Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN: không có thông cáo chungViệt Nam lấy làm tiếc AMM-45 không có thông cáo chung
Phóng to |
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã cảm ơn Trung Quốc về việc trợ giúp 430.000 USD để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN! - Ảnh: AFP |
Báo Phnom Penh Post dẫn nguồn từ Hội đồng Phát triển Campuchia cho biết đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước này năm 2011 đạt 1,192 tỉ USD, tăng 71,82% so với năm 2010. Con số này cao gần 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia.
Giúp đỡ không kèm điều kiện nào
"Bạn nghĩ rằng sau 99 năm khu đất này sẽ được trả lại cho Campuchia? Bạn nghĩ là người Trung Quốc sẽ bị đá ra? Không đời nào. Điều này là vĩnh viễn" |
Vào tháng 2 năm nay, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng đã cho Campuchia vay 302 triệu USD để xây dựng đường sá và các dự án thủy lợi. Đây là khoản vay bổ sung vào khoản vay 198,2 triệu USD hồi tháng 8-2010.
Trung Quốc còn là nước viện trợ lớn nhất vào Campuchia với những khoản viện trợ không điều kiện. Với những khoản viện trợ dễ dãi như vậy, Campuchia sẽ ít bị phụ thuộc vào các “nhà hảo tâm” phương Tây, vốn luôn đưa ra những điều kiện khắt khe về tính minh bạch và nhân quyền.
Theo các thư tín ngoại giao của Mỹ được WikiLeaks tiết lộ, đổi lại những khoản viện trợ không điều kiện này, các công ty Trung Quốc được “tiếp cận nguồn tài nguyên và khoáng sản dồi dào” của Campuchia.
Cùng lúc, Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Campuchia. Tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn Sinohydro của Trung Quốc đã hoàn thành nhà máy thủy điện Kamchay và là nhà máy điện quy mô lớn đầu tiên của Campuchia. Một công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào một nhà máy nhiệt điện gần Sinhanoukville. Hồi tháng 6, với khoản vay 102 triệu USD của Trung Quốc, Campuchia đã cho xây dựng một con đập mới ở tỉnh Battambang.
Một công ty Trung Quốc không được nêu tên cũng sẽ đầu tư gần 400 triệu USD vào một nhà máy nhiệt điện có công suất 300MW ở tỉnh Kampot. Dự án sẽ được động thổ vào tháng 11 này. Campuchia sẽ dành 1.000ha cho dự án này với 600ha cho nhà máy điện và 400ha cho khu du lịch, kinh doanh và nhà ở. Phnom Penh Post dẫn lời tỉnh trưởng Kampot Khoy Khunhour khẳng định “điều này là quan trọng và chúng ta cần những đầu tư như vậy”.
Nhà báo Mỹ Robert Carmichael trong một bài viết được phát trên VOA cho biết trong năm năm qua, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng nhất của Campuchia. Từ năm 2006 đến nay, chính quyền Phnom Penh đã phê chuẩn các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá 6 tỉ USD, và Trung Quốc cũng đã cấp cho Campuchia những khoản tài trợ không hoàn lại cùng những khoản cho vay trị giá hơn 2 tỉ USD. Những khoản tiền này là rất lớn đối với Campuchia, nước có GDP khoảng 10 tỉ USD.
Ông Cheang Vanrarith, người đứng đầu Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia, thừa nhận đầu tư và viện trợ của Trung Quốc ở Campuchia cũng mang lại những lợi ích khác cho Trung Quốc. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có lẽ nhìn xa hơn những quyền lợi kinh tế trước mắt để hướng tới những quyền lợi chiến lược trong khu vực này. Vì Trung Quốc thường tự xem mình là trung tâm của vũ trụ”.
Phóng to |
“Đây là Trung Quốc”
Tập đoàn phát triển liên hợp Thiên Tân (Union Group) đang đầu tư vào một khu nghỉ dưỡng và sòng bài lớn ở Botum Sakor thuộc tỉnh duyên hải Koh Kong hướng ra vịnh Thái Lan.
Theo Luật đất đai của Campuchia năm 2001, việc cho thuê đất làm kinh tế vượt quá 10.000ha là bị cấm. Nhưng Union Group lại thuê được đến 36.000ha đất ở Botum Sakor với thời hạn đến 99 năm. Năm ngoái, Union Group lại được thuê thêm 9.100ha đất để xây dựng đập thủy điện.
Union Group có tham vọng biến 36.000ha này thành một “Angkor Wat trên biển”, bao gồm hệ thống đường sá, sân bay quốc tế, cảng biển cho các du thuyền lớn, khu căn hộ chung cư, khách sạn, bệnh viện, sân golf, sòng bài. Union Group sẽ đổ 3,8 tỉ USD vào dự án này ở Botum Sakor, vốn bao phủ một khu vực có diện tích gần bằng một nửa đất nước Singapore. Một con đường cao tốc bốn làn xe xuyên qua rừng già cũng được xây dựng với chi phí 1,1 triệu USD/dặm. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội lo ngại việc xây con đường sẽ tiếp tay cho bọn buôn gỗ lậu và khiến rừng bị phá hủy nhanh hơn.
Giám đốc Tổ chức bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Phnom Penh Chut Wutty lo ngại các công viên quốc gia và nơi trú ẩn của các loài động vật hoang dã ở Campuchia sẽ sớm bị xóa sổ.
Các công trường dọc đường cao tốc này còn là nơi ở của nhiều kỹ sư Trung Quốc và được lính Campuchia canh gác cẩn mật. Khi muốn tiếp cận khu resort ở Botum Sakor, phóng viên của Reuters đã bị một nhân viên kiểm lâm chặn lại và dọa sẽ gọi quân cảnh đến hỗ trợ. “Đây là Trung Quốc”, Reuters trích nguyên văn lời viên kiểm lâm này cho biết lý do.
Không chỉ lo ngại cho môi trường của công viên quốc gia Botum Sakor bị phá hoại, người dân địa phương còn bức xúc vì dự án này đang cướp đi nguồn kiếm sống duy nhất của họ là đánh bắt thủy sản. Ngư dân địa phương cũng nói họ bị đuổi khỏi nơi sinh sống. Ông Srey Khmao, 68 tuổi, nói: “Chúng tôi sống yên bình ở đây cho đến khi Union Group đe dọa dân làng và bảo chúng tôi phải dỡ bỏ đồ đạc”.
Một chủ cửa hàng bán rau quả là Chey Pheap, 42 tuổi, nói ông tức giận nhưng chẳng làm gì được. Ông kể dân làng sẽ phải sớm di chuyển vào sâu trong đất liền 10km. “Không có việc làm, không có nước, không có trường học, không có đền chùa. Chỉ có sốt rét mà thôi” - ông Chey Pheap mô tả chỗ ở mới của dân làng. Nhorn Saroen, 52 tuổi, là một trong số hàng trăm gia đình phải chuyển đi khỏi làng chài của mình, kể: “Chúng tôi được bảo đó là đất của người Trung Quốc và chúng tôi không được đốn hạ một cây nào ở đây hết”.
Reuters nêu rõ khu đất thuê của Union Group ở Botum Sakor có thể dễ dàng tiếp cận cả vịnh Thái Lan lẫn biển Đông.
Chuyện đã rõ Từ đầu năm 2012 đến nay, liên tiếp diễn ra những chuyến thăm Campuchia của các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao Trung Quốc cùng kèm theo những “món quà” có ý nghĩa. Vào thời điểm này, Campuchia lại đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN. Mở đầu là vào cuối tháng 2 với “món quà đầu tiên” khi Trung Quốc trợ giúp Campuchia trang thiết bị trị giá 430.000 USD để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN mà Campuchia là nước chủ nhà. Đón nhận sự trợ giúp này tại một buổi lễ ở trụ sở Bộ Ngoại giao Campuchia, Ngoại trưởng Hor Namhong đã mô tả nào là “Trung Quốc là nước đầu tiên chủ động trợ giúp dù Campuchia chưa chính thức lên tiếng”, nào là “Trung Quốc luôn là nước bạn bè số một của Campuchia và đã liên tục viện trợ cho Campuchia trên nhiều lĩnh vực”, nào là “món quà hôm nay rất đúng lúc và quý hơn giá trị thực tế của nó”, nào là “món quà của Trung Quốc hôm nay càng khẳng định thêm tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước sẽ ngày càng gắn bó trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương mại, đầu tư”! Cuối tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thăm Campuchia với cam kết ủng hộ Campuchia trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nỗ lực của phía Campuchia khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN. Hai nước nhất trí tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện và ký một loạt văn bản hợp tác song phương. Tiếp đó vào cuối tháng 5, chỉ vài ngày trước Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đến thăm Campuchia và cùng Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tea Banh ký nghị định thư về hợp tác song phương. Theo đó, Trung Quốc sẽ giúp Campuchia 20 triệu USD để củng cố quốc phòng. Ngày 10-7, ngay trước thềm Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã có cuộc gặp trước với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Đề cập đến những “món quà” của Bắc Kinh, TTXVN trong bản tin đã bình luận: “Nhiều nhà phân tích ở Campuchia nói rằng việc Trung Quốc chủ động giúp Campuchia càng làm dấy lên lo ngại gần đây về tính trung lập của Campuchia khi đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó có vấn đề biển Đông vốn là nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN”. Việc Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung xem như đã rõ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận