07/09/2012 08:22 GMT+7

Anh điều tra giá xăng

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Cơ quan Bình đẳng thương mại Anh (OFT) đang điều tra nghi vấn các công ty xăng dầu thao túng giá xăng để trục lợi.

Dư luận bức xúc: tại sao giá xăng tăng mạnh khi giá dầu thô tăng, nhưng giá xăng lại không giảm nhanh khi giá dầu đã giảm?

FP5YGJIW.jpgPhóng to

Giá xăng không giảm dù giá dầu đã hạ khiến các tài xế bức xúc - Ảnh: Reuters

Theo báo Guardian, cuộc điều tra được tiến hành sau khi dư luận lên tiếng chỉ trích các công ty xăng dầu đã hớt tay trên lợi ích của khách hàng. Nó cũng thể hiện lo ngại của Chính phủ Anh về tác động của giá xăng đối với nền kinh tế vốn đang khó khăn của Anh.

Chính phủ Anh tỏ ra hết sức nhạy cảm với những bất mãn về giá nhiên liệu hiện nay kể từ sau làn sóng đình công của tài xế xe tải và nông dân vào năm 2000, vốn đã gây nên cú sốc mạnh mẽ cho hệ thống phân phối, người tiêu dùng, công ty và các dịch vụ công. Lần này, những chỉ trích còn có phần gay gắt hơn trong bối cảnh nước Anh đang lún sâu vào suy thoái.

Trong giai đoạn khó khăn, từ tháng 6-2007 đến tháng 6-2012, tại Anh giá xăng đã tăng đến 38%, trong khi giá dầu diesel nhảy vọt thêm 45%. “Có một cảm giác chung là khi giá dầu tăng thì giá xăng vọt lên ngay lập tức, nhưng khi giá dầu xuống thì giá xăng lại không thấy hạ. Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng tức giận” - chuyên gia Quentin Willson thuộc nhóm vận động FairFuelUK nhận xét.

Thiếu cạnh tranh

OFT đã yêu cầu các nhóm công nghiệp, tài xế và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cung cấp thông tin. “Chúng tôi muốn có một cái nhìn sâu rộng về vấn đề này, cho phép mọi người chia sẻ những lo ngại và bằng chứng với chúng tôi. Điều này sẽ giúp chúng tôi xác định liệu các cáo buộc có căn cứ chắc chắn hay không để có những hành động tiếp theo” - giám đốc nhóm thị trường công, hạ tầng và dịch vụ của OFT Claire Hart kêu gọi.

Bị trấn lột do trục lợi trên giá xăng

Khảo sát của một ủy ban thuộc Hạ viện Anh cho thấy 50% người dân tin rằng các công ty năng lượng trục lợi trên giá xăng, trong khi chỉ 23% nói là do giá dầu tăng. Tim Yeo, chủ tịch Ủy ban năng lượng và biến đổi khí hậu, nhấn mạnh cần có các biện pháp để người dùng không còn cảm giác bị “trấn lột”. “Cần có sự cạnh tranh trên thị trường này và minh bạch hơn về lợi nhuận” - ông nhấn mạnh.

Bên cạnh, OFT cũng điều tra mức tương ứng lên xuống giữa giá xăng và dầu thô và xem xét vấn đề cạnh tranh ở lĩnh vực xăng dầu. Số trạm xăng ở Anh chỉ còn khoảng 9.000 trạm, giảm hơn một nửa so với năm 1990. “Một số công ty dầu và siêu thị lớn có những hành động khiến các nhà bán lẻ xăng dầu độc lập khó cạnh tranh” - OFT cho biết. Các đối tượng nằm trong tầm ngắm gồm BP, ExxonMobil, Shell và các siêu thị Tesco, Asda, Sainsbury’s và Morrisons. Trong khi các ông lớn xăng dầu bị cáo buộc bán giá cao cho các nhà bán lẻ thì các siêu thị lại thường bán rẻ xăng để thu hút khách hàng vào mua sắm.

Ngoài ra, OFT cũng sẽ điều tra các nhà đầu cơ và nghi vấn thông đồng để ấn định giá xăng.

Báo cáo điều tra sẽ được OFT chuyển cho chính phủ vào tháng 1-2013. Nếu xác định có sai phạm, cơ quan này tiếp tục điều tra nhằm quyết định chuyển vụ việc qua Ủy ban Bảo vệ cạnh tranh của Anh hay đưa ra quyết định xử phạt, buộc các công ty bán lẻ xăng dầu phải chấn chỉnh.

Các nước cùng vào cuộc

Động thái của OFT khiến người tiêu dùng cảm thấy được xoa dịu phần nào. Bộ Vận tải Anh tuyên bố “hoan nghênh” và “trông chờ kết quả cuộc điều tra”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng việc điều tra này là quá muộn màng. Theo Edmund King - chủ tịch Hiệp hội Ôtô Anh, các tài xế Anh đã trở thành nạn nhân của giá xăng tăng kỷ lục thời gian qua và cảnh báo “nếu không có sự minh bạch về giá, các tài xế khó biết được liệu họ có đang trả một mức giá công bằng hay không”.

Bức xúc về giá xăng cũng dâng cao tại nhiều nước như Đức, Tây Ban Nha, Úc, buộc chính phủ các nước này phải vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng.

Tháng 8-2012, cơ quan cạnh tranh của Tây Ban Nha đã lên tiếng yêu cầu chính phủ cải tổ ngành xăng dầu để phá bỏ các rào cản đối với các nhà bán lẻ xăng và cho phép các cơ sở này phát triển. Trước đó, Chính phủ Đức cũng điều tra sự độc quyền của các công ty xăng dầu đa quốc gia sau khi nhiều nhà bán lẻ xăng phàn nàn về mức giá quá cao. Chính quyền Berlin cũng đề xuất thiết lập một cơ sở dữ liệu thời gian thực để theo dõi sát giá mua và bán của xăng và dầu diesel, cho phép các tài xế dùng hệ thống định vị vệ tinh xác định trạm xăng nào có giá bán thấp nhất.

“Việc công bố đầy đủ thông tin là nhằm đảm bảo giá xăng công bằng, hợp lý và quan trọng nhất là hạ nhanh khi giá dầu thô giảm” - nhóm FairFuelUK đánh giá.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên