Xem hồ sơ thông tin Trung Quốc âm mưu độc chiếm biển Đông
Phóng to |
“Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với các nước ASEAN thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) một cách toàn diện và hiệu quả” - Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói. Phản ứng lại việc ASEAN công bố nguyên tắc sáu điểm về biển Đông, ông Hồng Lỗi khẳng định: “Trung Quốc coi trọng tầm quan hệ với ASEAN”.
Nhưng ngay lập tức chính quyền Bắc Kinh thể hiện trò hai mặt về vấn đề biển Đông. Ông Hồng Lỗi lý giải “vấn đề cốt lõi” ở biển Đông là tranh chấp chủ quyền về quần đảo Trường Sa và sự phân ranh giới các vùng nước gần kề quần đảo này. Ông này cũng không quên chêm thêm câu: “Trung Quốc có bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của mình ở quần đảo này và các vùng nước liền kề”.
Tàu cá Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam Tân Hoa xã cho biết đến chiều 20-7, đoàn tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc đang xuất hiện ở vùng biển gần đảo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, đoàn tàu này đã gặp mưa to gió lớn, song vẫn ngoan cố luẩn quẩn ở khu vực này để chờ đánh bắt cá. Như vậy trong gần mười ngày tràn xuống biển Đông, 30 chiếc tàu cá của Trung Quốc đã cố tình xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam ở các đảo đá Chữ Thập, đảo đá Xubi và đảo đá Vành Khăn. |
Bằng chứng của trò hai mặt này là cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Bộ chỉ huy quân khu Quảng Châu cho biết Quân ủy trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập một “quân khu Tam Sa” và sẽ điều một đơn vị quân đội đến đồn trú ở đây, tức trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Đơn vị này sẽ thuộc quyền chỉ huy của Quân khu Hải Nam.
Động thái này cộng với việc tàu quân sự Trung Quốc xuất hiện trên biển Đông rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang lấn thêm một bước nữa trong ý đồ quân sự hóa biển Đông nhằm độc chiếm vùng biển quốc tế này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc Trung Quốc thành lập “quân khu Tam Sa”, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh các hành vi quân sự nhằm khẳng định “chủ quyền” một cách bất hợp pháp trên biển Đông.
“Với động thái này, Trung Quốc không chỉ vi phạm trắng trợn UNCLOS, mà còn chà đạp lên nguyên tắc cùng chung sống hòa bình với các nước mà chính Bắc Kinh đã đặt ra” - thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định. Theo ông, các động thái gây hấn trên biển Đông của Trung Quốc về lâu về dài chỉ có hại cho chính nước này: “Bởi Bắc Kinh có thể đạt được một số mục đích ở biển Đông, song họ đã đánh mất hoàn toàn lòng tin của cộng đồng quốc tế”.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Theo báo Daily Inquirer, ngày 23-7 Quốc hội Philippines sẽ họp để thảo luận việc đưa việc tranh chấp với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough ra tòa án quốc tế về luật biển. Chính quyền Tổng thống Benigno Aquino cũng phản ứng dữ dội về việc tàu cá Trung Quốc tiếp tục xuất hiện hàng đàn ở bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ngày 21-7, nguồn tin an ninh của Philippines cho biết Trung Quốc đã đưa thêm nhiều tàu đến bãi cạn Scarborough trong suốt hai tuần qua dù trước đó hai bên cùng cam kết rút hết tàu ra khỏi khu vực này. Hiện số tàu của Trung Quốc ở bãi cạn này đã lên đến 30 chiếc, cao gấp mười lần so với hồi đầu tháng. Trong số đó có cả tàu hải quân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận