01/07/2012 07:54 GMT+7

Tương lai Tổng thống Syria còn gây tranh cãi

TẤN KHOA (Reuters, AFP, AP)
TẤN KHOA (Reuters, AFP, AP)

TTO - Cuộc họp khẩn cấp do ông Kofi Annan triệu tập tại Geneva, vừa kết thúc rạng sáng 1-7, đã đạt thỏa thuận về chính phủ chuyển tiếp của Syria, nhưng số phận Tổng thống Bashar al-Assad vẫn chưa được quyết định.

EazduEMz.jpgPhóng to
Cuộc họp khẩn về tình hình Syria do ông Kofi Annan triệu tập đã đạt được sự đồng thuận giữa phương Tây và Nga về thành lập chính phủ chuyển tiếp tại Syria - Ảnh: Reuters

Theo đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả rập tại Syria - ông Kofi Annan, điều khoản quan trọng trong thỏa thuận nói chính phủ chuyển tiếp phải có đầy đủ quyền hành pháp, được thành lập dựa trên cơ sở thống nhất dân tộc có “sự đồng thuận lẫn nhau” với thành phần bao gồm đại diện từ chính phủ hiện tại, từ phe đối lập cùng những nhóm khác.

Tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad chưa được quyết định tại hội nghị này. Các nước phương Tây khăng khăng ông Assad phải từ chức. Ngoại trưởng Hillary Clinton nói sự bắt buộc “đồng thuận lẫn nhau” có nghĩa là ông Assad phải rời bỏ quyền lực. Nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định việc xây dựng chính phủ chuyển tiếp phải do người dân Syria tự quyết, cho rằng không có bất cứ yêu cầu nào trong thỏa thuận buộc ông Assad ra đi. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ủng hộ quan điểm của Nga, “người ngoài không thể ra quyết định thay cho nhân dân Syria”.

Việc đạt được thỏa thuận về kế hoạch hòa bình khiến các nhà ngoại giao tỏ ra hài lòng. Tuy nhiên cuộc họp không đưa ra các hành động chi tiết để thực hiện xây dựng chính phủ thống nhất của Syria. Tổng thống Assad tỏ ra không hào hứng để đối thoại với phe đối lập, và thực tế là chính phủ Syria đã tăng cường sử dụng vũ lực những tuần gần đây.

Còn phe đối lập bác bỏ ngay bất kỳ khái niệm chia sẻ nào trong quá trình chuyển tiếp với ông Assad. Khác với Hội đồng chuyển tiếp dân tộc (NTC) Libya, phe đối lập Syria chưa có một lãnh đạo thống nhất. Những nhóm đối lập ở Syria khá đa dạng, đại diện cho nhiều ý thức hệ, sắc tộc và thế hệ khác nhau ở Syria.

Đặc phái viên Kofi Annan cho rằng: “Nhân dân Syria đã đấu tranh lâu dài cho sự độc lập của mình, nên tôi không nghĩ họ sẽ lựa chọn những người bàn tay đã nhuốm máu để lãnh đạo họ”.

Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Clinton khẳng định sẽ thúc đẩy yêu cầu Hội đồng bảo an xác nhận kế hoạch chuyển tiếp của Syria vừa được nhất trí tại hội nghị ở Geneva, dọn đường cho những biện pháp trừng phạt và can thiệp quân sự trong trường hợp Syria không hành động theo kế hoạch.

Các nhà quan sát cho biết ít nhất 83 người, hầu hết là dân thường, đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực xảy ra trên toàn lãnh thổ nước này trong ngày 30-6. Ngoài ra, hàng trăm người khác đang bị mắc kẹt tại thành phố Douma gần thủ đô Damas, khi các lực lượng chính phủ tìm cách vãn hồi trật tự tại thành phố này.

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria đã hối thúc Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế và Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ khẩn cấp cử các nhóm y tế tới Douma. Thành phố này là nơi thường xuyên xảy ra giao tranh giữa các lực lượng nổi dậy và binh sĩ chính phủ trong những tháng qua.

Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, đã có trên 15.800 người thiệt mạng do bạo lực ở Syria kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống chính quyền hồi tháng 3-2011.

TTXVN

TẤN KHOA (Reuters, AFP, AP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên