10/07/2012 10:59 GMT+7

ASEAN đạt thỏa thuận quy tắc ứng xử biển Đông

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Ngày 9-7, các nước ASEAN đã đạt được một thỏa thuận về quy tắc ứng xử trên biển Đông và sẽ tìm cách đối thoại với Trung Quốc, theo lời ông Kao Kim Hourn, người phát ngôn Bộ ngoại giao Campuchia.

ASEAN thảo luận về COC

026QvBVS.jpgPhóng to
Ảnh: AP

Dự kiến hôm nay 10-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ thăm Việt Nam. Tiếp theo đó bà đến Lào và sang Campuchia tham dự cuộc gặp giữa 25 nước châu Á Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu (EU) trong một hội nghị an ninh thường niên.

Bà cũng sẽ công bố “những nguồn lực mới rất quan trọng” cho các quốc gia dọc theo sông Mekong, theo lời Trợ lý Bộ trưởng Kurt Campbell nói ngay trước chuyến đi.

Các đồng minh của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng theo đuổi quan hệ gần gũi với các nước Đông Nam Á. Về mặt quân sự, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi tháng 5 tuyên bố Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương cho tới năm 2020.

Năm nền kinh tế ở ASEAN, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn toàn bộ phần còn lại thế giới trong hai năm tiếp theo, theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 4. Năm 2013, nhóm ASEAN-5 sẽ có tốc độ tăng trưởng 6,2%, so với 2,4% ở Mỹ, 0,9% ở EU và 1,7% ở Nhật Bản.

“Mỹ đang tăng cường đáng kể đầu tư, về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các lĩnh vực khác, ở khu vực này”, bà Clinton nói trong một bài phát biểu ngày 9-7 tại thủ đô Mông Cổ, Ulan Bator.

Mỹ cũng đang thương lượng một thỏa thuận thương mại bao gồm chín nước, trong đó có bốn nước ASEAN, và đã giảm bớt các lệnh cấm vận với Myanmar vào tháng 5. Những động thái của Mỹ với ASEAN diễn ra sau khi Trung Quốc thay thế nước này trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối gồm 10 nước này trong thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, thương mại Trung-Mỹ vẫn rất lớn khi đặt cạnh các nước ASEAN, ở mức 503 tỉ USD vào năm 2011, hơn hai lần rưỡi so với mức 194 tỉ USD thương mại tổng cộng giữa ASEAN và Mỹ, theo số liệu từ Cục thống kê Hoa Kỳ.

Tầm quan trọng về kinh tế của Trung Quốc đã khiến ASEAN không thể hình thành một lập trường chung về các vấn đề tranh chấp trên biển Đông, theo lời Zhu Zhiquan, giáo sư Đại học Bucknell ở Lewisburg, Pennsylvania, Mỹ.

Từ đây vai trò của Mỹ trong vùng càng quan trọng. “Chúng tôi có lợi ích quốc gia, giống như bất cứ nước nào, trong việc đảm bảo tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật phát quốc tế và thương mại hợp pháp, không bị cản trở ở biển Đông”, bà Clinton nói ngày 8-7 tại Tokyo, Nhật Bản. “Vì thế chúng tôi tin rằng các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên hợp tác và giải quyết các tranh chấp qua đường ngoại giao mà không khiêu khích, đe dọa và tránh xảy ra xung đột”.

Trung Quốc thì nói họ sẽ làm việc song phương với từng nước về các tranh chấp, theo lời Thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải ở Hong Kong tuần trước, và cảnh báo Mỹ không có tuyên bố lãnh thổ gì ở vùng biển này.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên