18/11/2012 19:27 GMT+7

Giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình

TRUNG NGHĨA (thực hiện từ Phnom Penh) - HẢI MINH -TTXVN
TRUNG NGHĨA (thực hiện từ Phnom Penh) - HẢI MINH -TTXVN

TTO Phnompenh - Tối 18-11, Hội nghị cấp cao ASEAN 21 đã kết thúc tốt đẹp. Trong các kết quả của hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã ra tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố nhân quyền ASEAN (AHRD).

* Ra tuyên bố Phnom Penh thông qua tuyên bố nhân quyền ASEAN * Thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp phiên họp hẹp để trao đổi về các trọng tâm và ưu tiên của hiệp hội và trao đổi với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).

Phiên họp này diễn ra ngay sau phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

5zXBnQH8.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan trong phiên họp kín tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 chiều 18-11 tại Phnom Penh (Campuchia) - Ảnh: Trung Nghĩa

Tại các phiên họp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã bàn về việc đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, gia tăng kết nối và liên kết khu vực, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Kiểm điểm thực hiện lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, lãnh đạo các nước ASEAN ghi nhận các kết quả tích cực trong triển khai các kế hoạch tổng thể trên cả ba trụ cột, nhất là trong trụ cột kinh tế ASEAN với hơn 70% chỉ tiêu đã được thực hiện.

Trước những thách thức đang đặt ra đối với khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh hiệp hội cần duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm trong định hướng hợp tác và cấu trúc khu vực, nhất là về các vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược chung của ASEAN về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực.

Theo đó, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, tiếp tục phát huy tác dụng các công cụ hợp tác của ASEAN như Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)…

Thêm nữa, ASEAN cần phát huy tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, khuyến khích tăng cường hợp tác với các đối tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra ở khu vực như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác, phát huy vai trò chủ đạo trong thúc đẩy các khuôn khổ và tiến trình hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)..., tạo điều kiện cho các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các đối tác liên quan.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Myanmar trong tiến trình hòa hợp dân tộc, ủng hộ một bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi vũ khí hạt nhân.

Về tình hình ở dải Gaza (Palestine), các nước kêu gọi các bên chấm dứt hành động bạo lực, thù định, nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Trung Đông.

Về biển Đông, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về biển Đông, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Tại phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trước hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong các vấn đề hòa bình và an ninh; thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin giữa các nước; xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp ước TAC, Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, đặc biệt là cần đề cao các nguyên tắc như kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình…

ASEAN cần giữ vững đoàn kết và thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của khu vực trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách đã thỏa thuận, kiên trì tham vấn và xây dựng đồng thuận - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Đề cập đến việc giữ vững vai trò của ASEAN trước các thách thức to lớn ở khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ASEAN đang phải xử lý những thách thức phức tạp cả truyền thống và phi truyền thống, từ những xung đột tiềm tàng tới các vấn đề xuyên biên giới như bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, ứng phó và phòng chống thảm họa thiên tai. Với tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, ASEAN cần tích cực xem xét, trao đổi, phối hợp với nhau, nỗ lực xây dựng lập trường chung ASEAN trong một số vấn đề quan trọng của khu vực. Đó cũng là một trong những biện pháp để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm của mình trong khu vực, nơi các nước lớn đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt.

Về biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp; tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước Luật biển 1982 của LHQ, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông, cũng như sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Về hợp tác Mekong, các nước thuộc tiểu vùng Mekong cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ứng phó với lũ lụt, thiên tai, xâm nhập mặn, bảo đảm an ninh lương thực và quan trọng hơn cả là tìm ra giải pháp lâu dài cho việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, trước hết là cần phải có nghiên cứu tổng thể, khách quan và khoa học về tác động đến môi trường và nguồn nước trong việc khai thác và sử dụng sông Mekong.

Phát biểu về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; ủng hộ việc kêu gọi chấm dứt các hành động bạo lực, thù định, nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Trung Đông.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chúc mừng Campuchia thành công trong trọng trách chủ tịch ASEAN năm 2012; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Brunei trong vai trò chủ tịch ASEAN 2013 để bảo đảm năm chủ tịch ASEAN của Brunei thành công tốt đẹp.

Tối 18-11, Hội nghị cấp cao ASEAN 21 đã kết thúc tốt đẹp. Trong các kết quả của hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã ra tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố nhân quyền ASEAN (AHRD) - văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực, thông qua kế hoạch hành động triển khai tuyên bố Bali về “Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu”, chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN (AIPR).

Trong hai ngày tiếp theo sẽ diễn ra các hội nghị của ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ; Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS).

* Sáng 18-11, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN.

eirdAJxa.jpgPhóng to

Các nhà lãnh đạo ASEAN ở phiên khai mạc hội nghị - Ảnh: AP

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đánh giá cao các kết quả quan trọng trong hợp tác ASEAN thời gian qua, đồng thời đề xuất các trọng tâm và ưu tiên tại hội nghị lần này dưới chủ đề của năm nay là "ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh".

Tại lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN (AIPR) nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về giải quyết hòa bình tranh chấp, cũng như trong lĩnh vực chính trị - an ninh nói chung.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng dự tính thúc đẩy hơn nữa một hiệp định thương mại tự do rộng lớn bao gồm 10 nước ASEAN và các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Các cuộc thương lượng dự kiến chính thức bắt đầu vào ngày 20-11.

Hội nghị sắp tới, ngoài sự tham dự của ông Obama còn có mặt Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và lãnh đạo sáu nước bên ngoài ASEAN.

Chùm ảnh Hội nghị ASEAN 21 Tuổi Trẻ online thực hiện từ Phnompenh:

D4HsnuJu.jpgPhóng to

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 tại Cung Hòa bình, Phnom Penh ngày 18-11

Với việc đón tiếp các nhà lãnh đạo thuộc khối ASEAN cùng với đại diện các nước Ấn Độ, Nhật, Úc, Nga, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ (trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh), các tổ chức khác như Liên Hiệp Quốc và Quỹ Tiền tệ quốc tế - Phnom Penh được bảo vệ cẩn trọng nhất từ trước đến nay.

Trung tướng Kirth Chantharith, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia, cho biết hơn 10.000 nhân viên an ninh bao gồm cảnh sát, cảnh sát quân sự, đơn vị phòng vệ của Thủ tướng Chính phủ và Lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia sẽ túc trực để bảo đảm an ninh tối đa trong suốt thời gian diễn ra các hội nghị thượng đỉnh.

Sau đây là những hình ảnh do PV Tuổi Trẻ Online gửi về từ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia ngày 18-11:

2mKSu48d.jpgPhóng to
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trên đường bước vào hội nghị
atdJQmmV.jpgPhóng to
Quốc vương Brunei Haji Hasanal Bolkiah tham dự hội nghị ASEAN 21
VfWKlbc7.jpgPhóng to
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tiến vào bàn hội nghị
cDKdWvpq.jpgPhóng to
Cảnh sát vũ trang bên ngoài Cung Hòa bình - nơi các nguyên thủ khối ASEAN tham dự hội nghị
6w3Di6x6.jpgPhóng to
Trung tâm báo chí tại Cung Hòa bình với sức chứa trên 2.000 chỗ dành cho các nhà báo tác nghiệp tại hội nghị. Bộ Thông tin Campuchia cho biết có 2.300 nhà báo được cấp thẻ tác nghiệp tại Hội nghị ASEAN 21, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần 7 và các hội nghị liên quan
uBejyT0q.jpgPhóng to
Các phóng viên ảnh và truyền hình tác nghiệp trong các phòng họp của các nhà lãnh đạo ASEAN chiều 18-11
P976Ak91.jpgPhóng to
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan trong buổi họp báo chiều 18-11 về kết quả của phiên họp toàn thể đầu tiên của Hội nghị ASEAN 21
mnzbSSKR.jpgPhóng to
Một người dân Phnom Penh đọc báo có tin tức về Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Campuchia tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á vào hai ngày 19 và 20-11
TRUNG NGHĨA (thực hiện từ Phnom Penh) - HẢI MINH -TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên