cừu...

Tuy nhiên, luật này không áp dụng với các loại thực phẩm đã qua chế biến. Năm 2010, Nghị viện châu Âu muốn áp dụng luật này với thực phẩm chế biến. Nhưng một số quốc gia, trong đó có Anh, bỏ phiếu phản đối do cuộc vận động hành lang quá dữ dội của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống châu Âu.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên