Gia đình Phùng Kiến Mai “phản bội tổ quốc”Chồng của sản phụ bị ép phá thai mất tích
Phóng to |
Phùng Kiến Mai tại bệnh viện sau khi bị ép phá thai - Ảnh: Rex Features |
Từ năm 2005, nhiều vụ tương tự như cô Phùng đã xảy ra ở các vùng quê Trung Quốc.
Đặng Cát Nguyên, chồng thai phụ, đã có mặt ở Bắc Kinh hôm 28-6 để tìm sự giúp đỡ về pháp lý. Anh đã xuất hiện trở lại sau gần một tuần “mất tích”.
Đặng Cát Nguyên không cung cấp nhiều chi tiết về tình trạng của vợ mình, chỉ nói anh cảm thấy chịu nhiều áp lực khi bị gọi là “kẻ phản quốc” vì tiếp xúc với báo giới nước ngoài. Trong một cuộc tiếp xúc qua điện thoại với Wall Street Journal, chị dâu của thai phụ là Đặng Cát Tài cho biết cô Phùng có thể được về nhà sau khi kiểm tra sức khỏe lần cuối và giờ không ai cản cô rời khỏi bệnh viện nữa. “Những người của chính quyền đã đi hết” - cô Đặng xác nhận.
“Kẻ phản quốc”?
Anh Đặng Cát Nguyên đã bí mật rời khỏi địa phương, vượt hàng ngàn cây số để đến Bắc Kinh cầu cứu. Sau hai lần bất thành, cuối cùng anh đã trốn thoát được. “Chúng tôi không hài lòng với kết quả điều tra vụ việc” - anh nói về lý do đến Bắc Kinh tìm sự hỗ trợ về pháp lý - Chính quyền không nói gì nhiều với tôi. Họ chỉ nói: Cái gì xong thì đã xong rồi. Tình hình này đã xảy ra rồi. Sau khi tôi đi, tôi còn nghe rằng họ treo băngrôn gọi tôi là kẻ phản quốc. Họ làm vậy để dọa dẫm tôi”.
Trước đó, tối 24-6, anh được gọi đến ăn tối với một số quan chức địa phương. “Ngay trước khi bữa ăn bắt đầu, ông trưởng thôn nhận được điện thoại của lãnh đạo thị trấn và bỏ đi - anh Đặng kể - Tôi nhận ra cơ hội chạy trốn của mình đã đến”.
Theo lời anh kể, anh đã bị một phụ nữ đi xe máy bám theo. Anh đi dọc bờ sông khiến người phụ nữ kia phải bỏ lại xe máy để chạy theo. Cắt đuôi được người này, anh tìm đến ở tại nhà một người bạn tại thôn Ngư Bình hai ngày, tháo hết SIM điện thoại, tháo cả pin, không dám ngủ và đi mua quần áo mới vì sợ bị bắt. Sau đó, anh thuê một chiếc xe chở đến thành phố An Khang thuộc tỉnh Thiểm Tây.
Không dám đi tàu vì sợ người của chính quyền địa phương “đón lõng” ở ga, anh thuê một chiếc xe khác và trải qua 10 giờ để đến Thập Yển (Hồ Bắc) rồi sau đó đi tàu đến Bắc Kinh.
Đe dọa lột da!
Câu chuyện mà chồng thai phụ này muốn lên tiếng không chỉ là chuyện cá biệt của riêng họ. Trường hợp bị ép phải bỏ thai thời kỳ cuối như của thai phụ Phùng không phải là chuyện mới xảy ra ở Trung Quốc, nhất là các vùng nông thôn.
Một bài báo của Washington Post đăng năm 2005 đã kể lại chuyến đi của luật sư mù Trần Quang Thành, người hiện đang du học tại Mỹ, đến Lâm Nghi (Trung Quốc) để nghe nông dân ta thán về việc chính quyền ép họ thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Theo những người này, từ tháng 3-2005 chính quyền địa phương đã đến những nhà nào có hai con và yêu cầu một trong hai người là vợ hoặc chồng phải triệt sản. Phụ nữ mang thai con thứ ba sẽ bị ép phá thai. Nếu người đó tìm cách trốn, quan chức địa phương sẽ bắt giữ người thân và hàng xóm của người đó, đánh đập họ và cứ giam như vậy đến khi nào người trốn ra trình diện.
Luật sư Trần Quang Thành khi đó đã nói: “Những gì mà chính quyền ở đây làm là phạm pháp. Họ vi phạm tràn lan quyền cơ bản của công dân và họ phải chịu trách nhiệm”.
Người dân ở Lâm Nghi còn nói chính quyền yêu cầu các cặp vợ chồng đến thực hiện việc triệt sản dù có người đã được phép sinh con thứ hai. Phụ nữ đã đặt vòng cũng không ngoại lệ.
Điển hình là vụ một phụ nữ nông dân trồng ngô bị bảy cán bộ địa phương đến nhà ban đêm và tống cô vào một chiếc xe, chở đến trụ sở cơ quan kế hoạch hóa gia đình. Tại đây cô bị ép ký vào đơn chấp nhận triệt sản. Khi cô từ chối thì bị những người này cầm tay bắt điểm chỉ. Những người này nói dù cô có ngồi đó chống cự ba ngày nữa thì họ cũng sẽ phẫu thuật triệt sản cho cô. Cô đành chấp nhận.
Một vụ khác là cô Phùng Trung Hạ, 36 tuổi, ở một vùng quê khác của Lâm Nghi. Cô có thai bảy tháng và chạy trốn chính quyền địa phương. Khi đó, chính quyền địa phương đã bắt giữ hơn chục người thân của cô và nói sẽ không thả họ nếu cô không về phá thai. Phùng Trung Hạ kể em gái cô, cậu dì cô bác, dâu rể trong nhà đều bị bắt giam tại trụ sở cơ quan kế hoạch hóa gia đình địa phương. Họ không được cho ăn uống gì và còn bị đánh đập. Cô Phùng gọi cho các quan chức kế hoạch hóa năn nỉ thì họ còn đe dọa sẽ lột da người thân của cô và khi cô trở về, họ chỉ còn là những thi thể. Cô đành trở về. Bác sĩ sau khi khám cho cô đã chọc một cái kim vào tử cung. Khoảng 24 giờ sau, cô đẻ cái thai chết ra ngoài. Sau đó, các quan chức kế hoạch hóa gia đình ép cô triệt sản luôn.
5 triệu là số trẻ em được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) do trang ICMART ước lượng, chiếm khoảng 0,3% trong tổng số 130 triệu trẻ sinh ra trên thế giới hằng năm. Cột mốc 5 triệu trẻ em “đã chứng minh cho tất cả cuộc chiến pháp lý và luân lý, các cuộc tranh luận đạo đức và sự đấu tranh để giành được sự chấp nhận xã hội”, như nhận định của Simon Fishel, thành viên Nhóm nghiên cứu đã giúp thụ tinh trong ống nghiệm đứa trẻ đầu tiên trên thế giới là Louise Brown năm 1978. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận