27/11/2012 08:00 GMT+7

Bắc Kinh chuẩn bị gây rắc rối mới

MỸ LOAN - T.N.
MỸ LOAN - T.N.

TT - Ngày 25-11, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin hải - không quân Trung Quốc đã thử nghiệm thành công việc cho máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh.

Diễn biến mới này được giới quan sát khu vực và thế giới nhìn nhận ra sao?

PAmGWJjf.jpgPhóng to
Chiếc J-15 chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Liêu NInh - Ảnh: Xinhua

Tân Hoa xã tiết lộ thêm mẫu máy bay tiêm kích J-15 còn có thể mang theo tên lửa chống hạm, tên lửa không đối không, không đối đất và bom dẫn đường chính xác. “Việc cất và hạ cánh thành công của máy bay tiêm kích J-15 được xem là một tín hiệu sẵn sàng chiến đấu của tàu sân bay”- phó giám đốc Viện Nghiên cứu hải quân của quân đội Trung Quốc (PLA) Trương Quân Xã tuyên bố.

Lộ rõ ý đồ bành trướng trên biển

Giới chuyên gia quân sự thế giới nhận định qua hàng loạt cuộc chạy thử nghiệm tàu sân bay Thi Lang rồi máy bay chiến đấu J-15, Bắc Kinh đang muốn gây thanh thế nhằm nắn gân Nhật ở vùng biển Hoa Đông và các nước Đông Nam Á tại biển Đông, những nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp. Báo India Times bình luận đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị gây rắc rối mới trong khu vực.

Theo Bloomberg, để phục vụ ý đồ này, Trung Quốc đang chi 107,3 tỉ USD trong năm 2012, gấp đôi năm 2006 chỉ để tăng cường và bành trướng sức mạnh quân sự vượt khỏi biên giới của mình. Chẳng hạn, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ cho phép Bắc Kinh tiến hành những kế hoạch quân sự bên ngoài trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước xung quanh. Dù ban đầu Bắc Kinh tuyên bố tàu “Liêu Ninh chỉ phục vụ việc huấn luyện và nghiên cứu biển”, song mọi động thái hiện nay đều ngược lại.

“Trung Quốc đã đưa tàu Liêu Ninh vào hoạt động từ tháng 9 và đang có ý định đóng thêm tàu sân bay, rồi triển khai chúng đến biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với các nước Đông Nam Á. Không có chuyện gì mà Trung Quốc không làm, họ chỉ không công khai” - giám đốc chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh New American Patrick Cronin nhận định.

Bằng chứng là ban đầu tàu Liêu Ninh được mua về với mục đích chỉ làm “sòng bài nổi” ở Macau. Song đến tháng 6-2011, PLA tuyên bố con tàu “phế liệu” dài 300m này đã được sửa chữa thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, như Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời giáo sư Vương Bảo Khôn, Đại học Nhân dân Trung Quốc, tiết lộ: “Bắc Kinh có thể chi đến 7 tỉ USD để đóng thêm bốn tàu sân bay và chi thêm 30 tỉ USD để hoàn thiện các tàu sân bay của mình”.

Chuyên gia Andrew Erickson của Học viện chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là bước khởi đầu cho tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên các vùng biển xung quanh nước này.

“Bắc Kinh cứ đánh bài lùi”

Cuộc phô diễn sức mạnh quân sự mới này của Trung Quốc cần phải được nhìn nhận như thế nào trong bối cảnh tình hình khu vực? Báo Asie-Info (Pháp) nêu vấn đề và cho rằng năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận về nguyên tắc một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa có gì được thực hiện. Về nguyên nhân của sự tê liệt này, báo này viết: Thế là đã 10 năm qua. Từ lúc ấy, Bắc Kinh cứ đánh bài lùi. Trung Quốc cứ luôn tuyên bố việc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử sẽ diễn ra vào “thời điểm thích hợp” và chỉ bằng cách thông qua đàm phán song phương. Trong lúc đó, Trung Quốc lại lợi dụng ưu thế quân sự của mình để tiếp tục gây hấn, lấn chiếm và áp đặt ý muốn của mình trên biển Đông, thậm chí xâm phạm những vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam. Năm 2010, Mỹ “nhảy vào” và khẳng định đàm phán về vấn đề biển Đông phải được diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhưng đến nay mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ và gần như bế tắc.

Tuy nhiên, theo báo này, vẫn đang có những động thái mới nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán ASEAN - Trung Quốc. Việc Brunei thay Campuchia làm chủ tịch ASEAN đến cuối năm 2013 có thể thúc đẩy mọi việc theo hướng này. Philippines cũng đã thông báo tổ chức một cuộc họp các thứ trưởng quốc phòng của những nước trực tiếp có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông vào ngày 12-12 tại Manila. Nhà quan sát khu vực, cựu giám đốc tạp chí Kinh Tế Viễn Đông Philip Bowring cho rằng năm nước thành viên ASEAN có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông (Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia) có thể hình thành một nhóm làm việc “có liên hệ không chính thức với ASEAN” và có thể tạo thành một sự đồng thuận về việc đàm phán với Trung Quốc.

MỸ LOAN - T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên