28/01/2013 07:20 GMT+7

Myanmar xóa độc quyền viễn thông

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Việc điều tra tham nhũng tại Bộ Bưu chính và viễn thông Myanmar được xem là vụ đầu tiên với hi vọng mở ra một thời kỳ mới giúp xóa bỏ độc quyền và chủ nghĩa thân hữu trong lĩnh vực viễn thông ở nước này.

O1jNbChZ.jpgPhóng to
Điện thoại di động trưng bày trong một cửa hàng ở Yangon. Hiện chỉ khoảng 9% dân số Myanmar có điện thoại di động - Ảnh: Reuters

Chi tiết của cuộc điều tra này hiện chưa được công khai nhiều. Cuộc điều tra vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu và Bộ trưởng Bưu chính và viễn thông Thein Tun đang là đối tượng hàng đầu của cơ quan chống tham nhũng do Tổng thống Thein Sein thành lập đầu tháng 1-2013. 20 quan chức thuộc Bộ Bưu chính và viễn thông Myanmar đã bị điều tra sau khi Bộ trưởng Thein Tun từ chức. Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin của một số quan chức chính phủ cho biết có nhiều vấn đề liên quan trong vụ việc, trong đó có cả tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu.

Theo luật tham nhũng hiện hành ở Myanmar, tội tham nhũng có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, có thể phạt tiền kèm theo.

3.300 USD một SIM điện thoại!

"Độc quyền và chủ nghĩa thân hữu được coi là nguyên nhân khiến giá thẻ SIM ở Myanmar cao ngất ngưởng trong một thời gian dài"

Trước khi bị điều tra, ông Thein Tun đã xin từ chức và về hưu sớm. Lý do từ chức của ông được cho biết là vì “không đồng ý với kế hoạch cắt giảm mạnh giá thẻ SIM” được đưa ra trong cuộc họp nội các hôm 21-1. Theo báo Irrawaddy, Bộ Bưu chính và viễn thông Myanmar dự định tổ chức họp báo ngày 23-1 để công bố giá thẻ SIM mới nhưng buộc phải hủy bỏ sau khi ông Thein Tun từ chức.

Ông Thein Tun nói là muốn sản xuất 4 triệu thẻ SIM, đủ dùng cho 10% dân số, và bán với giá 200.000 kyat (khoảng 220 USD)/thẻ. Tuy nhiên, mức giá này vẫn xa tầm với của hầu hết người tiêu dùng Myanmar. Bộ Bưu chính và viễn thông đã sản xuất được 3 triệu thẻ SIM và đang bị các công ty tư nhân gây sức ép phải bán thẻ SIM với giá rẻ hơn.

Trước đó, Văn phòng tổng thống đã kêu gọi giảm giá thẻ SIM cho điện thoại di động mạng GSM và CDMA 450 MHz xuống còn 50.000 kyat (khoảng 55 USD), nhưng ông Thein Tun cho rằng mức giá này sẽ khiến Bộ Bưu chính và viễn thông thua lỗ!

Lĩnh vực viễn thông là một lãnh địa độc quyền và đặc biệt béo bở cho các doanh nghiệp thân cận với giới quân sự mãi đến nay. Mạng điện thoại di động GMS lần đầu tiên được cung cấp ở Myanmar vào cuối những năm 1990 bởi một công ty có quan hệ với gia đình của cựu lãnh đạo Ne Win. Vào thời điểm đó, một thẻ SIM được bán với giá ngất trời: 3.300 USD! Giá mỗi thẻ SIM giờ đã “rẻ hơn”: 250 USD, một cái giá được mô tả là còn quá xa xỉ ở một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người hằng năm chỉ là 379 USD. Đó cũng là một cái giá quá xa lạ so với giá của những nước láng giềng của Myanmar. Tại Thái Lan chẳng hạn, một thẻ SIM chỉ có giá 4 USD trong khi thu nhập bình quân hằng năm của người Thái cao gấp 10 lần người Myanmar.

Độc quyền và chủ nghĩa thân hữu được coi là nguyên nhân khiến giá thẻ SIM ở Myanmar cao ngất ngưởng trong một thời gian dài.

Cơ hội cho người dân

Theo Wall Street Journal, tỉ lệ người dân có điện thoại di động ở Myanmar chỉ là 9%, trong khi ở Thái Lan tỉ lệ này trên 100%, nghĩa là một người dân có hơn một điện thoại di động. Ở Campuchia, tỉ lệ này là 70%.

Theo xếp hạng của Tổ chức chống tham nhũng Minh bạch quốc tế, Myanmar là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới, đứng hạng 172 trên tổng số 176 nước. Tổng thống Thein Sein, người đã bắt tay thực hiện các cải cách nhằm mở cửa nền kinh tế nước này, đang mong muốn giành lại uy tín cho đất nước mình qua việc chống tham nhũng, đặc biệt là trong các ngành tiềm năng.

Trong số các thị trường tiềm năng ở Myanmar, viễn thông là một trong những thị trường hấp dẫn nhất. Các nhà phân tích ước đoán thị trường này trị giá tới hàng tỉ USD. Theo báo Irrawaddy, vào cuối năm 2011, Tổng thống Thein Sein đã công bố một dự án bán 30 triệu thẻ SIM với giá rẻ từ năm 2011-2016 nhằm giúp người dân tiếp cận với điện thoại di động dễ dàng hơn. Mục tiêu của Chính phủ Myanmar là đến năm 2015 hoặc 2016, 80% người dân nước này sở hữu một máy điện thoại, dù là điện thoại cố định hay di động. Trong số 23 doanh nghiệp đăng ký tham gia dự án này, nhiều doanh nghiệp đã từng dính líu chặt chẽ với giới quân sự cầm quyền trước đây, như E-Lite Tech do “thân hữu” Tay Za điều hành, hay như Công ty IGE do con trai của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Aung Thaung lãnh đạo. Vào giữa tháng 1-2013, Chính phủ Myanmar đã lên tiếng mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia các dịch vụ viễn thông trên toàn quốc.

Ông Luc de Waegh, giám đốc Công ty tư vấn West Indochina ở Singapore, nhận định việc cải tổ lĩnh vực viễn thông - bao gồm cả việc điều tra các cáo buộc tham nhũng - là một bước đi đáng khích lệ bởi những tiến bộ trong viễn thông có thể giúp Myanmar tiến xa không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn là phát triển kinh tế khi người dân có thể dùng mạng điện thoại di động để truy cập ngân hàng trực tuyến hay truy cập thông tin.

Cùng với việc mở cửa ngành viễn thông, Chính phủ Myanmar cũng đang lên kế hoạch đưa ra luật viễn thông mới.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên