17/01/2013 09:45 GMT+7

Cuộc xâm lấn bằng bản đồ

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

TT - Trung Quốc lại tiến hành bước leo thang mới trong nỗ lực lấn chiếm biển Đông, khi Bắc Kinh cho vẽ một bản đồ với hơn 130 đảo ở các vùng biển đang tranh chấp với các nước láng giềng, chủ yếu là biển Đông.

EyN0Do8z.jpgPhóng to

Một tàu hải tuần của Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Hành động của Trung Quốc bất chấp phải trái và sự thật lịch sử. Khảo sát tất cả các bản đồ của Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ và công bố từ năm 1909 trở về trước cho thấy tất cả đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam Trung Quốc. Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Bản đồ này bắt đầu quá trình chế tác từ năm Khang Hi 47 (1708), thực hiện trong gần 200 năm, với sự tham gia của các nhân sĩ Trung Hoa và giáo sĩ phương Tây. Họ đi khắp 13 tỉnh, sưu tập khảo cứu các dư đồ Trung Quốc. Đến năm 1904, nó được Nhà xuất bản Thượng Hải chính thức in ấn. Bản đồ ấy không hề có Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra, chín bản đồ khác vẽ dưới triều Minh và Thanh cũng đều không có Hoàng Sa, Trường Sa.

Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Trung Quốc đưa tàu tuần tra lớn tới biển Đông

Chiều 15-1, chính quyền tỉnh Hải Nam đã đưa tàu Hải Tuần 21, một trong những tàu tuần tra lớn nhất Trung Quốc, đến hoạt động ở khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo Tân Hoa xã, tàu này sẽ tuần tra năm ngày dọc cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Con tàu này cũng sẽ đến tuần tra ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu Hải Tuần 21 dài 93,2m, có bãi đáp trực thăng dài 21m và rộng đến 11m. Phạm vi hoạt động lên đến 4.000 hải lý (7.408 km) mà không phải tiếp nhiên liệu, tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ (40km/giờ). (MỸ LOAN)

Ngược lại, một trong các tài liệu của Đại Việt từ thế kỷ 17 là Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư (1630-1653) do Đỗ Bá soạn, gồm các bản đồ An Nam từ thế kỷ 15, có tấm vẽ các quần đảo trong biển Đông dưới tên gọi Bãi Cát Vàng và Vạn Lý Trường Sa, thuộc phủ Quảng Nghĩa. Ngoài ra còn có những địa danh trên đất liền như các cửa biển Đại Chiêm, Sa Kỳ, Mỹ Á, phủ Quảng Nghĩa và các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa...

Dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho xây miếu, dựng bia, trồng cây, đo đạc hải trình và vẽ bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa. Và vào khoảng năm 1838, triều đình VN đã công bố Đại Nam nhất thống toàn đồ, trong đó Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam.

Khi người Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đi khám phá các vùng biển phương Đông, giao lưu buôn bán và truyền đạo, người phương Tây mới vẽ bản đồ các vùng biển này. Nhà hàng hải nổi tiếng người Hà Lan Henricus Van Langren vẽ bản đồ biển Đông năm 1595. Trong đó Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện dưới dạng một nhóm đảo hình lá cờ đuôi nheo ngoài khơi miền Trung Việt Nam với chú thích “Isle Pracel” và “Costa de Pracel”.

An Nam đại quốc họa đồ (Tabula Grographica Imperrii Anammitici, 1838) được in tại J. Silvestre bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bản đồ do Nhà xuất bản London in năm 1791 thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa, ghi rõ “vẽ theo Dự thảo hàng hải của xứ An Nam 1764”.

Trung Quốc thiếu những chứng cứ lịch sử xác thực để đòi chủ quyền trên biển Đông. Nhưng để phục vụ chủ trương lấn chiếm biển Đông, từ đầu năm 2012 Bắc Kinh huy động 13 cơ quan chuyên môn và trực thuộc bộ phận tuyên truyền của trung ương Đảng Cộng sản và Bộ Ngoại giao Trung Quốc phối hợp vẽ lại bản đồ các vùng biển từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Tấm bản đồ Bắc Kinh công bố, dự kiến phát hành vào cuối tháng 1-2013 là một trong các sản phẩm của nỗ lực nói trên.

Nó sẽ được đưa vào các sách giáo khoa và tuyên truyền quốc tế, phục vụ đấu tranh cưỡng quyền, đoạt lý của Bắc Kinh. Không gì khác hơn, đây là một hành động “xâm lấn bằng bản đồ”.

Tự tạo ra chứng cứ

Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường tuần tra với mưu đồ phá vỡ từng bước sự quản lý của các bên liên quan trên biển Đông. Báo chí Trung Quốc nói luật pháp quốc tế sẽ phân định vùng đảo nào thuộc chủ quyền của nước nào dựa trên chứng cứ. Trong trường hợp không đầy đủ thì sẽ phân định theo hướng ai là người quản lý thực tế. Tăng cường tuần tra và vẽ bản đồ là các biện pháp nhằm chứng tỏ “sự quản lý thật sự” và tạo ra “những chứng cứ” một khi tranh chấp chủ quyền được đưa ra các tòa án quốc tế.

Các vùng biển của Trung Quốc ở phía đông đều bị giới hạn bởi Nhật và Hàn Quốc. Đây là hai cường quốc biển với chiến lược biển và hệ thống pháp luật khá hoàn thiện, lại được sự hỗ trợ của Mỹ. Vì vậy Trung Quốc chọn biển Đông làm hướng đột phá chính để nới rộng diện tích biển Trung Quốc lên khoảng 3,5 triệu km2, theo ước lệ đủ trở thành cường quốc biển. Do đó Bắc Kinh xem việc cụ thể hóa “đường lưỡi bò” chiếm gần 80% diện tích của 3,5 triệu km2 biển Đông là vô cùng thiết yếu.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu ngày 14-1 đã đăng một bài lấy từ mạng của Trịnh Vĩnh Mạn, viện trưởng Viện Đông Á, ĐH Quốc gia Singapore. Ông này nhấn mạnh biển Đông là “đường huyết mạch” đối với chiến lược hải dương của Trung Quốc. Ông ta viết: “Trung Quốc phát triển thành cường quốc hải dương qua con đường nào? Qua Ấn Độ Dương chăng? Rất ít khả năng vì không có đường nối trực tiếp giữa Trung Quốc với Ấn Độ Dương”.

Theo ông Trịnh Vĩnh Mạn, Ấn Độ tất nhiên không thể để cho Trung Quốc dùng Ấn Độ Dương làm bàn đạp phát triển thành cường quốc biển... Nhìn đi nhìn lại, hi vọng của Trung Quốc trở thành cường quốc hải dương đặt cả vào biển Đông... Không có biển Đông, chủ trương địa chính trị hải dương của Trung Quốc hầu như không tồn tại.

Việc Bắc Kinh đưa bản đồ biển Đông vào hộ chiếu, chính quyền tỉnh Hải Nam đòi chặn tàu, khám tàu, giờ lại in bản đồ bao gồm các đảo và quần đảo ở biển Đông... đều vì mục tiêu đó.

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên