Đặc biệt, Tổng thống Obama đã phản công mạnh mẽ, ghi được nhiều điểm trước đối thủ Romney.
Phóng to |
Tổng thống Mỹ Obama và ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Romney chỉ vào nhau khi tranh cãi nảy lửa trong cuộc tranh luận lần 2 ngày 16-10 - Ảnh: AFP |
Phóng to |
Đương kim Tổng thống Dân chủ Barack Obama và đối thủ Cộng hòa Mitt Romney trong buổi tranh luận 16-10 - Ảnh: Reuters |
Theo thăm dò của CNN phối hợp với Hãng khảo sát ORC, 46% người theo dõi qua truyền hình cho rằng ông Obama đã chiến thắng trong cuộc tranh luận, trong khi 39% ủng hộ ứng viên Romney. 73% bày tỏ ông Obama đã thể hiện tốt hơn họ mong đợi, 37% ý kiến nhận xét tương tự về ông Romney. Thăm dò nhanh của CBS News cho thấy 37% cử tri đánh giá ông Obama chiến thắng tranh luận lần này, so với 30% đánh giá cao ông Romney. 33% ý kiến cho rằng hai đối thủ bất phân thắng bại. Cử tri cũng cho rằng Tổng thống Obama đã thu hẹp khoảng cách với ứng viên Romney về khả năng xử lý các khó khăn kinh tế. |
Trong những phút đầu, chủ đề tranh luận là gói giải cứu xe hơi được coi là thành công của ông Obama.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế năm 2008, Tổng thống Obama đã mở rộng chương trình cứu trợ ngành công nghiệp xe hơi bắt đầu dưới thời người tiền nhiệm George W. Bush. Sau đó, ngành này đã trở lại mạnh mẽ và trở thành một trong những điểm cộng quan trọng cho ông Obama trong việc kiếm phiếu bầu ở những bang sản xuất công nghiệp nặng miền trung tây Hoa Kỳ như Michigan và Ohio.
Trong khi đó, đây lại là điểm yếu của Romney khi ông từng viết một bài xã luận trên báo The New York Times với tựa đề Let Detroit Go Bankrupt (Hãy để Detroit phá sản), ý kêu gọi để các hãng sản xuất xe phá sản theo cơ chế thị trường). Tuy nhiên trong cuộc tranh luận, ứng viên Cộng hòa lại nói rằng ông có “cùng lập trường như ông Obama về việc cứu trợ”.
Ông Obama đã tỏ ra tích cực hơn hẳn trong cuộc tranh luận thứ hai so với lần đầu, mà ông bị đánh giá là thất bại. Tổng thống Mỹ cáo buộc ông Romney chỉ nghĩ tới việc giúp đỡ người giàu và chính trị hóa những cuộc tấn công mới đây ở Libya vào phái bộ ngoại giao Mỹ khiến bốn người Mỹ thiệt mạng.
Ông Romney đáp lại rằng giai cấp trung lưu, những người mà ông Obama vẫn tuyên bố bảo vệ, “đã bị nghiền nát bốn năm qua” dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông, rằng 23 triệu người Mỹ hiện vẫn không tìm được việc làm và cái chết của đại sứ Mỹ ở Libya là một phần của chính sách ngoại giao mà chính quyền đương nhiệm đang triển khai.
Ông Obama thách thức ông Romney về các vấn đề chính sách kinh tế và năng lượng, cáo buộc đối thủ của mình thay đổi lập trường và tuyên bố kế hoạch kinh tế của ông Romney là một “thỏa thuận sơ sài” mà công luận sẽ từ chối. Ngược lại, Romney nói những chính sách của tổng thống đã thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế.
Hai đối thủ cũng bất đồng trong các quan điểm về thuế khóa, biện pháp giảm thâm hụt ngân sách, năng lượng, trợ cấp cho phụ nữ và các vấn đề phúc lợi y tế. Chính sách nhập cư cũng gây ra xung đột khi ông Romney nói Obama không thể theo đuổi một đạo luật hoàn chỉnh như ông đã hứa trước khi lên nhậm chức, còn tổng thống cho rằng chính sự cản trở của phe Cộng hòa khiến một đạo luật không thể ra đời.
Về chủ đề Trung Quốc, ông Obama bác bỏ những luận điểm gay gắt của ông Romney với cường quốc châu Á này khi cho rằng ứng viên của phe Cộng hòa đã đầu tư và kiếm lợi từ các công ty Trung Quốc.
“Ngài thống đốc, ngài lẽ ra là người cuối cùng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc - ông Obama nói sau khi ông Romney nhắc lại những lời hứa về việc gây sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề thương mại - Khi ông ấy nói về việc cứng rắn với Trung Quốc, các bạn hãy nhớ rằng Thống đốc Romney đã đầu tư vào những công ty tiên phong tại Trung Quốc và hiện đang đầu tư vào các công ty sản xuất thiết bị viễn thám để Trung Quốc thăm dò chính người dân nước họ”.
Trước đó, ông Romney từng nói một trong những yếu tố quan trọng trong chính sách thương mại của ông là “tấn công Trung Quốc khi họ gian lận”, một cam kết đã được ông lặp lại gần như ở mọi điểm tranh cử trong vài tháng qua. Báo Mỹ The New York Times từng đăng một loạt bài đầu năm nay cho biết Công ty Bain Capital, do ông Romney thành lập, đã thu được nhiều lợi nhuận từ việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Theo tờ báo, công ty này đã đầu tư vào những công ty Trung Quốc cung cấp các hệ thống giám sát cho chính quyền đối với các trường học, bệnh viện, rạp hát…
Ông Romney giải thích về những khoản đầu tư của ông: “Bất cứ khoản đầu tư nào tôi đã bỏ ra trong tám năm vừa rồi là vào các quỹ tín thác, bao gồm nhiều khoản đầu tư bên ngoài nước Mỹ, trong đó có cả Trung Quốc”. Ông Romney cũng cho rằng chính ông Obama không hề biết tiền lương hưu của ông cũng đang được đầu tư vào Trung Quốc. “Ông đã xem thử quỹ lương hưu của ông chưa? - ông Romney hỏi đối thủ". "Tôi không xem quỹ lương của mình” - ông Obama đáp lại - Nó cũng không lớn như của ông. Tôi không kiểm tra thường như thế”.
Phần tranh luận về cách xử lý vụ tấn công sứ quán Mỹ ở Libya được cho là khoảnh khắc căng thẳng nhất. Khi ứng viên Mitt Romney quả quyết rằng Tổng thống Obama đã không có phát biểu nào về vụ việc mà phải chờ đến 14 ngày sau, người điều phối cuộc tranh luận Candy Crowley (đài CNN) đã xen vào rằng: “Thực ra thì Tổng thống đã có phản hồi thưa ngài”. Tuy nhiên, ông Obama tiếp lời với thái độ giận dữ hơn: “Cô có thể nói to lại điều đó hơn không Candy?”.
Hai ứng viên không ngần ngại chỉ thẳng tay vào mặt nhau để chỉ trích. Trong một bác bỏ lập luận của ứng viên Romney, ông Obama nói thẳng: “Không đúng, ông Romney”. Hoặc khi Tổng thống Obama xen ngang vào lời ông Romney, ứng viên này đáp lại: “Rồi ông sẽ có cơ hội để nói. Tôi vẫn còn đang trả lời”.
Ông Obama và ông Romney liên tục rời khỏi chỗ ngồi và tiến về phía đối thủ để bác bỏ lập luận của nhau. Có lúc người điều phối Crowley phải lên tiếng: “Ngài có thể ngồi xuống không thưa Thống đốc Romney”?
Như vậy, đến nay "tỷ số" giữa Obama và Romney là "hòa 1-1" sau 2 cuộc tranh luận trực tiếp trong số 3 cuộc tranh luận trước ngày bầu cử 6-11.
Các phát biểu trong buổi tranh luận thứ hai: Ứng viên Đảng Cộng hòa, cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney: - Về nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama: “Ngài tổng thống đã cố gắng, nhưng chính sách của ông không hiệu quả. Ông là một diễn giả tuyệt vời khi trình bày các kế hoạch và tầm nhìn. Nghe rất tuyệt, ngoại trừ nhìn vào những gì mà ông đã làm, như không thể giảm được thâm hụt ngân sách, đưa vào áp dụng các cải cách chăm sóc y tế và an ninh xã hội càng làm thêm thâm hụt”. - Về kế hoạch việc làm: “Tôi sẽ đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp nhỏ và tôi biết cách thực hiện điều đó, vì sự nghiệp của tôi bắt đầu từ khối tư nhân”. Ông Romney khẳng định: “Khi các sinh viên tốt nghiệp vào năm 2014 và nếu tôi được trở thành tổng thống, tôi bảo đảm các bạn sẽ có việc làm”. - Về chính sách thuế: “Tôi sẽ không giảm tỉ lệ chịu thuế của những người có thu nhập cao nhất và không bao giờ tăng thuế của những người tầng lớp trung lưu. Các kế hoạch chi tiêu và vay mượn của tổng thống chỉ khiến đất nước này buộc phải tăng thuế của toàn bộ người dân chứ không chỉ là giới thượng lưu”.
Ứng viên Đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama: - Về cách giải quyết cuộc tấn công ở Libya: “Không phải ai cũng đồng tình với những quyết định của tôi, nhưng khi đó là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, chúng tôi phải xác định chính xác việc gì đã xảy ra, mọi người đều có trách nhiệm liên quan và tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Khi chúng tôi còn đang xử lý việc tính mạng các nhân viên ngoại giao bị đe dọa thì ông Romney lại ra thông cáo. Đây không phải là cách hành động của một tổng tư lệnh. Ông không được biến một vấn đề an ninh quốc gia thành vấn đề chính trị, đặc biệt là khi vụ việc còn đang tiếp diễn”. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ Lãnh sự quán Mỹ bị tấn công ở Libya, cho rằng trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các cơ quan ngoại giao thuộc về bà. - Về chính sách thuế của ông Romney: “Ông ta khẳng định chính sách thuế sẽ không gây thâm hụt thêm và sẽ giảm thuế cho người trung lưu. Nhưng khi được hỏi “vậy ông sẽ thực hiện điều đó như thế nào, những khoản nào được khấu trừ…?” thì ông ấy không thể trả lời”. - Về tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc của ông Romney: “Hãy nhớ rằng Thống đốc Romney đã đầu tư nhiều vào các công ty tiên phong trong việc chuyển gia công phần mềm cho đối tác Trung Quốc. Ngài thống đốc, ngài sẽ là người cuối cùng muốn cứng rắn với Trung Quốc!”. - Về kế hoạch kinh tế của ông Romney: “Ông Romney nói đã vạch ra kế hoạch năm điểm, nhưng thật ra ông ấy chỉ có một điều: đó là bảo đảm tầng lớp thượng lưu sẽ hoạt động theo bộ quy luật khác hẳn. Đó là triết lý của ông khi còn là doanh nhân, là thống đốc và giờ là ứng viên tổng thống”. - Vì sao dân Mỹ nên bầu cho ông Obama? “Vì những cam kết mà tôi đã thực hiện. Với những gì tôi chưa thể hoàn thành, đó không phải là vì thiếu sự cố gắng, mà chúng tôi sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ hai”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận