Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ hai từ phải sang) và bộ trưởng ngoại giao các nước tại Hội nghị EAS ngày 12-7 - Ảnh: AFP |
Phóng to |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì bước vào phòng họp song phương trưa 12-7 - Ảnh: AFP |
Hai chủ đề này đã thể hiện rõ mong muốn hòa bình và ổn định cho châu Á - Thái Bình Dương của các bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Á, Mỹ, New Zealand, Úc, Ấn Độ và 10 nước ASEAN. Trong đó vấn đề biển Đông vẫn là nóng nhất.
Theo tin từ Bộ Ngoại giao VN, nhiều nước đã phát biểu bày tỏ quan ngại về các diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
4 không
"Việc sử dụng cách tiếp cận song phương (theo yêu sách của Trung Quốc) có thể khiến đàm phán trở nên rối loạn, thậm chí dẫn đến các cuộc đối đầu" |
Bà Hillary Clinton thúc giục các nước làm việc với nhau một cách hợp tác, ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà “không ép buộc, không hăm dọa, không đe dọa và tất nhiên không sử dụng vũ lực”. Ngoại trưởng Mỹ cũng không quên nhắc các đối tác về những căng thẳng gần đây trên biển Đông khi nói rằng không quốc gia nào có thể không quan ngại về sự gia tăng căng thẳng và bất đồng về khai thác tài nguyên trên biển Đông.
Bà cũng nêu sự lo lắng của Mỹ về những ép buộc kinh tế và việc sử dụng các tàu quân sự, tàu chính phủ cũng như tranh cãi về vấn đề ngư dân trong khu vực thời gian qua. Bà đồng thời nhắc lại thông điệp đã đưa ra trong chuyến thăm Hà Nội cách đây vài ngày: “Chúng tôi trông đợi Asean và Trung Quốc sẽ có tiến triển đáng kể trong việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) dựa trên các thỏa thuận và luật quốc tế.
Tại cả hai hội nghị EAS và ARF, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông, vi phạm tới quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển. Ông nhấn mạnh các nước phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Ông cũng cho rằng cả hai diễn đàn EAS và ARF đều cần phải đóng góp hiệu quả hơn nữa cho các mục tiêu chung của khu vực là bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải, xây dựng lòng tin; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Philippines cáo buộc Trung Quốc chơi trò hai mặt
Cũng tại ARF, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc đang chơi trò “lá mặt lá trái” và “đe dọa” ở biển Đông. “Nếu chủ quyền và quyền tài phán của Philippines có thể bị một nước mạnh (Trung Quốc) phỉ báng thông qua áp lực, nói một đằng làm một nẻo, áp bức, hăm dọa và sử dụng vũ lực thì cộng đồng quốc tế cần quan tâm đến hành vi này” - AFP dẫn lời ngoại trưởng Philippines nêu rõ.
Đề cập tình hình căng thẳng ở bãi cạn Scarborough, ông Del Rosario cáo buộc quan điểm hung hăng của Bắc Kinh là một mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh: “Nếu không được kiềm chế, căng thẳng cứ tiếp tục nảy sinh và làm tình hình leo thang hơn nữa, đẩy cả khu vực vào tình thế thù địch và bạo lực mà không nước nào muốn. Chính điều này đang gây nguy hiểm ngày càng lớn cho sự năng động kinh tế của toàn khu vực, vốn đã được xây dựng dựa trên sự ổn định và hòa bình trong nhiều năm qua”.
ASEAN đang tiến thẳng đến COC
Ngoại trưởng Mỹ Clinton cho biết bà đã có cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì chiều qua tại Phnom Penh. Mặc dù trông đợi tiến bộ rõ rệt về khả năng ra đời một COC, song đến nay tiến triển duy nhất đến từ phía Asean là các nước đã thống nhất được những nhân tố cơ bản của COC.
Ngoại trưởng Clinton tiết lộ thảo luận về COC tại ASEAN đang diễn ra rất căng thẳng. Bà cho rằng đây là dấu hiệu sự trưởng thành của ASEAN. “Họ đang đánh vật với vài vấn đề rất hóc búa ở đây. Nhưng họ không dìm chúng xuống mà đang tiến thẳng vào các vấn đề đó. ASEAN nhấn mạnh sự thống nhất và để trưởng thành và phát triển, ASEAN sẽ cần phải giải quyết các vấn đề khó” - bà nhấn mạnh.
Trao đổi với các phóng viên, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng bày tỏ lo ngại trước khả năng ASEAN không thống nhất được tiếng nói chung về vấn đề biển Đông “sau khi ASEAN đã thảo luận đến giờ thứ 11”. “Tôi nghĩ sẽ rất vô trách nhiệm nếu chúng ta không thể đưa ra được tuyên bố chung về biển Đông”. Thông thường, các hội nghị cấp cao như lần này đều ra tuyên bố chung khi kết thúc. Phiên bế mạc các hội nghị bộ trưởng ngoại giao Asean lần thứ 45 diễn ra hôm nay 13-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận