26/01/2013 08:12 GMT+7

Bình Nhưỡng dọa "xử" Seoul bằng vũ lực

THANH TUẤN - SƠN HÀ
THANH TUẤN - SƠN HÀ

TT - Ngày 25-1, CHDCND Triều Tiên đe dọa sẽ “dùng biện pháp vũ lực” để trừng trị Hàn Quốc nếu Seoul tham gia lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc chống lại Bình Nhưỡng.

ij1JhY1F.jpgPhóng to
Một tên lửa đạn đạo tầm trung Taepodong của Bình Nhưỡng trong một cuộc biểu dương lực lượng - Ảnh: AFP
OwQfvJto.jpgPhóng to
Một bệ phóng tên lửa ở Cholsan, CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn KCNA dẫn lời Ủy ban Thống nhất hòa bình tổ quốc Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc đã “đóng vai trò tích cực” trong việc Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. “Cấm vận đồng nghĩa với chiến tranh và là lời tuyên chiến đối với chúng ta - Ủy ban Thống nhất khẳng định - Nếu chính quyền bù nhìn Hàn Quốc tham gia trực tiếp vào lệnh trừng phạt mở rộng của Liên Hiệp Quốc, CHDCND Triều Tiên sẽ sử dụng biện pháp vũ lực mạnh mẽ”.

Như vậy, mọi hi vọng vào cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã bị dập tắt. Theo Yonhap, khi gọi Chính phủ Hàn Quốc là “những kẻ phản bội”, Ủy ban Thống nhất hòa bình tổ quốc Triều Tiên đã mặc nhiên cho rằng tuyên bố chung liên Triều năm 1992 về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã hoàn toàn vô hiệu lực.

Trung Quốc đã nản?

Xã luận báo Wall Street Journal cho rằng với các tuyên bố mới đây, thực tế Bình Nhưỡng đang thách thức cả Mỹ và Trung Quốc.

Người phát ngôn Nhà Trắng, như báo Washington Post cho biết, đã mô tả phản ứng của Bình Nhưỡng là hành động “khiêu khích không cần thiết”, chỉ khiến nước này bị cô lập hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định: “Mỹ đã sẵn sàng để đối phó với mọi hành vi gây hấn. Song tôi hi vọng họ sẽ quyết định rằng trở thành một phần của cộng đồng quốc tế là lựa chọn tốt nhất”. Giới quan sát nhận định cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ là thử thách lớn đối với thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry, người sẽ thay thế Ngoại trưởng Hillary Clinton thời gian tới. Ông Kerry luôn chủ trương đàm phán với Bình Nhưỡng, kể cả đàm phán trực tiếp.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước phản ứng mạnh mẽ của Bình Nhưỡng. Trung Quốc, đồng minh lớn nhất và quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên, lần này đã ủng hộ nghị quyết trừng phạt mở rộng của HĐBA, khác với trước đây từng nhiều lần ngăn cản các nghị quyết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu ngày 25-1 thẳng thừng viết: “Nếu CHDCND Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, Trung Quốc sẽ không ngần ngại cắt giảm viện trợ”. Đe dọa cắt giảm trợ giúp, Bắc Kinh như cho thấy một sự chán chường và một sự bất lực nào đó khi không thể tác động được đến những tham vọng hạt nhân của đồng minh này của mình, như nhận định của giới quan sát. “Hãy cứ để Bình Nhưỡng giận dữ - báo này viết tiếp - Chúng ta không thể ngồi yên và không làm gì chỉ vì lo sợ ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên”. Báo này cũng cho rằng CHDCND Triều Tiên đã không tôn trọng các nỗ lực của Trung Quốc. Xã luận này cũng được đăng trên Nhân Dân Nhật Báo.

Báo Le Monde của Pháp nhận xét: cuộc khẩu chiến giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng qua báo chí như vậy là chưa từng có trước đây.

Tên lửa Unha-3 bắn tới Mỹ?

Câu hỏi báo chí Mỹ đang đặt ra hiện nay là liệu CHDCND Triều Tiên có đủ khả năng bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Mỹ như đe dọa không? Báo New York Times dẫn lời chuyên gia hạt nhân Mỹ Siegfried Hecker, từng đến thăm cơ sở hạt nhân Yongbyon năm 2010, cho biết hiện Bình Nhưỡng có đủ plutonium để sản xuất 4-8 quả bom hạt nhân. Năm ngoái, chính quyền Triều Tiên cũng tuyên bố đã bắt đầu làm giàu uranium như một lựa chọn khác để phát triển vũ khí hạt nhân.

Báo cáo năm 2012 của Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) khẳng định CHDCND Triều Tiên đang phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo với tầm bắn và sự hiện đại ngày càng tăng. Theo báo Christian Science Monitor, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa Unha-3 hồi tháng 12-2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nhìn nhận: “Đó là một tên lửa xuyên lục địa. Điều đó có nghĩa là họ có khả năng tấn công vào Mỹ”.

Phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến vũ khí (CNS) thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Monterey (Mỹ) cho biết tên lửa Unha-3 có đủ khả năng mang theo một đầu đạn hạt nhân và bay tới Alaska hoặc Hawaii. Tuy nhiên, CNS xác định tên lửa này không phải là hệ thống tấn công hạt nhân hiệu quả. Bởi tên lửa này được phóng bằng nhiên liệu lỏng, do vậy phải đứng trên bệ phóng nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trước khi xuất phát. Trong khoảng thời gian đó, nó trở thành mục tiêu dễ bị bắn hạ.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), có khả năng nhà khoa học Pakistan A.Q. Khan đã bán cho Bình Nhưỡng thiết kế vũ khí hạt nhân nhỏ do Trung Quốc sản xuất mà ông này từng bán cho Libya và Iran. Tuy nhiên, CNS và nhiều chuyên gia hạt nhân cho rằng các nhà khoa học Triều Tiên chưa hoàn thiện được công nghệ sản xuất đầu đạn hạt nhân nhỏ để gắn lên tên lửa. Dù vậy, các mảnh vỡ tên lửa Unha-3 mà hải quân Hàn Quốc đã thu thập được cho thấy Bình Nhưỡng đã áp dụng công nghệ nước ngoài vào sản xuất tên lửa.

THANH TUẤN - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên