19/01/2013 07:41 GMT+7

Giải cứu con tin đẫm máu ở Algeria

THANH TUẤN - HIẾU TRUNG
THANH TUẤN - HIẾU TRUNG

TT - Cuộc đột kích bất ngờ của quân đội Algeria hôm 17-1 để giải cứu 600 con tin khỏi tay lực lượng Hồi giáo ở mỏ khí đốt tại thành phố In Amenas đã trở thành thảm họa.

30 con tin thiệt mạng trong vụ giải cứu ở AlgeriaAlgeria: 20 người nước ngoài bị bắt cóc

Nhiều khả năng 34 con tin, trong đó có nhiều người nước ngoài, đã thiệt mạng.

4WXFiLKP.jpgPhóng to
Mỏ khí ở Amenas, Algeria - Ảnh tư liệu - Reuters - AFP

Ngày 18-1, vẫn còn nhiều con tin nước ngoài bị giam giữ ở khu mỏ khí đốt Amenas dù quân đội Algeria tuyên bố “thành công”.

Theo Hãng tin Ả Rập Al Jazeera, nhóm bắt cóc vẫn đang cố thủ trong Nhà máy khí đốt Amenas. Trong số 41 con tin người nước ngoài bị bọn bắt cóc giam giữ, chỉ có một số ít thoát nạn.

Gần 600 con tin đã được giải thoát, phần lớn là công nhân Algeria. “Vụ tấn công khủng bố vẫn đang diễn ra - báo Telegraph dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh - Vẫn còn nhiều con tin bên trong nhà máy và một số là người Anh. Chúng ta cần chuẩn bị đón tin xấu”. Chính quyền Algeria thừa nhận hiện quân đội Algeria vẫn đang bao vây nhà máy nằm trong sa mạc Sahara này.

5rLK0fYo.jpgPhóng to
Mokhtar, Belmokhtar, thủ lĩnh nhóm phiến quân Hồi giáo (trái) và một con tin bị thương được cứu chữa trong bệnh viện - Ảnh tư liệu - Reuters - AFP

Tấn công thình lình, giải cứu đẫm máu

Báo chí Algeria cho biết cuộc khủng hoảng bắt đầu lúc 5g ngày 16-1 khi 20 tay súng Hồi giáo tấn công một chiếc xe buýt chở nhân viên Nhà máy khí đốt Amenas ở miền đông Algeria, cách biên giới Libya 60km. Hai nhân viên bảo vệ, một người Anh và một người Algeria bị bắn chết, ít nhất bảy người khác bị thương. Sau đó, những kẻ tấn công đã di chuyển đến nhà máy trên ba xe tải, theo thông tin từ Bộ Nội vụ Algeria, nhưng những nhân chứng cho rằng số lượng xe nhiều hơn thế.

Những kẻ bắt cóc cài chất nổ khắp nhà máy và khẳng định “một kết cục bi kịch” sẽ xảy ra nếu chính quyền Algeria tìm cách giải cứu các con tin. Khi đó, hai nhóm phiến quân Hồi giáo là Katibat Moulathamine (Lữ đoàn mặt nạ) và al-Mua’qi’oon Biddam (Lữ đoàn máu) lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công.

Theo Hãng tin Mauritania ANI, bọn bắt cóc là lính dưới quyền của phiến quân chột mắt khét tiếng Mokhatar Belmokhta. Hắn từng chiến đấu ở Afghanistan những năm 1980 và trong nội chiến Algeria những năm 1990. Tùy tùng gọi hắn là “hoàng tử thánh chiến”. Tình báo Pháp đặt cho hắn biệt danh “kẻ không thể tóm nổi” vì đã trốn thoát sau một loạt vụ bắt cóc năm 2003. Một người dân địa phương tiết lộ những kẻ tấn công này biết rất rõ sơ đồ bên trong mỏ khí đốt. Đó là dấu hiệu cho thấy bên trong mỏ khí có nội gián.

Bọn bắt cóc đòi Chính phủ Pháp phải ngừng chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali nếu muốn chúng trả tự do cho các con tin. Lập tức, ngoại trưởng Algeria tuyên bố: “Chính quyền Algeria sẽ không đàm phán với bọn khủng bố và bắt cóc”. Chiều 17-1, quân đội Algeria bắt đầu tấn công vào Nhà máy Amenas. Lực lượng đặc nhiệm Algeria huy động súng cối, đạn pháo, trực thăng chiến đấu cho chiến dịch “giải cứu”.

Cuộc tấn công dữ dội kéo dài suốt tám giờ. Ít nhất 34 con tin và 11 tay súng Hồi giáo đã thiệt mạng. Báo Anh Guardian dẫn lời anh trai của một con tin thoát chết là Stephen McFaul kể: khi đó, nhóm phiến quân chất nhiều con tin lên năm chiếc xe tải chạy ra khỏi nhà máy. Tất cả con tin đều bị quấn chất nổ quanh cổ. Nhiều khả năng chính tên lửa của quân đội Algeria đã giết chết các con tin.

“Quân đội Algeria đã bắn tên lửa vào bốn trong năm chiếc xe tải. Cả bốn chiếc đều bị phá hủy hoàn toàn - anh trai của McFaul dẫn lời người thoát chết khẳng định - Chắc chắn toàn bộ con tin trên bốn xe tải đều bị sát hại”. Xe của McFaul chỉ bị ảnh hưởng nhẹ và anh đã chạy thoát. Một kẻ bắt cóc liên lạc với Hãng tin ANI và khẳng định vẫn còn ít nhất bảy con tin nước ngoài trong nhà máy, gồm ba người Bỉ, hai người Mỹ, một người Nhật và một người Anh. “Nếu quân đội Algeria xâm nhập được vào nhà máy, chúng tôi sẽ giết sạch con tin” - tay súng này đe dọa.

lWkPjlmV.jpgPhóng to
Bản đồ vị trí mỏ khí nơi các con tin bị bắt giữ - Ảnh: AFP
sCwEZUiv.jpgPhóng to

Sephen McFaul, một trong những con tin vừa được giải cứu an toàn chụp ảnh cùng con trai Dylan (trái) và Jake trong bức - Ảnh do gia đình cung cấp

Các nước giận dữ

Theo báo Washington Post, dù Mỹ đã triển khai máy bay do thám trên bầu trời thành phố In Amenas nhưng vẫn chưa có thông tin về số phận của các con tin. Đến tối 18-1 (giờ VN) vẫn chưa hề có thông tin chính thức nào về số lượng con tin được giải cứu, bị giết chết hay vẫn còn bị giam giữ. Số phận của các con tin nước ngoài vẫn là dấu hỏi lớn.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm qua đã phải cắt ngắn chuyến thăm tới Indonesia để trở về nước giải quyết cuộc khủng hoảng. Có ít nhất 14 con tin Nhật chưa rõ số phận ra sao. “Hành động của lực lượng an ninh Algeria là rất đáng tiếc” - chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga khẳng định. Ông cho biết Tokyo không hề được thông báo trước về vụ tấn công. Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu hồi đại sứ Algeria lên để chất vấn về vụ giải cứu.

Chính quyền Anh cũng hoàn toàn không được thông báo. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông chỉ biết về vụ tấn công nhờ các nguồn tin tình báo mà “phía Algeria thừa biết chúng tôi muốn được tham vấn trước khi tấn công”. Chính quyền Mỹ kêu gọi Algeria phải đặt sự an toàn của các con tin làm ưu tiên hàng đầu. Tình báo Israel đánh giá chiến dịch giải cứu của quân đội Algeria là quá tồi.

Theo AFP, Tổng thống Pháp Francois Hollande mới đây khẳng định cuộc khủng hoảng con tin ở Algeria là bằng chứng cho thấy quyết định can thiệp vào Mali của Pháp là “hợp lý”. 1.400 quân Pháp hiện đã có mặt ở Mali và con số này có thể tăng lên 2.500 quân. Các nước láng giềng châu Phi hiện đang bàn kế hoạch góp quân cho lực lượng Liên Hiệp Quốc cử tới Mali.

__________________________

Giá dầu thế giới biến động

Ngày 18-1, giá dầu thế giới tăng nhẹ 15 cent lên 95,64 USD/thùng. Trong ngày có lúc giá dầu vọt lên trên 96 USD/thùng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo sức ép lên giá dầu thế giới sẽ gia tăng do cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Algeria. Bởi tình trạng bất ổn sẽ “phủ bóng đen” lên nguồn cung dầu thô và khí đốt của quốc gia Bắc Phi này.

Cuộc khủng hoảng ở thành phố In Amenas đã ảnh hưởng đến thị trường năng lượng châu Âu. Lượng khí đốt từ Algeria đến Ý đã giảm khoảng 10 triệu m3/ngày, xuống còn 60-65 triệu m3/ngày.

Canh bạc của Tổng thống Pháp Hollande

Vụ bắt cóc ở Algeria cho thấy nguy cơ xung đột vũ trang tại Mali có khả năng lan rộng ra các nước khu vực vùng Sahel và Sahara.

Sau khi quân đội Pháp can thiệp vào chiến sự Mali, phiến quân Hồi giáo tại nước láng giềng Algeria đã tấn công khu mỏ khí đốt ở thành phố In Amenas, bắt giữ 600 con tin. Mục tiêu là gây sức ép buộc quân Pháp phải rời Mali.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở Mali là một hậu quả ngoài dự kiến của cuộc chiến Libya. Theo tạp chí Anh The Spectator, sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi sụp đổ, phiến quân Tuareg phải tháo chạy khỏi Libya sang Mali. Được vũ trang hùng hậu, lực lượng này tạo ra Phong trào Quốc gia giải phóng Azawad (MNLA), chiếm quyền kiểm soát miền bắc Mali từ tay chính phủ. Các nhóm Hồi giáo cực đoan và al-Qaeda cũng nhảy vào và thành lập một quốc gia Hồi giáo tự trị ở miền bắc Mali.

Lực lượng này liên tục bành trướng về phía nam, buộc Tổng thống Mali Dioncounda Traore phải cầu viện Pháp. Tổng thống Pháp FranÇois Hollande phản ứng bằng việc triển khai chiến dịch Serval nhằm ngăn chặn lực lượng Hồi giáo cực đoan tràn xuống phía nam và giúp chính quyền Mali giành lại quyền kiểm soát miền bắc.

Trận tắm máu ở Algeria diễn ra trong một thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với ông Hollande. Theo tạp chí Foreign Policy, hiện cả dư luận Pháp và thế giới đều ủng hộ ông Hollande. Nhưng sự ủng hộ của dư luận sẽ nhanh chóng biến thành sự chán chường và phản đối nếu con số thường dân và binh sĩ thiệt mạng tăng nhanh.

Vụ bắt cóc ở Algeria cho thấy cuộc chiến ở Mali có thể biến thành một cuộc xung đột quốc tế dọc biên giới vùng Sahel và Sahara. Niger cũng có thể nằm trong tầm ngắm. Các mỏ uranium ở Niger cung cấp 30% nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân Pháp. Năm 2010 một số công nhân làm việc cho Tập đoàn nguyên tử Pháp Areva bị bắt cóc tại Niger, mà hiện vẫn còn bốn người bị giam giữ. Sau Algeria, nạn bắt cóc con tin cũng có thể bùng lên ở Niger.

Trên lý thuyết, Pháp sẽ sớm trao quyền cho lực lượng Chính phủ Mali. Nhưng có thể, người Pháp bị mắc kẹt tại châu Phi.

Uy tín của ông Nicolas Sarkozy, người tiền nhiệm của ông Hollande, đã sa sút nghiêm trọng sau cuộc chiến Libya. Cuộc chiến Mali là một canh bạc chính trị cực lớn của ông Hollande, có thể quyết định đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông.

THANH TUẤN - HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên